Thi tốt nghiệp THPT 2021: Chủ động kịch bản ứng phó với dịch bệnh

GD&TĐ - Một số địa phương dự kiến các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra để lên phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp; tinh thần chung là cố gắng cao nhất để bảo đảm cả 2 yêu cầu: An toàn, chất lượng.

Bảo đảm an toàn cho thí sinh trong kỳ thi được các địa phương đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa
Bảo đảm an toàn cho thí sinh trong kỳ thi được các địa phương đặt lên hàng đầu. Ảnh minh họa

Kịch bản theo từng tình huống

Ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ứng với từng cấp độ dịch diễn ra tại tỉnh. “Để triển khai các phương án được an toàn là yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, thí sinh (TS) dự thi phải khai báo y tế trước ngày thi chính thức 7 ngày”. Nhấn mạnh điều này, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai chia sẻ 4 phương án tương ứng với 4 cấp độ dịch bệnh.

Theo đó, cấp độ 1 - một số tỉnh lân cận có ca nhiễm Covid-19, Gia Lai không có ca nhiễm - sẽ tổ chức kỳ thi bình thường theo lịch thi chung của Bộ GD&ĐT. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K trước, trong và sau thi. Yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, TS đeo khẩu trang trong suốt thời gian ra khỏi nhà và tại khu vực thi. Đo thân nhiệt cho TS khi đến dự thi. Nếu phát hiện TS có biểu hiện nghi mắc Covid-19 thì tổ chức thi riêng, đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để được hướng dẫn, chỉ đạo.

Với cấp độ 2 - Gia Lai có nguy cơ trở thành ổ dịch. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, TS tiếp xúc gần với người bị nhiễm Covid-19 (F1) - theo ông Lê Duy Định, sẽ thực hiện cách ly TS  diện F1, F2 theo quy định; đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép các TS này thi đợt 2. TS là F3 tự theo dõi sức khỏe tại nhà và cũng đề xuất cho phép thi đợt 2. Cách ly với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi là F1, F2; theo dõi sức khỏe tại nhà với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi là F3; điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên dự phòng thay thế…

Thí sinh nghe quy chế thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa
Thí sinh nghe quy chế thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa 

Với cấp độ 3 - một số địa phương của Gia Lai trở thành ổ dịch, có trường hợp nhiễm Covid-19 trong trường học - Sở GD&ĐT đề xuất 2 phương án xử lý tình huống để Ban Chỉ đạo thi quốc gia, Bộ GD&ĐT quyết định. Phương án thứ nhất: Tạm dừng tổ chức thi tại các điểm thi trên địa bàn có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội, chờ Bộ GD&ĐT tổ chức thi đợt 2 khi điều kiện cho phép. Với các điểm thi ở địa bàn không thực hiện giãn cách xã hội, vẫn tổ chức thi bình thường theo kế hoạch. Phương án thứ hai: Tạm dừng tổ chức kỳ thi trên toàn tỉnh, chờ Bộ GD&ĐT tổ chức thi khi điều kiện cho phép.

Cấp độ 4 - Gia Lai là ổ dịch, thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh - Sở GD&ĐT sẽ đề xuất phương án tạm dừng tổ chức kỳ thi, chờ Bộ GD&ĐT tổ chức thi khi điều kiện cho phép.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Đồng Tháp, trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của tỉnh đã dự kiến 5 tình huống có thể diễn ra. Tình huống 1: Trước ngày làm thủ tục dự thi, Đồng Tháp không có ca mắc bệnh Covid-19 cộng đồng.

Tình huống 2: Có ca mắc bệnh Covid-19 trong cộng đồng và kiểm soát được, không có giãn cách xã hội.

Tình huống 3: Có ca mắc bệnh Covid-19 trong cộng đồng và kiểm soát được; không có giãn cách xã hội toàn huyện, thành phố nhưng có giãn cách xã hội tại xã, phường có đặt điểm thi.

