Thị trấn Nhật Bản trả tiền cho người dân để sinh con

Trong khi Nhật Bản đang "đau đầu" tìm cách đối phó với vấn nạn dân số già hóa và ngày càng giảm, một thị trấn ở miền quê nước này đã tìm ra phương pháp để khắc phục tình trạng trên, cũng như kích thích các cặp đôi sinh nở.

Thị trấn Nhật Bản trả tiền cho người dân để sinh con
Thị trấn Nhật Bản trả tiền cho người dân để sinh con - Ảnh 1.

Vẻ đẹp thanh bình của thị trấn Nagi (Ảnh minh họa: Visitwestjapan.com)

Khi hai vợ chồng Katsunori và Kaori Osaka có con đầu lòng, họ đang sống trong một căn hộ chật chội ở Nagoya, thành phố hơn 2 triệu dân ở miền trung Nhật Bản.

Như bao cặp đôi trẻ trung khác, họ cố gắng nuôi dưỡng con cái của họ tại đô thị, tuy nhiên sau đó họ nhận ra cuộc sống trong những căn hộ ở thành phố quá đông đúc và đắt đỏ. Vì vậy, họ đã quyết định từ bỏ Nagoya.

“Khi người ta ở độ tuổi 20-30, họ không thể gánh được chi phí để sống trong một căn hộ rộng lớn. Chúng tôi biết mình muốn có thêm con, và hiểu rằng sẽ không làm được việc này nếu còn sống ở thành phố”, Katsunori nói.

14 năm sau đó, gia đình Osaka đã chuyển về Nagi, quê nhà của Katsunori. Nagi là một ví dụ điển hình cho nỗ lực của Nhật Bản trong việc cải thiện vấn nạn tỉ lê sinh ngày càng giảm.

Có dân số chỉ vào khoảng 6.000 người, chính quyền Nagi cho rằng sự yên bình, thong thả, nhịp sống chậm rãi ở đây là điều kiện lý tưởng để nuôi dạy con cái. Ngoài ra, Nagi cũng có chế độ đặc biệt: Trả tiền cho các cặp đôi sinh con tại đây.

Cơ chế trả tiền của thị trấn này áp dụng theo mốc tăng dần. Các gia đình sẽ nhận 879 USD cho đứa con đầu lòng, 1.335 cho con thứ 2 và con số này tăng dần. Nếu gia đình sinh tới con thứ 5, họ sẽ nhận được 3.518 USD.

Nagi đã bắt đầu cơ chế này từ năm 2014 trong nỗ lực nhằm tăng tỉ lệ sinh, và chống lại xu hướng dân số ngày càng già hóa tại Nhật Bản.

Ngoài ra, chính quyền cũng ban hành những đặc quyền cho các cặp cha mẹ chịu sinh con như trợ cấp nhà ở, vắc-xin miễn phí, trợ cấp học phí, trợ cấp trông trẻ. Và cơ chế này dường như khá hiệu quả.

Tại khu vực nhà Osaka sinh sống, hầu hết các cặp đôi đều có nhiều hơn 3 con vì họ có khả năng nuôi dạy và họ mong muốn như vậy.

Thị trấn nhỏ bé hiện thời đang đi ngược lại với xu hướng chung trên toàn Nhật Bản. Từ năm 2005 tới 2014, tỉ lệ sinh ở Nagi (dựa vào số trẻ trung bình một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời) tăng gấp đôi từ 1,5 lên 2,8. Từ 2014 tới nay, dù tỉ lệ này ở Nagi có giảm xuống 2,39, nhưng vẫn cao hơn con số trung bình 1,46 của toàn quốc.

Dân số già

Thị trấn Nhật Bản trả tiền cho người dân để sinh con - Ảnh 2.

Dân số già, vấn nạn khiến giới chức Nhật Bản "đau đầu" (Ảnh minh họa: Wordpress)

Từ năm 1970 tới nay, dân số Nhật Bản liên tục có dấu hiệu giảm xuống. Năm 2017, có chưa đầy 950.000 trẻ em ra đời, trong khi số người qua đời lên tới 1,3 triệu người, theo Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản.

Dân số Nhật Bản là 127 triệu người nhưng chỉ có 12,3% là trẻ em, so với con số 18,9% tại Mỹ, 16,8% ở Trung Quốc và 30,8% ở Ấn Độ. Theo đà này, tới năm 2065, dân số Nhật Bản có thể sẽ giảm xuống 88 triệu người.

Cuộc sống nhiều áp lực và đắt đỏ ở khu vực đô thị lớn như Tokyo được cho là nguyên nhân khiến thanh niên ở độ tuổi sinh nở cảm thấy e ngại với việc thành hôn và sinh con đẻ cái. Năm 2015, tỉ lệ đàn ông tới 50 chưa kết hôn đạt mốc 23,37% và con số này ở nữ giới là 14,06%.

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách nhằm kích thích tỉ lệ sinh tăng lên như tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ em, cải thiện vấn đề nhà ở và cơ sở vật chất công cộng cho gia đình có trẻ em.

Phụ nữ ở Nhật Bản thường có xu hướng nghỉ việc làm nội trợ sau khi kết hôn. Tuy nhiên, thói quen này cũng đã có sự thay đổi do họ muốn san sẻ áp lực cơm, áo, gạo, tiền vốn thường đè nặng lên đôi vai của người đàn ông. Tuy nhiên, những chính sách trên chưa mang lại nhiều thành tựu và hiệu quả đủ lớn như kỳ vọng.

Thị trấn “thân thiện” với gia đình

Nagi nổi tiếng nhất với món mò Wagyu trứ danh và là nơi tọa lạc một khu sản xuất của 19 công ty. Cuộc sống ở đây khá truyền thống khi các cặp đôi thường kết hôn ngoài 20 tuổi và bắt đầu sinh con đẻ cái ngay sau đó. 70% phụ nữ ở đây vẫn đi làm sau khi kết hôn.

Họ chọn những công việc nhẹ nhàng như làm văn phòng, giáo viên sau khi sinh nở. Họ không có khái niệm vừa phải làm việc cực nhọc vừa phải chăm lo cho gia đình và san sẻ gánh nặng kinh tế. Phụ nữ tại đây coi trọng việc căn bằng giữa gia đình và cuộc sống xã hội hơn các mục tiêu tiến thân trong sự nghiệp.

Thị trấn dành khoản lớn ngân sách cho các dịch vụ hỗ trợ gia đình, một phần nhờ tiền từ chính phủ rót xuống vì đây là nơi đồn trú của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Trong quá khứ, các quan chức tại đây cũng chấp nhận mức lương thấp hơn để họ có thể tiết kiệm ngân sách nhằm vun đắp cho tương lai của thị trấn.

Họ phân bổ nơi ở của các gia đình khá gần gũi. Ông bà có thể phụ các cặp cha mẹ chăm lo con cháu. Giới chức nơi đây rất chú trong tới việc tạo ra môi trường thân thiện với gia đình. Có thể nói, Nagi là một hình mẫu lý tưởng của một thị trấn "thân thiện" với gia đình.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