Con trai lớn từ ngày vào lớp Mười bắt đầu xa cách mẹ, đi học về cứ lấy cớ nghỉ mệt trốn miết trong phòng. Tới giờ nấu ăn mới chịu ló mặt ra phụ mẹ cắm nồi cơm điện, nhặt rau.
Ngày trước, đi học về là con ríu rít chạy tới ôm hôn, quấn quýt bên mẹ. Nhưng giờ cậu ít nói hẳn. Nhiều lúc mẹ hỏi hôm nay con có gì vui không, cậu cứ qua quýt: đi học thôi mà mẹ, cũng thầy cô đó, bạn bè đó, có gì lạ đâu.
Tôi gợi chuyện: ngày trước mẹ đi học vui lắm, ngày nào cũng có chuyện về kể với ông bà ngoại.
Cậu im lặng, cách tế nhị để chấm dứt câu chuyện. Tôi thấy tủi thân, nhất là khi thấy bạn bè, hàng xóm có con gái, mẹ con lúc nào cũng líu ríu bên nhau. Rồi tôi hờn:
- Con hết yêu mẹ rồi ha? Hồi đó, đi đâu về là tìm mẹ ngay, còn ôm hôn mẹ, lâu lắm rồi không ôm mẹ cái nào.
- Yêu với hôn có liên quan gì đâu mẹ, con yêu mẹ nhưng để trong lòng.
- Hôn mẹ khiến con xấu hổ à?
- Không, nhưng con thấy kỳ kỳ.
Tôi nói, sau một ngày dài xa cách, trở về nhà tôi muốn được con cái gần gũi, hỏi han. Và nụ hôn thay bao lời muốn nói. Sau cái nhăn mũi, con hỏi ngược lại tôi: “Thế mẹ có bao giờ hôn ông bà ngoại chưa? Mấy lần mẹ nói nhớ bà, mà gọi điện về toàn hỏi bà nuôi được bao nhiêu con gà, ngày lấy được bao nhiêu trứng, mít khi nào chín, vườn trồng được rau gì…”.
Yêu thương cũng cần thói quen và dù để trong lòng, lúc nói ra, vẫn nghe yêu thương mang sắc thái khác. (Ảnh minh họa). |
Tôi thôi không tranh luận với con nữa. Thế hệ của tôi không dùng nụ hôn để chuyển tải tình cảm. Tôi cũng không quen nói con thương nhớ mẹ lắm. Nên khi nhớ mẹ, gọi điện về toàn hỏi chuyện linh tinh, nghe mẹ khoe trong nhà có gì mới; khoe cây bơ trồng cả chục năm tưởng bơ đực, năm nay tự dưng trổ bông… để cảm nhận mẹ vẫn khỏe và vui vẻ. Nếu như có lúc nào đó tôi nói “trời ơi con nhớ mẹ quá!”, là y như rằng mẹ sẽ mắng “con dở hơi”.
Tôi nhớ mẹ phải mượn lời đùa, mẹ yêu tôi phải qua câu mắng yêu. Tại sao nói thương yêu lại khó đến thế? Trong khi chỉ cần một chút khó chịu, lời cay đắng cũng có thể thốt lên dễ dàng, chuyện xảy ra cách đó mấy năm cũng được ấm ức lôi ra.
Trong lúc chờ cơm chín, tôi gọi điện về cho mẹ. Mẹ vô cùng ngạc nhiên khi tôi gọi về vào cái giờ… oái oăm. Tôi bảo, “tại con đang nấu canh cải xanh với cá rô, biết mẹ thích món này nên gọi khoe mẹ. Mai mốt con về sẽ nấu cho mẹ ăn”. Tôi còn hỏi, “mai mẹ tính ăn gì, rủ con với, cho con đỡ phải nghĩ”.
Ngày nào tôi cũng gọi cho mẹ trước lúc đi ngủ, để nói chuyện vẩn vơ, cùng bàn coi mai ăn món gì. Ngày mai, khi nấu món ốc hầm chuối đậu, mẹ sẽ vừa làm vừa chỉ. Nhờ đó, tay nghề tôi khá lên trông thấy. Thi thoảng, tôi còn nói: “Có mẹ giỏi sướng quá, nay hai đứa ăn món giả cầy khen ngon kìa mẹ, yêu mẹ quá đi...”.
Hết chuyện nhà, mẹ kể chuyện hàng xóm. “Nhà cô Lan mới xin về con chó xinh lắm. Nhớ ngày trước, có “con chó nào” dỗi mẹ không cho nuôi chó, hết sang hàng xóm “trộm” chó về ôm, đến lấy cá trong nồi mẹ mới kho cho chó ăn. Bị mẹ mắng còn dám nói sẽ bỏ nhà, sang nhà hàng xóm ở…”. Tôi bật cười, nỗi đau ngày bé của tôi nay thành ký ức vui vẻ.
Có lẽ đã quen tai nên khi tôi nói nhớ, nói yêu, mẹ không bảo tôi “dở hơi” nữa mà chỉ cười. Yêu thương cũng cần thói quen và dù để trong lòng, lúc nói ra, vẫn nghe yêu thương mang sắc thái khác. Ừ, yêu thôi mà, sao không nói ra cho người ta biết, có thể có chút ngượng ngùng nhưng trong bụng vẫn rất vui.
Con trai đi học về, nói “con chào mẹ”, rồi nghiêng đầu ịn xuống má mẹ nụ hôn. Dường như chưa quen lắm, con hơi đỏ mặt và chui tọt vào phòng.
Tôi cười, nghe ấm áp và tự đặt “định mức” cho một ngày yêu thương là luôn nói lời yêu thương bất cứ khi nào có thể và sẵn sàng đón nhận những nụ hôn, dù chỉ lướt nhẹ.