Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: Tạo nguồn lực hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Các nhà trường, địa phương nỗ lực chuẩn bị điều kiện tốt nhất, không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn mà không thể dự thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Mường Phăng (Điện Biên) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Mường Phăng (Điện Biên) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa

Lo ăn ở cho học sinh khó khăn

Nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, Phú Thọ, Trường THPT Thạch Kiệt có trên 80% HS là người dân tộc thiểu số, cư trú trên địa bàn đồi núi, đường giao thông đi lại khó khăn. HS đến trường phải qua nhiều sông suối, đập tràn, nhiều vùng bị cô lập trong mùa mưa bão. Chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh tổ chức tốt hoạt động dạy học, nhà trường luôn có phương án bảo đảm an toàn và các điều kiện thuận lợi nhất để HS cuối cấp tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT, như liên hệ giúp đỡ học sinh chỗ trọ, nơi ăn ở...

Riêng năm 2021, để phòng tránh hiện tượng thời tiết cực đoan, trường đã thống nhất với phụ huynh: Học sinh đến trường qua sông, suối, đập tràn sẽ trọ xung quanh khu vực trường những ngày thi. Học sinh nào khó khăn, trường sẽ bố trí ở tại khu tập thể giáo viên và liên hệ người dân cho trọ học miễn phí.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: Tạo nguồn lực hỗ trợ học sinh ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

“Qua rà soát, trong tổng số 260 học sinh khối 12 dự thi năm nay, có 62 em thuộc diện cần phải trọ; có khoảng 12 HS cần hỗ trợ nơi ăn nghỉ miễn phí. Nhà trường bố trí cho số học sinh này trọ trong những ngày thi tại khu tập thể giáo viên và một số hộ dân gần trường; cung cấp cơm miễn phí tại trường nếu HS có nhu cầu. Quyết tâm không để học sinh vì khó khăn về kinh tế, không có học sinh nào do mưa lũ bị cô lập không thể đến trường dự thi” – thầy Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại nằm ở địa bàn ấp Nam Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Hằng năm số lượng học sinh khối 12 thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn có khoảng 50 - 60 học sinh. Theo cô Lương Thị Kim Thy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, để tạo điều kiện cho HS tiếp tục đến trường và không bỏ học giữa chừng, ngoài động viên tinh thần, nhà trường còn vận động các nguồn kinh phí để hỗ trợ HS trong quá trình học.

Đơn cử như tìm nguồn học bổng cho các em có học lực khá, giỏi; vận động đỡ đầu từ các mạnh thường quân, tổ công đoàn của trường. Bên cạnh đó, trong quá trình dự thi tốt nghiệp THPT, ngoài nguồn hỗ trợ từ UBND, Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học huyện và Hội Khuyến học các xã, thị trấn, nhà trường cũng tìm hiểu điều kiện đi lại, ăn, nghỉ của HS để bố trí chỗ ăn, nghỉ trưa, nghỉ qua đêm tại nhà của phụ huynh gần trường, nhà nghỉ của cựu học sinh.

Bảo đảm điều kiện an toàn nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.
Bảo đảm điều kiện an toàn nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Huy động mọi lực lượng hỗ trợ người học

Số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT là người dân tộc tại Đắk Lắk chiếm trên 30%. Các em thường gặp khó khăn về đi lại, nơi ăn ở… Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết, địa phương luôn tìm mọi cách để hỗ trợ tốt nhất cho HS khó khăn. Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh bố trí điểm thi ở khu vực trung tâm, để thí sinh thuận tiện nhất trong giao thông, đi lại. Các trường phổ thông dân tộc nội trú ở mỗi huyện luôn sẵn sàng chỗ ở cho thí sinh ở xa trong những ngày thi.

“Năm nào sở GD&ĐT cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện/ thị xã/ thành phố trong tổ chức kỳ thi. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc quan tâm, hỗ trợ cho thí sinh. Đơn cử, sở y tế tạo điều kiện, ưu tiên xe cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho HS. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên, HS đến trường đúng giờ thi quy định.

Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với sở GD&ĐT triển khai chương trình tiếp sức mùa thi, hỗ trợ kịp thời thí sinh dự thi, đặc biệt là các trường hợp khó khăn trong việc đi lại, ăn, nghỉ tại các địa điểm tổ chức thi. UBND các huyện/ thị xã/ thành phố chỉ đạo phòng, ban, đơn vị, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho kỳ thi; bố trí lực lượng ổn định trật tự, an toàn vệ sinh môi trường trước cổng trường và xung quanh khu vực điểm thi…” - ông Đỗ Tường Hiệp thông tin.

Nghệ An cũng là địa phương chăm lo rất tốt cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, năm nay tỉnh có khoảng 32.000 thí sinh dự thi, trong đó số có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ là trên dưới 1.000 em.

Theo Giám đốc Thái Văn Thành, năm trước, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi cấp huyện rà soát hoàn cảnh thí sinh khó khăn, trong đó có khó khăn đi lại để chủ động hỗ trợ, bố trí cho các em nơi ở hoàn toàn miễn phí trong những ngày thi. Toàn bộ thí sinh ở xa đều được hỗ trợ, không chỉ những em có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, có nơi còn tổ chức đội đến nấu ăn phục vụ thí sinh, giúp các em bảo đảm sức khỏe trong những ngày thi.

Những vấn đề khác hỗ trợ thí sinh cũng được Nghệ An làm bài bản. Như việc tỉnh đoàn phối hợp với huyện thị tổ chức các đội tình nguyện đưa đón, hướng dẫn thí sinh và người nhà. Xe cứu thương sẵn sàng thường trực ở các điểm thi; mỗi điểm thi đều bố trí các y, bác sĩ. Kỳ thi 2020, mỗi điểm thi tốt nghiệp THPT tại Nghệ An được cấp phát máy đo thân nhiệt. Sở GD&ĐT còn giao các nhà trường có các HS phải di chuyển đến điểm thi cử giáo viên đi theo chăm lo cho thí sinh…

Người nhà đồng hành cùng thí sinh cũng được quan tâm hỗ trợ. Như kỳ thi năm trước, có địa phương còn dựng cả rạp ngoài điểm thi để phụ huynh nghỉ ngơi, chờ con, đỡ mệt mỏi trong thời tiết nắng nóng. Có nơi còn bố trí tivi, nước uống miễn phí… - Ông Thái Văn Thành 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