Thi tốt nghiệp THPT: Kích hoạt phương án “bảo tồn” cán bộ làm thi ngay khi cần thiết

GD&TĐ - Các tỉnh Tây Bắc đang quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" khi đồng thời tổ chức kỳ thi THPT và chống dịch. Phương án “bảo tồn” cán bộ làm thi khi cần thiết cũng sẵn sàng được kích hoạt...

Các địa phương lên phương án bảo vệ an toàn cho cán bộ làm thi.
Các địa phương lên phương án bảo vệ an toàn cho cán bộ làm thi.

“Mỗi trường học là một pháo đài”

Ngày mai (17/5), Ban chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT tỉnh Lai Châu sẽ họp để triển khai kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Lai Châu đã và đang chuẩn bị toàn bộ các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), hệ thống máy móc thiết bị phục vụ kỳ thi, đặc biệt là thiết bị giám sát khu vực để đề thi, bài thi. Toàn bộ các điểm thi đã được lắp đặt hệ thống camera, dự kiến sang tháng 6 sẽ tổ chức lắp đặt ổ cứng cho camera ở các điểm thi.

Năm nay, Lai Châu có khoảng gần 3.600 thí sinh đăng ký dự thi. Các em sẽ tham gia thi ở 19 điểm thi chính thức. Toàn tỉnh huy động khoảng 1.600 lượt cán bộ làm thi ở tất cả các khâu.

NGƯT. Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu
NGƯT. Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu

“Quan điểm của chúng tôi là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng chống dịch covid-19. Thời điểm này dịch bệnh ở các địa phương lân cận diễn biến hết sức phức tạp. Chúng tôi cũng tính đến phương án giữ gìn, bảo vệ đội ngũ làm thi. Cần thiết sẽ yêu cầu những cán bộ này tự cách ly ở nhà để đảm bảo có sức khỏe tốt phục vụ cho kỳ thi”, NGƯT. Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu chia sẻ.

Cách đây vài hôm, bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cũng gửi thư động viên cán bộ, giáo viên toàn ngành GD&ĐT cùng đông đảo học sinh toàn tỉnh. Trong thư bà Nguyệt kêu gọi toàn ngành tiếp tục “phát huy tinh thần “Mỗi trường học là một pháo đài”, “Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên là một “chiến sỹ”, một “tuyên truyền viên” trong phòng chống dịch Covid-19”.

Lào Cai kêu gọi "Mỗi nhà trường là một pháo đài" chống dịch Covid-19
Lào Cai kêu gọi "Mỗi nhà trường là một pháo đài" chống dịch Covid-19

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, địa phương này đã chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Trong tình huống dịch bệnh xảy ra nhưng không phải giãn cách xã hội, tỉnh Sơn La tổ chức thi nhưng có một số học sinh không dự thi được do dịch bệnh thì số học sinh bị bệnh sẽ được làm thủ tục đặc cách theo quy định. Trong trường hợp có nhiều thí sinh thuộc diện F1, F2, F3 dự thi thì Sở sẽ xin ý kiến Ban chỉ đạo cấp tỉnh bố trí cho các em được thi tại phòng riêng.

Quá trình thi sẽ có sự phối hợp hỗ trợ của lực lượng công an và ngành y tế đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Trong đó, thí sinh sẽ được bố trí lối đi riêng để vào điểm thi, đảm bảo thực hiện thông điệp “5K” của Bộ y tế. Thí sinh sẽ nhận và nộp bài thi tại bàn riêng, không trực tiếp tiếp xúc với cán bộ coi thi. Bài thi khi nộp được khử khuẩn bằng tia cực tím trước khi niêm phong theo quy định…

Thi tốt nghiệp THPT: Kích hoạt phương án “bảo tồn” cán bộ làm thi ngay khi cần thiết ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung.

