Chấm thi Ngữ văn: Không đếm ý cho điểm

GD&TĐ - Đáp án chấm bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 1 được các hội đồng chấm thi thảo luận kỹ càng; bảo đảm sát với hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh trao đổi bài làm môn Ngữ văn sau giờ thi. Ảnh minh họa
Thí sinh trao đổi bài làm môn Ngữ văn sau giờ thi. Ảnh minh họa

Đồng thời có độ mở để phù hợp với thực tế bài làm của thí sinh, không máy móc, cứng nhắc.

Thảo luận kỹ đáp án, không chấm máy móc

Tham gia chấm bài thi Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Ái Hằng, Trường THPT Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) cho biết: Trước khi bước vào đợt chấm chính thức, Sở GD&ĐT tổ chức 1 buổi để toàn hội đồng chấm thi thảo luận, thống nhất đáp án. Đáp án chấm sau thảo luận được hội đồng thống nhất trên cơ sở bám sát đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT; đồng thời có độ mở để phù hợp với thực tế bài làm của thí sinh. Phương châm là “chấm đúng” chứ không phải “chấm trúng”.

Sau khi thảo luận, thống nhất đáp án, công đoạn tiếp theo là rút xác suất 10 bài thi để chấm chung toàn hội đồng. Hướng dẫn chấm, đáp án sau thảo luận sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung thêm và thực hiện trong suốt đợt chấm. Cách làm này giúp giám khảo chấm đồng bộ, đều tay, tránh độ lệch lớn giữa các giám khảo và chấm đúng với thực tế bài làm của thí sinh. Đặc biệt, vẫn có độ mở cho những bài văn có tính sáng tạo, hoặc có suy nghĩ độc lập.

Nhận định đáp án và biểu điểm bài thi Ngữ văn của Bộ GD&ĐT rõ ràng, không quá chi tiết, thuận lợi cho giáo viên chấm điểm và phân loại học sinh, cô Đỗ Thị Quỳnh Như, giáo viên Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ chia sẻ kinh nghiệm chấm “không đếm ý cho điểm”. Cô Quỳnh Như cho rằng: Người chấm bám sát đáp án; đồng thời đọc kỹ bài làm của học sinh để ghi nhận những ý thể hiện khả năng sáng tạo, biết vận dụng kiến thức xã hội (câu nghị luận xã hội) và vận dụng kiến thức lý luận văn học (câu nghị luận văn học); đặc biệt ghi nhận bài làm có ngôn từ trong sáng, cảm nhận sâu sắc, mới mẻ, giàu cảm xúc. Đánh giá cao bài làm mà học sinh có những lập luận, lý giải vấn đề thể hiện có lập trường, quan điểm rõ ràng...

Kinh nghiệm nhiều năm chấm thi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Lan Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Ngoại ngữ, Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội nói: Văn chương vốn đa nghĩa. Đáp án cũng chỉ đưa ra được một phương án hiểu, nên rất cần giáo viên có tâm, tầm để hiểu và vận dụng vào quá trình chấm. “Khi chấm cần căn cứ vào bài của học trò, phương án trả lời nào hợp lý cũng được công nhận. Không nên máy móc dựa vào từng câu, từng chữ trong đáp án rồi áp đặt vào bài của học trò. Đặc biệt, cần công nhận sự sáng tạo, kể cả phương án trả lời phản biện mà thuyết phục của trò” - cô Hương trao đổi.

Cán bộ chấm thi Nguyễn Hải Sơn, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Tân Lạc, Hòa Bình cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng, bên cạnh bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, giáo viên cần đọc kỹ bài làm để hiểu được những diễn đạt tương tự nhằm ghi nhận suy nghĩ độc lập, tính sáng tạo của học sinh. Cùng với đó, nghiêm túc thực hiện 2 vòng chấm độc lập để không thiếu ý cho học sinh và tránh chủ quan cá nhân. Đồng thời, thảo luận với người cùng cặp chấm và với tổ trưởng tổ chấm khi có vấn đề chưa thống nhất giữa 2 vòng chấm độc lập.

Chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận

Tại Quảng Nam, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT đang được triển khai nghiêm túc, theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Thanh Quốc, toàn tỉnh huy động khoảng 200 giám khảo chấm thi tự luận, chia thành 20 tổ chấm. Cán bộ chấm thi được lựa chọn kỹ lưỡng. Quy trình chấm bảo đảm 2 vòng độc lập. Sở GD&ĐT bố trí các cán bộ chấm thi vòng 1 ở tầng 1, vòng 2 ở tầng 3; tầng 2 là nơi phục vụ các tổ chấm, lưu giữ bài chấm và nơi công an, thanh tra làm việc. Cách bố trí này giúp quản lý chặt chẽ giữa người chấm vòng 1 và vòng 2.

“Sáng 11/7, các tổ chấm thảo luận và thống nhất đáp án; chiều 11/7 tiến hành chấm chung 10 bài. Thông tin từ các hội đồng, đáp án và thang điểm bài thi Ngữ văn của Bộ GD&ĐT rõ ràng và tất cả giáo viên đều thống nhất theo đáp án này”, ông Hà Thanh Quốc thông tin, đồng thời cho rằng: Đặc thù môn Ngữ văn không thể có hướng dẫn chấm quá cụ thể, chi tiết; hướng dẫn chấm không thể bao quát hết thực tiễn từ bài làm của thí sinh; nên năng lực của cán bộ chấm thi vô cùng quan trọng.

Do đó, các thầy cô trong tổ chấm cũng được quán triệt không máy móc, cứng nhắc khi chấm bài. Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu khó đọc kỹ từng bài làm; tôn trọng hướng dẫn chấm, nhưng cũng có độ mở cần thiết để đánh giá tính sáng tạo, cái riêng của từng bài làm, tránh để học sinh phải thiệt thòi. Đặc biệt đọc kỹ, chấm kỹ các bài điểm liệt và bài được cho điểm cao.

Sau khi chấm chung 10 bài, các cán bộ chấm thi của Quảng Nam sẽ biên chế về các tổ, mỗi tổ 10 giáo viên. Sáng 12/7 thực hiện bốc thăm để giao bài chấm chính thức. Ông Hà Thanh Quốc dự kiến, Quảng Nam sẽ hoàn thành chấm thi tự luận vào khoảng 17/7 và hoàn thành chấm trắc nghiệm vào khoảng 20/7.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chấm thi tự luận theo hướng dẫn chấm thi, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10. Điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Chỉ ghi điểm từng câu và tổng điểm toàn bài vào vị trí quy định trên tờ giấy thi sau khi đã thống nhất điểm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: