Những sai sót thí sinh thường mắc
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình), vài năm trở lại đây, học sinh lớp 12 của tỉnh Hòa Bình được sở GD&ĐT, các trường THPT tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT 2 lần theo lịch chung; ngoài ra, các trường còn tổ chức thi thử riêng. Do đó, thí sinh được tập, làm quen với quy trình thi theo quy chế; khi tham gia thi chính thức các em ít mắc phải những sai sót. Những sai sót của các em nếu gặp phải thường là đến thi muộn quá 15 phút sau thời gian phát đề và tính giờ làm bài (có thể do chủ quan nhà ở gần điểm thi, hoặc ngủ quên do không có ai nhắc nhở...).
Đối với bài thi trắc nghiệm, vẫn có thí sinh mắc sai sót do ghi, tô nhầm số báo danh, mã đề thi. Có thí sinh dùng bút bi tô số báo danh, mã đề thi, trong khi theo quy chế, thí sinh phải dùng bút chì để tô. Bên cạnh đó, cũng có thí sinh vẫn mang theo điện thoại di động, đồng hồ thông minh vào phòng thi (phải để cán bộ coi thi nhắc nhở trước khi phát đề thi); có em vẫn dùng 2 loại bút mực khác nhau đối với bài thi tự luận (Ngữ văn)...
Nhiều năm làm công tác thi, cô Đinh Thái Hà, giáo viên Trường THPT Lương Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) ghi nhận một số lỗi thí sinh hay mắc phải. Theo đó, có em không kiểm tra đề của mình cẩn thận xem chữ trong đề có bị mờ không, thiếu trang hoặc thừa trang? Có thí sinh thì quên không tô số báo danh hoặc mã đề; không chú ý mã đề của 3 môn thành phần trong bài thi tổ hợp (thí sinh cần xem xét kỹ và chú ý mã đề, mã đề của ba môn thành phần trong bài tổ hợp phải trùng nhau). Có trường hợp lại tô nhầm đáp án vì không cẩn thận, làm câu 1 nhưng lại tô sang câu 2; hoặc tô bút chì không kín ô đáp án. Hay thí sinh vì mải làm bài không tô đáp án ngay khi làm xong một câu hỏi; nên khi hết giờ thì vội dẫn đến tô nhầm…
Những điều cần nhớ
Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), nhấn mạnh: Thí sinh phải tìm hiểu kỹ Quy chế thi tốt nghiệp THPT và những nội dung liên quan để chuẩn bị tốt nhất và tránh những lỗi vi phạm do không biết. Trong đó, thí sinh đặc biệt chú ý tìm hiểu đầy đủ Điều 14 (trách nhiệm của thí sinh) và Điều 54 (xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi).
Để phòng chống gian lận công nghệ cao, Bộ GD&ĐT quy định vật dụng của thí sinh phải để cách phòng thi tối thiểu 25m. Thí sinh phải có sự chuẩn bị chu đáo các vật dụng phù hợp, đầy đủ nhưng đơn giản, không thừa cho từng buổi thi, ngày thi. Các thí sinh, nhất là những em nhà xa phải ở lại điểm thi buổi trưa, cần tính toán để tự bảo quản đồ dùng an toàn nhất trước buổi thi, như: Gửi người thân hoặc gửi tại phòng bảo quản vật dụng tại điểm thi, nhưng phải cẩn thận để tránh nhầm lẫn đồ dùng.
Thí sinh cũng cần chuẩn bị giấy báo dự thi và chứng minh nhân dân/căn cước công dân trong ngày làm thủ tục để nhận thẻ dự thi; lưu ý rà soát tất cả thông tin cá nhân, phòng thi từng môn thi. Sĩ tử tập trung tại điểm thi theo đúng thời gian quy định của điểm thi (nhiều em nhầm lẫn giữa giờ tập trung và giờ phát đề của môn thi ghi trên thẻ dự thi). Tuyệt đối không mang những vật dụng quy chế quy định không được mang vào khu vực thi.
