Chưa năm nào các em học sinh cuối cấp phổ thông phải trải qua một kỳ thi ngặt nghèo như lúc này: Vừa lo làm bài vừa dè chừng kẻo lây nhiễm dịch Covid-19! Mỗi thí sinh phải tự “phân thân” để ứng phó với dịch bệnh và thi cử.
Đây là điều chưa có trong tiền lệ thi cử ở nước ta. Trong lúc hàng triệu thí sinh đang đối mặt với thách thức kép thì các bậc phụ huynh - không biết phải làm gì ngoài cầu mong cho con em mình an toàn trước dịch bệnh kèm câu cửa miệng “thi tốt nhé”.
Vâng, thi tốt là mục tiêu mà bất cứ thí sinh nào cũng phải cố để đạt được. Nhưng còn dịch thì sao? “An toàn nhé!”. Vâng, phải “an toàn” nếu không muốn rơi vào bi kịch chẳng may “dính” Covid-19 ngay giữa kỳ thi! Đi thi trong một tâm trạng nơm nớp cho cả người thi, người coi thi lẫn người ở ngoài cổng trường đợi con em như thế, quả là điều chẳng ai mong muốn cả. Nhưng biết làm sao được một khi cuộc hành trình dài dặc suốt 12 năm của các em buộc phải vượt qua bước cuối cùng đầy cam go và thử thách này.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngoài những công việc mang tính chuyên môn thường thấy như mọi năm, kỳ thi năm nay, cả thí sinh lẫn người tổ chức thi phải “làm thêm” một công việc chẳng đặng đừng. Đó là phải thực hiện tất cả những yêu cầu cần thiết và nghiêm ngặt nhất về phòng dịch Covid-19 từ cơ quan y tế.
Các hội đồng thi vừa phải bố trí chỗ ngồi của thí sinh sao cho đúng quy định giãn cách mà ngành y tế yêu cầu, vừa phun thuốc sát trùng, khử khuẩn toàn bộ phòng thi và khu vực thi. Cả thí sinh lẫn những người trực tiếp tham gia coi thi, giám thị các điểm thi đều phải được xét nghiệm. Riêng giáo viên coi thi ở nhiều địa phương đã được tiêm phòng mũi 1 Covid-19 .
Để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh giữa đại dịch này, nhiều em đang thuộc diện F1, F2 được phép tạm không tham gia thi đợt 1 và sẽ bố trí thi đợt 2 vào thời điểm thích hợp. Các thí sinh theo học ở TPHCM nhưng hiện về ở các vùng quê nơi có cha mẹ các em sinh sống thì cũng được bố trí tham dự kỳ thi này cùng với thí sinh tại địa phương đó. Ngành giáo dục đã làm tất cả những gì có thể để thí sinh thoải mái nhất trước khi bước vào phòng thi.
Những nỗ lực ấy là rất đáng ghi nhận, song về phía khách quan, không ai có thể tiên liệu hết những rủi ro dịch bệnh mà thí sinh cũng như những người coi thi sẽ gặp phải. Vì vậy, ngoài việc giải thích cho các em về những quy định của kỳ thi, các thầy cô giáo coi thi cũng đừng quên nhắc nhở các em trong việc đề phòng dịch bệnh.
Việc xét nghiệm cách đây 3 - 4 hôm đối với các thí sinh âm tính chỉ mang tính “tham khảo” chứ đó hoàn toàn không phải là tấm giấy thông hành để các em “thoải mái” mà không quan tâm đến dịch bệnh.
Chúng ta chỉ còn biết cầu mong cho các em an toàn trước dịch bệnh và thi thật tốt mà thôi.