Lời khuyên của chuyên gia dành cho thí sinh

GD&TĐ - Để thuận lợi cho thí sinh đăng ký các nguyện vọng bổ sung, Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi, với 3 mã vạch tương ứng để đăng ký nguyện vọng vào 3 trường khác nhau. 

Thí sinh rộng cửa nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2
Thí sinh rộng cửa nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2

Thí sinh sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào một trường duy nhất và gửi phiếu đăng ký xét tuyển bằng cách nộp tại Sở GD&ĐT hoặc trường THPT do Sở GD&ĐT quy định, hoặc qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh, hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Xét tuyển nguyện vọng 2 đến hết ngày 7/9

Ngày 26/8 là ngày đầu tiên các thí sinh bước vào đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Theo kết quả tổng hợp, trong số 127 trường ĐH, CĐ đã gửi báo cáo về kết quả xét tuyển đợt I thì hầu hết là trường đại học, trong đó có 41 trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu. Hiện Bộ GD&ĐT đã có đầy đủ thông tin xét tuyển nguyện vọng bổ sung của tất cả các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc còn thiếu chỉ tiêu tuyển sinh (cập nhật đến chiều 26/8). Các thông tin này, bạn đọc có thể truy cập tại báo GD&TĐ Điện tử, qua địa chỉ http://giaoducthoidai.vn/.

Từ ngày 26/8 - 7/9, các trường sẽ thu hồ sơ xét tuyển đợt 2 của thí sinh, theo quy định thì những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ tìm hiểu thông tin xét tuyển nguyện vọng sau của các trường để đăng ký cho phù hợp với định hướng theo năng lực cũng như sở thích riêng.

Hiện còn nhiều trường đào tạo đa ngành vẫn còn chỉ tiêu cho nguyện vọng sau của thí sinh như Trường Đại học Vinh, các ngành học Quản lý tài nguyên môi trường, Điện tử viễn thông, Quản lý đất đai nhìn chung mới đạt trên 60% chỉ tiêu đề ra. Ở Đại học Huế, Trường Đại học Khoa học, các nhóm ngành Toán và Thống kê, Kỹ thuật, KHXH&NV (Hán nôm; Ngôn ngữ, Văn học) và một số ngành năng khiếu của Trường Đại học Nghệ thuật, Khoa Giáo dục thể chất, hay phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị đều chưa hết chỉ tiêu, chắc chắn sẽ phải tuyển sinh nguyện vọng 2.

Hãy lựa chọn hình thức nộp hồ sơ tối ưu nhất

Theo quy định, xét tuyển đợt 2 vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh có thể nộp hồ sơ qua 3 cách: Tại Sở GD&ĐT hoặc trường THPT do Sở quy định; qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường. 

Bộ đưa ra 3 cách thức nộp hồ sơ trên không ngoài mục đích để tránh những phức tạp nảy sinh khi nộp hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình, lựa chọn ngành học nào để vừa chắc trúng tuyển và thỏa mãn đam mê là những điều thí sinh cần biết.

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Giáo dục, dù thí sinh lựa chọn cách thức nộp hồ sơ thế nào tại trường THPT do Sở GD&ĐT quy định, chuyển phát nhanh, hay nộp trực tiếp tại trường đều như nhau, hồ sơ sẽ đến đúng địa chỉ và quyền lợi xét tuyển của thí sinh được đảm bảo. 

Thí sinh và các phụ huynh nên rút kinh nghiệm đợt nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 vừa qua, việc từ các tỉnh, thành xa về nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường là không cần thiết, chỉ thêm tốn kém cho gia đình. Đợt xét tuyển lần 2 này, thí sinh và phụ huynh nếu thấy cách thức nào thuận lợi nhất cho mình thì nên làm, chắc chắn hồ sơ của thí sinh sẽ đến đúng địa chỉ.

Cân nhắc kỹ việc lựa chọn ngành, trường nộp hồ sơ

Một trong những điểm khác của đợt xét tuyển này là thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường nào thì không được quyền thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ. Do đó, thí sinh trước khi nộp hồ sơ sẽ cần cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng. 

TS Hoàng Ngọc Trí - thành viên Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết: Trên cơ sở năng lực, sở thích ngành nghề của mình, thí sinh cần tham khảo trực tiếp trên website của các trường ĐH, CĐ về chỉ tiêu còn lại, mức điểm cần thiết từ đó đưa ra quyết định chính xác cho mình. 

Các bạn cần phải suy tính thật kỹ, đợt 2 xét tuyển này nếu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.

TS Trí cũng đưa ra lời khuyên với thí sinh là ở nguyện vọng 2 này các trường đại học địa phương, đại học ngoài công lập ở cả 3 miền đất nước còn rất nhiều chỉ tiêu, đa dạng ở các ngành, nghề. Nếu thực sự có đam mê với ngành nghề nào đó thì việc lựa chọn các đại học này cũng tốt, vì mình được tiếp tục theo đuổi ngành nghề ưa thích, tránh việc vào đại một ngành, trường nào mà mình không thích rồi sinh ra chán nản. 

Thực tế cho thấy kết quả học tập tốt hay không phụ thuộc nhiều ở ý chí, quyết tâm và năng lực của người học chứ trường tốp đầu nếu học hành lười nhác thì kết quả cũng không tốt.

Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - ông Phạm Thành Công - cũng chia sẻ: Thí sinh cần phân biệt trường đã tuyển khá đủ chỉ tiêu ở đợt 1, nay chỉ còn thiếu chỉ tiêu ở một số ngành và trường hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu ở tất cả các ngành. Với trường hợp đầu tiên, thí sinh nên chú ý ngưỡng điểm an toàn, cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 khoảng 2 điểm. Với trường hợp thứ 2, việc cân nhắc điểm sẽ thoải mái hơn vì điểm vào trường có thể không tăng nhiều so với nguyện vọng trước.

Cũng theo ông Công, thí sinh không nên tìm mọi cách để đỗ vào một trường ĐH nào đó mà hãy lựa chọn ngành mình yêu thích, kể cả ngành đó ở một trường tốp dưới, thậm chí ở bậc CĐ. “Nếu chọn ngành không đúng năng lực, sở trường, không phải ngành học mình yêu thích, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và cả năng suất lao động khi hành nghề” - ông Phạm Thành Công nhắn nhủ.

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra ngưỡng điểm an toàn cho thí sinh khi nộp hồ sơ đợt 2. Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh - khuyên thí sinh nên lượng sức mình để đăng ký vào trường và lưu ý: Điểm nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước. Theo ông Hùng, thí sinh có điểm cao hơn điểm nguyện vọng 1 khoảng 2 điểm là khá an toàn.

Bộ phận trực tuyển sinh năm 2015 của Bộ GD&ĐT sẽ giải đáp những thông tin liên quan đến xét tuyển bổ sung qua địa chỉ email: thi-ts@moet.edu.vn hoặc qua số điện thoại: 04.36231138 - 0436230816 - 04.36231137 trong giờ hành chính của các ngày làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