Thị trường du học: Nỗi lo về nhà ở

GD&TĐ -Sau 2 năm đóng băng vì dịch Covid-19, thị trường du học bắt đầu có những tín hiệu sôi động khi các quốc gia mở cửa biên giới trở lại.

Du học sinh tại Hà Lan dựng lều trong thời gian tìm nhà.
Du học sinh tại Hà Lan dựng lều trong thời gian tìm nhà.

Tuy nhiên, đi cùng số lượng sinh viên quốc tế ngày một tăng là tình trạng khan hiếm nhà và giá cho thuê tăng vọt. Những sinh viên may mắn tìm được phòng trọ cũng phải đối mặt với nguy cơ lừa đảo, lợi dụng.

“Đỏ mắt” thuê nhà

Đầu tháng 4, khi đăng thông tin về một phòng trọ dành cho sinh viên, chỉ 2 giờ sau, ông Serge Renard, người quản lý Văn phòng cho thuê nhà ở Ghent (Bỉ), nhận được 340 cuộc điện thoại đặt chỗ.

Do số lượng khách hàng quá lớn còn địa điểm cho thuê chỉ có một, ông Renard đành phải phớt lờ cuộc gọi của những người chậm chân. Người đàn ông này nhớ lại, tình trạng sinh viên ráo riết tìm phòng trọ bắt đầu diễn ra từ 4 tháng trước dù năm học 2022 – 2023 chưa bắt đầu.

“Đây là lần đầu tiên sau 38 năm làm nghề cho thuê nhà, tôi chứng kiến số lượng sinh viên tìm phòng trọ đông như vậy”, ông Renard chia sẻ.

Khi năm học mới cận kề, số lượng sinh viên trong nước và quốc tế tại Bỉ đổ về khu vực gần các trường đại học càng lớn. Với một phòng trọ cho khoảng 3 - 4 người ở, từ sáng sớm đã hơn 50 sinh viên đứng xếp hàng chờ được xem nhà. Nhiều người thậm chí không cần xem qua mà trực tiếp đặt cọc để giữ chỗ.

Với những sinh viên quốc tế chưa nhập cảnh Bỉ, cơ hội càng trở nên mong manh hơn. Trên các trang web cho thuê nhà, nhiều người nhận thấy thông tin phòng trọ sẽ biến mất chỉ sau 1 - 2 phút đăng tải do hàng trăm người “chầu chực” trước màn hình để đăng ký.

Cơn “sốt” này đã đẩy giá nhà cho thuê, phòng trọ dành cho sinh viên, lên cao, đặc biệt là khu vực quanh các trường đại học. Theo Liên đoàn các ngành nghề bất động sản Bỉ (CIB), năm học 2019 – 2020, hàng tháng, sinh viên phải trả trung bình 400 euro (khoảng 9,7 triệu đồng) cho một phòng trọ nhưng con số này đã tăng lên 426 euro (khoảng 10,3 triệu đồng) vào năm học 2020 – 2021.

Hiện, Bỉ còn thiếu ít nhất 95 nghìn phòng trọ dành cho sinh viên. Các chuyên gia nhận định, nhà cho thuê trở nên khan hiếm một phần vì Bỉ trở thành điểm đến thu hút đông đảo sinh viên trong và ngoài châu Âu.

Ngoài ra, trong giai đoạn dịch Covid-19, các công trình xây dựng phải ngừng hoạt động, hạ tầng xuống cấp cần tu sửa nên nhu cầu nhà ở chưa thể đáp ứng ngay khi đất nước chuyển trạng thái bình thường mới.

Còn tại Na Uy, trước bối cảnh khan hiếm nhà ở dành cho sinh viên, chính phủ đã phân bổ quỹ hỗ trợ nhà ở trị giá 43 triệu euro cho tân sinh viên. Quỹ sẽ được phân phối cho các cơ sở giáo dục đại học ở Finnmark, Nordland và Tromso. Ngoài ra, khoảng 200 ký túc xá trên cả nước sẽ nhận được khoản tài trợ trị giá 8 triệu euro.

