Giáo viên chấm thi sử dụng bút do Hội đồng chuẩn bị
Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tỉnh Kon Tum có 4.647 thí sinh dự thi. Trong 2 ngày diễn ra kỳ thi không có cán bộ, giáo viên và thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng luôn bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Cũng theo bà Trung, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để bảo đảm an toàn trong khâu chấm thi, các cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên… liên quan đến yếu tố dịch tễ không được tham gia chấm thi. Đồng thời, nhân sự tham gia chấm thi được tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 mũi 1. Nếu cán bộ, giáo viên trong quá trình chấm thi có biểu hiện bất thường sẽ được kiểm tra, theo dõi.
Vị Giám đốc Sở cho hay: Kon Tum hiện chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Do đó, các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi không test nhanh Covid-19 mà kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Đối với các đoàn kiểm tra của Bộ nếu vào tỉnh làm việc được kiểm tra y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Kon Tum thông tin: Sau khi kết thúc kỳ thi, Hội đồng thi tốt nghiệp của tỉnh đã thành lập các ban gồm: Thư ký, làm phách, chấm thi trắc nghiệm và chấm thi tự luận.
Cụ thể, ban chấm thi tự luận gồm 79 cán bộ, giáo viên và nhân viên bắt đầu làm việc từ ngày 12/7. Ban chấm thi trắc nghiệm có 14 cán bộ, giáo viên tham gia từ ngày 10/7. Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn công tác chấm thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên tham gia. Việc xử lý bài thi trắc nghiệm bảo đảm đúng quy trình, đầy đủ các khâu theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối với công tác chấm thi tự luận, Hội đồng thi tốt nghiệp của tỉnh triển khai theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. Theo đó, tỉnh Kon Tum có 4.581 bài Ngữ văn, bố trí khu vực, phòng chấm thi bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngoài cán bộ, lực lượng giám sát công tác chấm thi, các phòng đều được lắp camera hoạt động 24/24 giờ.
Bên cạnh đó, Hội đồng thi thành lập ban làm phách, đảm nhận việc làm phách và bảo mật số phách bài thi tự luận, niêm phong và bảo quản đầu phách cho đến khi chấm xong bài. Thành viên của ban chấm thi không được mang các thiết bị thu phát thông tin vào trong khu vực làm việc, chỉ được mang bút do Hội đồng chấm thi chuẩn bị.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, trước khi cho cán bộ bốc thăm túi bài thi sẽ chấm, mỗi tổ tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài. Bài thi tự luận được chấm 2 vòng độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi của 2 tổ. Sau khi thống nhất điểm ở bài làm của thí sinh, sẽ nhập điểm bài tự luận theo hai vòng độc lập, được thực hiện bởi 2 nhóm khác nhau dưới sự giám sát của thanh tra.
Khử khuẩn bài thi của thí sinh F1, F2
Công tác chấm thi tại Nghệ An đã được chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Máy chấm thi trắc nghiệm được cài đặt theo đúng quy trình và báo cáo với Bộ GD&ĐT trước khi chấm.
Tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo chấm thi, thanh tra chấm thi. Đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT đã có mặt tại Nghệ An để hướng dẫn, triển khai chấm từ chiều ngày 8/7. Khu vực chấm thi được trang bị camera, có công an trực bảo vệ và cán bộ thanh tra giám sát 24/24 giờ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, Nghệ An có 63 thí sinh F2 và 7 thí sinh F1. Ngoài ra còn một số thí sinh ở trong vùng phòng tỏa đã được test nhanh SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính. Những em này làm bài tại phòng thi dự phòng. Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng coi thi Nghệ An cho biết: Sau mỗi buổi thi, bài thi của thí sinh F1, F2 được khử khuẩn, cho vào túi niêm phong. Sau khi kiểm tra an toàn phòng dịch, những bài thi này được rọc phách và trả về danh sách phòng thi ban đầu của thí sinh và chấm bình thường theo quy chế. Hơn 400 giám khảo và cán bộ thực hiện nhiệm vụ chấm thi đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trước ngày 11/7.
Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An năm nay có gần 300 nghìn bài thi. Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận có hơn 33 nghìn bài thi. Sở GD&ĐT Nghệ An lựa chọn 280 giáo viên chấm thi môn Ngữ văn. Đây là thầy cô có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm, chuyên môn vững và tinh thần trách nhiệm cao. Mục đích bảo đảm chấm thi khách quan, công bằng cho thí sinh.
Theo ông Đào Công Lợi, với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT đã có đáp án, thang điểm rõ ràng. Giám thị căn cứ theo đáp án để chấm thi theo quy chế. Tuy nhiên, đây là bài thi tự luận, vì vậy, Ban Chỉ đạo chấm thi cũng yêu cầu giám khảo phải phát huy năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm. Trước hết, giám khảo phải đọc kỹ bài làm của thí sinh để “tìm ý”, “nhặt điểm”. Kết quả thể hiện đúng kiến thức trong bài thi của thí sinh, không để lọt điểm của thí sinh. Đồng thời, phát hiện học sinh giỏi văn, cho điểm chính xác với bài làm đầy đủ ý, logic, mạch lạc, thể hiện cảm xúc và sự sáng tạo, năng lực cảm thụ văn chương của thí sinh.