Bút viết cũng cần chú ý vì khi mang theo bút xóa, bút đỏ, các em dễ sử dung do thói quen hàng ngày. Hãy tập trung nghe cán bộ coi thi hướng dẫn, nhất là môn thi tự luận trình bày phải cẩn thận không để lại những dấu hiệu bất thường trên bài thi. Môn thi trắc nghiệm chú ý kỹ thuật tô theo hướng dẫn trên mặt sau tờ phiếu. Bài thi tổ hợp cần bảo đảm mã đề thi môn sau phải trùng với môn trước đó. Điều đặc biệt quan trọng là các em quan tâm chế độ dinh dưỡng, tránh quá lo âu, giữ tâm lý thoải mái để đạt kết quả cao nhất từng bài thi.
Theo cô Đinh Thái Hà, bên cạnh lưu ý học sinh mang theo thẻ dự thi và căn cước công dân, đầy đủ dụng cụ học tập, còn khuyên chuẩn bị trang phục gọn gàng, chỉnh tề. Thí sinh nên đến sớm 15 - 30 phút đề phòng sự cố không mong muốn; tuyệt đối không đi muộn giờ (vào muộn 15 phút sau khi phát đề sẽ không được dự thi môn đó). Buổi tối trước hôm thi nên ngủ sớm.
Trong ngày thi, buổi trưa có thể chợp mắt một chút để tinh thần luôn tỉnh táo. Thí sinh cũng lưu ý ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa sáng và tránh ăn những món trước đây chưa bao giờ ăn. Nếu mang theo điện thoại di động thì không được quên tắt nguồn và để ở khu vực theo quy định tại điểm thi. Cùng với đó, thí sinh phải tuân thủ đúng nội quy, kỷ luật phòng thi. Thi xong môn nào hãy quên ngay môn đó, dành thời gian nghỉ ngơi để làm tốt bài thi của những môn tiếp theo.
TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, dặn dò học sinh giữ sức khỏe bằng cách sinh hoạt điều độ: Không nên thức quá khuya, dậy quá sớm; bảo đảm ngủ đủ giấc; hạn chế những hành động có thể làm mất ổn định hoặc gây ra vấn đề cho sức khỏe, như vận động quá sức, ăn uống quá nhiều. Tránh ăn những loại thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, hoặc dễ gây tiêu chảy, ngộ độc.
Về việc ôn thi, TS Nguyễn Thành Nam cho rằng: Các em không nên tập trung vào học kiến thức mới, mà ưu tiên luyện tập chiến thuật làm bài thi. Nên luyện tập trên một số đề thi chuẩn, dựa vào mục tiêu điểm số của mình để kiểm soát thời gian hợp lý. Trong quá trình làm đề, cần lưu ý hoàn thiện kỹ thuật tính toán sao cho nhanh, chính xác. Tuyệt đối tránh việc phải tính đi tính lại nhiều lần một phép tính.
Trong quá trình làm bài thi, theo TS Nguyễn Thành Nam, thí sinh không nên quá suy nghĩ về những phần đã thi xong, mà tập trung vào phần đang làm. Nếu cảm thấy đề thi khó hơn mức bình thường cũng không cần phải lo lắng, vì điều này là hết sức bình thường. Trong trường hợp đề thi được nâng cao hơn về độ khó thì đó là cái khó chung, nên về cơ bản sẽ không làm thay đổi thứ hạng và kết quả tuyển sinh vào đại học, nên không cần phải bận tâm. Thí sinh cần giữ trạng thái tâm lý ổn định và sự tập trung cao độ mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Tại Cần Thơ, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), số học sinh mắc lỗi không nhiều. Tuy nhiên, nếu mắc các em thường ghi nhầm số tờ trong bài thi tự luận. Với bài thi trắc nghiệm, thí sinh xóa không sạch; tô sai số báo danh; tô không đúng số thứ tự câu hỏi (đối với thí sinh không dự thi đủ các môn thành phần của bài thi tổ hợp); tô mờ; hoặc ký nhầm ô...