Nhiều du học sinh tới Hà Lan nhưng chưa tìm được phòng trọ.

Nhiều du học sinh tới Hà Lan nhưng chưa tìm được phòng trọ.

Lừa đảo qua Internet

Dưới góc độ của nhiều chuyên gia, tình trạng khan hiếm nhà ở là “cơ hội” để thay đổi chất lượng giáo dục quốc tế tại Hà Lan. Ông Meulen nhận định tình trạng thiếu hụt có thể giải quyết vấn đề rộng lớn hơn là bùng nổ số lượng sinh viên quốc tế du học Hà Lan. Các trường đại học có thể thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao điều kiện tuyển sinh nhằm tuyển chọn những sinh viên xuất sắc nhất, từ đó, ngày càng khẳng định tên tuổi trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Tình trạng khan hiếm nhà cũng nổi lên tại Hà Lan – quốc gia sở hữu chất lượng giáo dục tốp đầu thế giới. Các cơ sở giáo dục đại học Hà Lan đang bị kéo vào trung tâm của cuộc khủng hoảng nhà ở trong bối cảnh số lượng sinh viên quốc tế tăng cao, vượt xa nguồn cung khan hiếm trong nước.

Khi năm học 2022 – 2023 đến gần, nhiều trường đại học đã cảnh báo sinh viên quốc tế không nhập cảnh nước này trừ khi đã thuê được nhà trước đó. Số khác khuyến cáo sinh viên chưa tìm được phòng trọ chuyển sang học tập tại địa phương, quốc gia khác.

Ông Barend van der Meulen, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Trường Đại học Twente, cho biết, vấn đề nhà ở trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày, nhiều sinh viên không thể nhập cảnh và phải chuyển địa điểm học vì không thuê được nhà.

Nhiều thành phố, trường đại học và các công ty nhà ở đã phải ngồi lại cùng nhau để giải quyết vấn đề trên. Đơn cử, thành phố Groningen cam kết cung cấp thêm 100 nhà ở hàng năm cho thanh niên trong khi Amsterdam đặt mục tiêu xây mới 1.000 nhà ở từ 2019 – 2022. Tuy nhiên, tốc độ bàn giao nhà không theo kịp lượng đơn xin nhập học hàng năm.

Ngược lại, các nhà trọ dành cho sinh viên tại Australia tương đối phong phú nhưng du học sinh rất dễ trở thành “con mồi” cho những chủ nhà trọ thiếu uy tín. Thông thường, sinh viên quốc tế sẽ xem phòng trọ qua mạng và đặt cọc tiền thuê nhà trước khi đến Australia. Điều này tạo khe hở cho các vụ lừa đảo.

Đơn cử, chủ các nhà trọ sẽ đăng ảnh giả mạo phòng trọ cho thuê khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi hay rộng rãi. Nhưng thực tế, sinh viên sẽ nhận được căn phòng ẩm thấp, tồi tàn đã đông người trọ. An ninh, an toàn ở những khu vực này cũng không được đảm bảo. Chưa kể, giá cho thuê là quá cao so với tình trạng nhà ở như vậy.

Theo nghiên cứu của ĐH Công nghệ Sydney (UTS) và ĐH South Wales (UNSW) năm 2019, gần 50% trong số gần 2.500 sinh viên quốc tế từng là nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo nhà cho thuê. Giá cho thuê ở mức cao “cắt cổ”, song chất lượng nhà, cơ sở vật chất, hạ tầng và an ninh không được bảo đảm.

Đầu năm 2022, Canada cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo du học sinh thuê nhà với cách thức tương tự khi nước này đón sinh viên quốc tế trở lại. Vì du học sinh là nhóm người yếu thế, họ dễ dàng bị chủ các khu nhà ổ chuột lợi dụng. Nếu vấn đề không được giải quyết, sinh viên quốc tế tại Canada có thể sẽ lâm vào những tình cảnh nguy hiểm khôn lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.