Không để thí sinh vì thiếu, đói mà bỏ thi

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Nhiều học sinh ở Điện Biên còn thuộc diện con hộ nghèo. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên luôn trăn trở và kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ các “sĩ tử” ở mỗi mùa thi.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, mưa ống, lũ quét thường xuyên xảy ra gây khó khăn đến việc tham gia thi của thí sinh. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí theo nhiệm vụ phân công nỗ lực để làm sao đảm bảo quyền lợi của thí sinh, làm sao không cháu nào vì thiếu ăn, vì ngộ độc thực phẩm… mà không thể đến được trường thi”, ông Nguyễn Văn Kiên nói.

Ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên nêu giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19
Ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên nêu giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Năm nay, Điện Biên có 6.300 thí sinh tham gia dự thi. Trong đó, 5.303 thí sinh hệ THPT; 435 thí sinh hệ Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) và 562 thí sinh tự do. Toàn tỉnh là 1 hội đồng thi với 20 điểm thi, trong đó: 14 điểm thi liên trường và 6 điểm thi độc lập. Điện Biên dự kiến lựa chọn 990 cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia làm thi tại các Điểm thi.

Từ ngày 7/5 đến nay, Điện Biên liên tiếp ghi nhận các bệnh nhân dương tính với Covid-19. Đã có 10 bệnh nhân được phát hiện mới. Con số này có thể sẽ không dừng lại ở đó. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Điện Biên đã chủ động các phương án từ ôn luyện cho đến tổ chức thi phù hợp nên không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh.

Tập huấn làm thi ở Điện Biên
Tập huấn làm thi ở Điện Biên

“Chúng tôi chỉ đạo các trường cho học sinh học, ôn ngay từ đầu năm học với phương châm: “Học đến đâu, ôn đến đó”, quan điểm học chắc, ôn chắc. Đến thời điểm này cơ bản các thí sinh đã sẵn sàng bước vào kỳ thi. Việc tổ chức thi cũng được chúng tôi bàn bạc, thống nhất với các phương án đảm bảo an toàn cho cả thí sinh và cán bộ làm thi”, ông Nguyễn Văn Kiên chia sẻ.

Đến nay, tỉnh Sơn La cũng tổ chức được 3 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm thi. Trong đó, có 2 hội nghị được tổ chức hôm 8/5 và 12/5. Tại đây, Sở GD&ĐT đã bàn về kế hoạch giáo dục sẵn sàng với các tình huống của diễn biến dịch bệnh Covid-19 với Ban giám hiệu, Chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên của các đơn vị trực thuộc theo hình thức trực tuyến. Tất cả tập trung cao cho kế hoạch tiếp tục ôn thi cho học sinh lớp 12 và xử lý tình huống khi dịch bệnh bất ngờ ập đến.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La

“Chúng tôi xây dựng phương án phối hợp với các Sở có liên quan để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian cán bộ, giáo viên, học sinh di chuyển đến điểm thi tổ chức coi thi.

Riêng đối với học sinh ở xa điểm thi, Sở đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân tại địa phương hỗ trợ các em về điều kiện ăn, nghỉ trước khi kỳ thi diễn ra ít nhất 1 tuần để học sinh ở tại trường hoặc gần trường, không về nhà cho đến khi kết thúc kỳ thi. Phương án này đã thực hiện thành công ở kỳ thi năm 2020”, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Sơn La quyết tâm không để thì sinh nào vì khó khăn mà ảnh hưởng đến quyền lợi tại kỳ thi
Sơn La quyết tâm không để thì sinh nào vì khó khăn mà ảnh hưởng đến quyền lợi tại kỳ thi
“Tôi mong muốn tất cả học sinh có nguyện vọng được tham gia dự thi. Không thí sinh nào không tham gia được kỳ thi do hoàn cảnh khó khăn hoặc do thiên tại, dịch bệnh và các tình huống không mong muốn. Tôi cũng hi vọng rằng kết quả thi của học sinh sẽ được cải thiện so với năm học trước một cách thực chất. Qua đó, góp phần nâng dần chất lượng giáo dục của tỉnh, phấn đấu cải thiện thứ hạng trên bản đồ chất lượng giáo dục cả nước”, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.