Tình huống 4: Có ca mắc bệnh Covid-19 trong cộng đồng và kiểm soát được; có giãn cách xã hội toàn huyện, thành phố (từ 3 đơn vị cấp huyện trở xuống).

Tình huống 5: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Số ca mắc bệnh Covid-19 cộng đồng nhiều; có giãn cách xã hội toàn huyện, thành phố (trên 3 đơn vị cấp huyện). Mỗi tình huống đưa ra đều có dự kiến phương án cụ thể.

Các điểm thi phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện từ tổ chức kỳ thi đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Chuẩn bị phòng thi dự phòng và phương tiện, cơ sở vật chất, khai báo y tế; quản lý chặt chẽ TS, nhất là TS tự do, TS có biểu hiện sốt, ho phát sinh trong các buổi thi...

Các phương án phòng dịch bảo đảm an toàn cho thí sinh đã được thực hiện từ Kỳ thi năm 2020.
Các phương án phòng dịch bảo đảm an toàn cho thí sinh đã được thực hiện từ Kỳ thi năm 2020.

Nỗ lực cho một kỳ thi an toàn

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Sở GD&ĐT đã có lưu ý cụ thể với TS, cán bộ, giáo viên, nhân viên, các lực lượng tham gia công tác thi tốt nghiệp THPT thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19. Sở GD&ĐT đồng thời quy định công việc cần thực hiện đối với các trường THCS, THPT, THCS&THPT, trung tâm GDNN - GDTX trước ngày diễn ra kỳ thi. Xử lý tình huống nếu có dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng đã được đặt ra.

Với công việc cần thực hiện của hiệu trưởng các trường đặt điểm thi, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích lưu ý: Trước 10 ngày làm việc của các Hội đồng, lãnh đạo các đơn vị có đặt Hội đồng coi thi tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất phòng thi. Bố trí ít nhất 2 phòng dự phòng. Tận dụng các phòng không sử dụng để học sinh, cán bộ coi thi nghỉ trưa (nếu có) và quy định số lượng người /phòng sao cho bảo đảm giãn cách.

Thi tốt nghiệp THPT 2021: Chủ động kịch bản ứng phó với dịch bệnh ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung.

Đồng thời, phối hợp với lãnh đạo Hội đồng coi thi niêm yết các thông tin như: Sơ đồ phòng thi, phòng dự phòng, phòng nghỉ trưa… tại 5 điểm khác nhau để giãn cách số lượng TS, cán bộ làm nhiệm vụ, người dân đến xem thông tin. Mỗi Hội đồng coi thi đều chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn; 7 máy đo thân nhiệt; dự phòng ít nhất 3 khẩu trang kháng khuẩn/1 TS và cán bộ coi thi. Bố trí nước uống, dụng cụ uống nước để mỗi người sử dụng không dùng chung ly (cốc)…

Tại Phú Thọ, tình huống có TS thuộc diện F0, F1, F2 cũng được đặt ra. Trong tình huống này, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, tổng hợp, lập danh sách báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh và tổ chức thi cho các trường hợp trên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

“Về cơ sở vật chất, mỗi hội đồng/điểm thi bố trí ít nhất 2 phòng dự phòng. Mỗi điểm thi bố trí 2 phòng y tế; trong đó 1 phòng dành riêng cho TS có biểu hiện cần theo dõi y tế. Các hội đồng/điểm thi chủ động phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực trước ngày diễn ra kỳ thi; chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt.

Tùy số lượng TS dự thi, số lượng phòng thi, các hội đồng/điểm thi bố trí cán bộ, nhân viên y tế phù hợp (tối thiểu có 2 nhân viên y tế). Mỗi hội đồng/điểm thi bố trí dự phòng ít nhất 3 cán bộ coi thi, giám sát; ngoài ra, Sở GD&ĐT bố trí thêm giáo viên THPT, THCS dự phòng làm cán bộ coi thi, giám sát cho tất cả hội đồng/điểm thi (số lượng khoảng 10%)” – ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.