Tăng tính minh bạch
Mặc dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhưng các cán bộ, giảng viên trường ĐH sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra ở các khâu của kỳ thi, từ chuẩn bị đến in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo... Về nhiệm vụ mới này, đa số chuyên gia giáo dục ở trường ĐH đều cho rằng, sự tham gia của giảng viên ĐH vào kỳ thi nói chung và với vai trò thanh tra nói riêng là cần thiết và tất yếu.
Là người nhiều năm gắn bó với công tác coi thi THPT, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU) cho rằng: Để kỳ thi thật sự khách quan, công bằng cần có sự tham gia của nhiều lực lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trường ĐH.
Bởi kết quả của kỳ thi này không chỉ là việc học sinh có đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT hay không mà còn là căn cứ để các trường ĐH tuyển sinh đầu vào. Các trường không thể tuyển khi không biết thí sinh đó đã đi qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào, có nghiêm túc hay không?
Đồng quan điểm với TS Quỳnh, PGS.TS Phan Thế Công, Trưởng bộ môn Kinh tế học (Trường ĐH Thương Mại Hà Nội) nhấn mạnh: “Đối với các trường ĐH, vấn đề cốt yếu là tuyển sinh đúng đối tượng, bảo đảm chất lượng đầu vào. Vì vậy, có sự tham gia của cán bộ, giảng viên trường ĐH sẽ tăng thêm tính minh bạch cho kỳ thi”.
Là cơ sở GDĐH có mối quan hệ kết nối và phục vụ gần 20 tỉnh thành phía Nam trong các chương trình, dự án phát triển giáo dục, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: Nhà trường ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong các hoạt động của ngành và nhất là Kỳ thi THPT quốc gia hay thi tốt nghiệp THPT 2020.
“Với vai trò quản lý hoạt động này nhiều năm, tôi đánh giá cao tinh thần và sự làm việc chuyên nghiệp của cán bộ, giảng viên trường ĐH cũng như tinh thần hợp tác, kết nối của các địa phương. Năm nay, khi có định hướng giảng viên trường ĐH sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra ở tất cả các khâu của kỳ thi, nhà trường đã định hướng, phân tích nhằm bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ và chức năng được giao để chuẩn bị cho đội ngũ và sẵn sàng với nhiệm vụ phân công” - GS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Tạo niềm tin
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, sự có mặt của giảng viên trường ĐH trong công tác thanh tra tuy là tất yếu, nhưng là ở mức độ nào, và như thế nào để kỳ thi thực sự minh bạch.
“Bên cạnh việc lựa chọn cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm trong công tác thanh tra, đội ngũ tham gia kỳ thi còn phải bảo đảm sự tín nhiệm cao trong công tác. Ngoài ra, quá trình thanh tra cũng tránh tình trạng “cận huyết”, nghĩa là phân công chéo, không để cán bộ, GV của trường ĐH đóng ở địa phương nào thì thanh tra công tác thi tốt nghiệp ở địa phương đó. Vì rõ ràng, dù không có anh em họ hàng với cán bộ coi thi, chấm thi và thí sinh cũng rất dễ có các mối quan hệ xã hội thân thiết do sinh sống trong một địa phương với nhau” – Phó Hiệu trưởng LHU phân tích thêm.
Ở khía cạnh khác, GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng nhà trường sẽ huy động cán bộ, GV tham gia các đoàn thanh tra đúng thành phần, quán triệt các quy định pháp luật về thanh tra để bảo đảm thực hiện hiệu quả, khách quan, công bằng. Tùy theo yêu cầu được giao theo nhóm thanh tra: Đoàn thanh tra/kiểm tra của Bộ; của địa phương để có thể chuẩn bị tinh thần, thái độ và các yêu cầu khác thông qua tập huấn, trang bị đầy đủ để tham gia công tác thanh tra theo yêu cầu được giao.
Theo ThS La Vũ Thùy Linh - Phó Trưởng phòng ĐH, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM), ngoài các đoàn thanh tra của Sở GD&ĐT, của UBND tỉnh/thành phố cần có đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT với sự tham gia của trường ĐH đóng vai trò thanh tra độc lập để bảo đảm tính khách quan. Thanh tra của trường ĐH là lực lượng giám sát khác của xã hội, của người sử dụng kết quả thi THPT, đem đến công bằng cho thí sinh ở các địa phương khác nhau khi tham gia xét tuyển theo kết quả thi THPT vào ĐH.
“Qua công tác coi thi, chấm thi các năm, theo tôi trường ĐH nên tham gia thanh tra tập trung công tác coi thi tại các điểm thi và công tác chấm thi. Đối với công tác coi thi, việc thanh tra nhằm bảo đảm tất cả điểm thi được tổ chức nghiêm túc, không có hiện tượng vi phạm quy chế, sai sót trong khâu coi thi hoặc tâm lý xuề xòa, bỏ qua để xảy ra sự cố gian lận, trao đổi bài thi...” - ThS Thùy Linh chia sẻ.
“Công tác chấm thi, đặc biệt chấm thi trắc nghiệm, đã có quy trình chấm thi và sử dụng phần mềm chung của Bộ GD&ĐT nhưng cũng cần thanh tra giám sát kỹ ở các khâu xử lý, quét bài thi để tránh việc tác động ngoài ý muốn vào bài làm của thí sinh” – ThS Thùy Linh nhấn mạnh.