Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Mong gọn nhẹ, giảm áp lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều ý kiến ủng hộ thi tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực...

Phương án 2+2 được cho là gọn nhẹ, giảm bớt áp lực thi cử. Ảnh: INT
Phương án 2+2 được cho là gọn nhẹ, giảm bớt áp lực thi cử. Ảnh: INT

Cho rằng phương thức thi tốt nghiệp THPT cần theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, nhiều ý kiến ủng hộ phương án 2+2 cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Đủ đánh giá năng lực, đáp ứng yêu cầu chương trình mới

Còn hơn năm nữa, học sinh Bùi Thị Thùy - lớp 11A5, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Là lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp, Thùy cho biết khá lo lắng và mong mỏi từng ngày được biết phương án thi; từ đó có kế hoạch học, ôn tập để đạt kết quả cao nhất.

“Em mong phương án thi chỉ có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn. Nếu được vậy, em chọn Hóa học và Sinh học để dự thi. Phương án này gọn nhẹ, giảm bớt áp lực thi cử. Với Ngoại ngữ, dù không thi nhưng chúng em ý thức đây là công cụ quan trọng cho công việc sau này nên luôn cố gắng học tốt”, nữ sinh chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cũng ủng hộ phương án 2 + 2 với lý do: Bảo đảm đánh giá được năng lực và phẩm chất học sinh; giảm áp lực thi cử; phù hợp cho giáo viên, học sinh các trường miền núi.

Thí sinh (bên phải) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: NTCC

Thí sinh (bên phải) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: NTCC

“Thực tế, đội ngũ giáo viên ở nhiều trường miền núi chưa đủ số lượng và đồng bộ cơ cấu môn học; khả năng, cơ hội tiếp xúc ngoại ngữ hạn chế; số học sinh có nhu cầu học đại học sau tốt nghiệp THPT không cao.

Do vậy, cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp với môn Ngữ văn đại diện cho khoa học xã hội, môn Toán đại diện cho khoa học tự nhiên và 2 môn lựa chọn theo năng lực, sở trường của học sinh. Kết quả các môn thi đủ để đánh giá năng lực và phẩm chất người học, bảo đảm đúng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, thầy Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Có ý kiến cho rằng, phương án này ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ của học sinh, theo thầy Nguyễn Văn Hùng, điều đó đúng, nhưng chưa toàn diện. Cần đặt lại câu hỏi: Có phải tất cả học sinh sau khi tốt nghiệp phải có ngoại ngữ để lập thân, lập nghiệp? Tất cả có năng lực ngôn ngữ như nhau? Từ đó nhấn mạnh bản thân đồng tình với phương án 2+2; còn việc tuyển sinh của các trường đại học thực hiện theo quy định, nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Cô Phạm Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nhận định phương án thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, cùng 2 môn lựa chọn phù hợp, giảm áp lực thi cử cho thí sinh, tiết kiệm thời gian, chi phí. Học sinh có thời gian ôn luyện môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Cô trò Trường THPT Quan Sơn trong giờ ôn tập. Ảnh: INT

Cô trò Trường THPT Quan Sơn trong giờ ôn tập. Ảnh: INT

Không phải thi mới học

Là học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của lứa học chương trình mới, Nguyễn Hà My - lớp 11A1, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ: “Mỗi môn học chúng em phải học tốt cả trên lớp và tự học; trải qua kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ. Lượng kiến thức mỗi môn khác nhau, cách học và ôn cũng khác nên rất áp lực.

Với chúng em, mỗi kỳ kiểm tra, đánh giá giữa, cuối kỳ cũng như Kỳ thi tốt nghiệp THPT vậy. Nếu làm bài không tốt, thiếu điểm sẽ không được lên lớp và không đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT. Thế nên, môn không thi tốt nghiệp, không đồng nghĩa chúng em bỏ qua việc học”. Vì lý do này, Hà My mong mỏi phương án thi tốt nghiệp 2+2; giảm áp lực, học sinh có thêm thời gian tập trung ôn thi tốt hơn các môn thi tốt nghiệp.

“Bên cạnh 2 môn Toán và Ngữ văn, em dự kiến sử dụng điểm Tiếng Anh và Lịch sử để xét tuyển đại học. Em định thi Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa để thực hiện ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch”, Nguyễn Hà My chia sẻ, đồng thời cho rằng:

Không lo học sinh giảm sự quan tâm đối với môn Ngoại ngữ khi không phải là môn thi bắt buộc. Bởi ngoài phải học để đáp ứng yêu cầu quá trình học ở trường THPT, bài kiểm tra, đánh giá… học sinh luôn ý thức học tốt Tiếng Anh sẽ có lợi cho việc học lên cao hay đi làm.

“Em thấy cha mẹ thường đầu tư cho con học Tiếng Anh từ sớm, học online, học thêm tại trung tâm… Nên dù thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh hay không, mỗi học sinh luôn muốn học tốt môn này”, Hà My cho hay.

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng: Mỗi phương án có tính logic riêng. “Tuy nhiên, nếu được lựa chọn tôi thiên về việc chỉ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và ít nhất là 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại. Về mặt cơ học, việc này rút ngắn thời gian thi trong vòng 1,5 ngày. Phương án này cũng đáp ứng cả hai mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học”, vị chuyên gia nhận định.

Khẳng định vai trò của việc học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhưng thầy Ngọc cho rằng mỗi cá nhân có nguyện vọng khác nhau. Trong vài năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu phục vụ xét tuyển đại học, không ít thí sinh lựa chọn đi học chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế (IELTS) dù Bộ GD&ĐT không bắt buộc.

“Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương khó khăn và với trường hợp không có nguyện vọng làm việc trong khu vực có yếu tố quốc tế, học sinh học Tiếng Anh yếu và chỉ đi thi cho có. Kết quả là phổ điểm thi Tiếng Anh có dạng hình yên ngựa với 2 đỉnh tách biệt rõ ràng. Thực tế đó cho thấy ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn thay vì bắt buộc”, thầy Vũ Khắc Ngọc trao đổi.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, tôn trọng lựa chọn học tập mang tính cá nhân của học sinh. Phương án 2+2 vẫn giữ lại điều căn cốt nhất của chương trình giáo dục phổ thông là năng lực tư duy toán học và ngôn ngữ - hai trụ cột của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Còn lại, học sinh được lựa chọn môn thi tùy theo năng lực, sở thích, định hướng học tập, nghề nghiệp lâu dài. Thầy Vũ Khắc Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.