Đây là điều đáng mừng khi năm nay, công tác dạy học, ôn tập và tổ chức thi tốt nghiệp THPT đều rất khó khăn vì dịch bệnh.
Điểm thi sát thực tế dạy học
Theo phân tích của thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 từ phổ điểm cho thấy khá ổn định so với năm 2020. Ví dụ cụ thể từ một số môn thi, thầy Hân cho biết: Với môn Toán, điểm thi ổn định so với năm trước; tuy điểm trung bình giảm nhẹ nhưng tỷ lệ điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1, điểm dưới trung bình cũng giảm; điểm trung vị, điểm có nhiều thí sinh đạt nhất không thay đổi.
Môn Ngữ văn, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất không thay đổi nhưng điểm trung bình và điểm trung vị đều thấp hơn năm 2020; tỷ lệ điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 và điểm dưới trung bình đều tăng; số thí sinh đạt điểm từ 9,0 trở lên tăng so với năm trước, phù hợp với việc tổng số thí sinh dự thi tăng.
Môn Tiếng Anh, điểm trung bình, điểm trung vị và điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất đều tăng (riêng điểm trung bình tăng mạnh); tỷ lệ điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 và điểm dưới trung bình giảm (tỷ lệ điểm dưới trung bình giảm rất mạnh); số thí sinh đạt điểm từ 9,0 trở lên tăng nhiều so với năm trước.
Trường THPT Võ Thị Sáu, TP Châu Đốc, An Giang cũng đã lấy ý kiến giáo viên bộ môn về phổ điểm thi năm nay. Cô Hiệu trưởng Trương Thị Nguyện thông tin: Phổ điểm phù hợp với nội dung đề thi, bám sát kiến thức và năng lực của học sinh, có tính phân hóa; đồng thời phù hợp với quá trình dạy học của các trường phổ thông trong tỉnh, phản ánh đúng năng lực của học sinh.
Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ chia sẻ phổ điểm thi của địa phương có mức điểm trung bình là 6,66 - tăng 0,22 điểm so với năm 2020 (xếp thứ 10/63 tỉnh, thành và tăng 3 bậc so với năm 2020). Kết quả dự kiến tốt nghiệp là 99,87% (chỉ tính thí sinh THPT, không tính thí sinh tự do). Riêng với phổ điểm chung toàn quốc, ông Lập cũng nhận định, nhìn chung phổ điểm phù hợp với kết quả thực tế, phản ánh kết quả dạy, học của các trường.
“Năm nay, Bộ GD&ĐT ban hành đề thi tham khảo; đề thi sát, phù hợp kiến thức cơ bản ở những câu nhận biết, thông hiểu. Trong quá trình dạy học, thầy cô đã có kinh nghiệm để ôn tập kiến thức cho học sinh. Qua các lần khảo sát, học sinh cũng ôn tập, khắc phục những tồn tại, kiến thức còn kém để đạt kết quả; tâm lý, kỹ năng làm bài thi của các em cũng được tăng lên. Năm nay, Phú Thọ và toàn quốc có tỷ lệ điểm 10 tăng, đặc biệt ở môn Giáo dục công dân và Ngoại ngữ, điều này phần nào phù hợp với thực tế” - ông Lập nhận định.
Thuận lợi cho trường đại học xét tuyển
Qua phổ điểm thi, ông Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở, Hà Nội có đánh giá tích cực tới công tác dạy học với lứa học sinh 2 năm liền bị ảnh hưởng bởi Covid-19. “Phải khen ngợi các thầy cô và học sinh đã thực sự nỗ lực; nếu họ không nỗ lực thì dù đề thi có thế nào chăng nữa cũng không thể có phổ điểm này”.
Ông Tùng nhận định và cho rằng: Phổ điểm với các phân khúc điểm dải khá đều sẽ tạo thuận lợi cho các trường tuyển sinh, kể cả trường tuyển điểm rất cao, điểm cao, điểm khá hay trung bình… Nếu ranh giới giữa điểm trung bình, kiểm khá, điểm giỏi quá sát nhau sẽ khó lựa chọn thí sinh. Năm nay ranh giới này đủ rộng để trường tốp cao đến trường tốp thấp đều có thể có nguồn tuyển.
Ông Vương Kim Thành, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Quảng Bình nhận định: Theo kết quả điểm thi, các trường có thể yên tâm chọn thí sinh; nguồn tuyển bảo đảm cả với các tường tốp trên và trường địa phương. Thí sinh cũng có nhiều cơ hội vào đại học. “Trong điều kiện dịch bệnh, đạt được kết quả như vậy là quá tốt” – ông Vương Kim Thành nhận định.
Tương tự, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng nhận định, điểm thi khá ổn định như năm 2020 và rất thuận lợi cho trường đại học tuyển sinh. Ông Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhà trường quan tâm nhiều đến số thí sinh đạt từ 26 điểm trở lên và phổ điểm cho thấy Trường ĐH Bách Khoa có thể tuyển lựa được thí sinh tốt từ kết quả thi năm nay.
Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ chỉ tiêu lớn nhất ở các trường đại học. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, phổ điểm năm nay - cũng như các năm trước - giúp các trường trong xét tuyển. Điều này thể hiện trên 3 góc độ: Kết quả thi THPT tạo nguồn xét tuyển đại học, cao đẳng; phổ điểm đáp ứng được ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường; trường đại học bảo đảm được chất lượng xét tuyển…