Thi THPT quốc gia 2018: Dốc sức ôn luyện cho học sinh

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ngày càng đến gần, đây là thời điểm nước rút để các nhà trường củng cố kiến thức cho học sinh. Thời gian không còn nhiều, bám trường, bám lớp, thầy trò hối hả cùng nhau ôn luyện là không khí chung tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thi THPT quốc gia 2018: Dốc sức ôn luyện cho học sinh

Ông Ngô Hợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT, bám học sinh để ôn tập, từng em trình độ nào, nhu cầu học đến đâu mà giáo viên củng cố kiến thức, ôn luyện cho học sinh. Các thầy cô giáo đang 3 cùng với học sinh, cùng ôn tập, cùng luyện đề và cùng trao đổi kinh nghiệm làm bài sao cho đạt kết quả cao nhất.

Nắm bắt tâm tư nguyện vọng học sinh

Là trường THPT chất lượng cao nằm ở trung tâm TP Hạ Long, nguyện vọng của học sinh tốt nghiệp năm nay của Trường THPT Hòn Gai đa phần là vào đại học, tùy theo năng lực học tập, có em chọn trường top đầu, em trường top giữa, hầu hết đều là đại học.

Thầy Nguyễn Linh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Năm nay trường có 13 lớp 12 với 465 học sinh sẽ tham dự Kỳ thi THPT quốc gia. Đây là cao điểm của đợt ôn thi, chúng tôi chỉ đạo từng tổ chuyên môn, từng giáo viên thực hiện nghiêm kế hoạch ôn tập cho học sinh. Mặt bằng chung kiến thức học sinh của trường tương đối đồng đều nên không đến mức phải tách nhóm ôn luyện, nhưng tinh thần vẫn là nắm vững năng lực học tập của từng em để bổ sung kiến thức kịp thời.

Cũng ở TP Hạ Long nhưng Trường THPT Vũ Văn Hiếu lại nằm ở khu vực có nhiều lao động ngành than và lao động tự do, đời sống người dân khó khăn, đầu vào cấp 3 ở đây vào loại thấp nhất thành phố.

Thầy Văn Thành Vân – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Trường có 6 lớp 12 với 211 học sinh. Đa số các em chỉ có nhu cầu học nghề (80%) nên kế hoạch ôn luyện của trường cũng tùy theo năng lực của học sinh để ôn tập, nếu học sinh chỉ đi học nghề sẽ ôn theo chương trình quy định với mức vừa phải, còn với học sinh có nhu cầu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì từng giáo viên bộ môn phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng để ôn luyện cho các em sao cho hiệu quả nhất. Có thể nói là, giai đoạn cuối này chúng tôi ôn luyện cho từng học sinh, đặc biệt là số ít các em có nhu cầu xét tuyển đại học. Các thầy cô giáo bộ môn theo từng tổ hợp có trách nhiệm nắm bắt nguyện vọng của học sinh để thực hiện.

Huyện miền núi Hoành Bồ có Trường THPT Hoành Bồ với 30% là học sinh dân tộc. Học sinh đầu vào thấp nên các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo trường là bám học sinh để luyện. Năm nay trường có 7 lớp 12 với 253 học sinh, chỉ có khoảng 1/2 là có nhu cầu học ĐH, CĐ còn lại là học nghề và chỉ xét tốt nghiệp.

Cô Hiệu trưởng Đặng Thị Hiền, cho biết: Các thầy cô không chỉ có nhiệm vụ ôn luyện cho học sinh mà còn nắm bắt nguyện vọng của từng em để lên kế hoạch phụ đạo luyện cho phù hợp. Chúng tôi coi đây là giai đoạn nước rút nên các thầy cô giáo phải bám sát từng học sinh, đặc biệt là những em có mong muốn học đại học. Với một huyện miền núi, một trường có đầu vào thấp như THPT Hoành Bồ thì những học sinh có lực học tốt, mong ước được bước chân vào giảng đường đại học là điều hết sức đáng quý.

Bám học sinh để ôn luyện

Ở Trường THPT Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn, thầy trò đang gò lưng để ôn, thầy Hiệu trưởng Đỗ Đại Đoàn tâm sự: Người dân Quan Lạn nổi tiếng ham học, học sinh ở đây thuộc 2 xã đảo là Thanh Lân và Quan Lạn, gồm dân tộc Sán Dìu, Hoa Việt, Mường, Kinh, nguyện vọng đi học cũng đa dạng, có em thích học đại học trên Hà Nội, nhưng cũng có em chỉ chờ tốt nghiệp để đi biển hoặc học nghề làm du lịch tại địa phương. Bám học sinh để luyện thi cho các em là ý thức của từng thầy cô giáo.

“Từ đầu năm học, chúng tôi đã vừa học vừa củng cố kiến thức cho các em, nay là giai đoạn nước rút là luyện các dạng bài, làm đề mẫu. Do đặc điểm của một xã đảo nên có những học sinh ở xa phải thuê nhà, ở nhờ dân quanh trường để học thi, chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên ngoài giờ quy định ôn luyện, bất kể lúc nào các em cần hỏi bài thì đều phải giải đáp”, thầy Đỗ Đại Đoàn chia sẻ.

Ở TP Hạ Long, cô Phạm Thị Mai giáo viên dạy Hóa của Trường THPT Vũ Văn Hiếu, cho biết: Môn của tôi là nằm trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh là hết sức cần thiết. Nếu em đó chỉ có nhu cầu tốt nghiệp THPT thì chỉ cần tham gia các buổi học ôn tập kiến thức là đủ.

Các lớp luyện thi chỉ dành cho những em có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tôi cho rằng mỗi giáo viên nên có sự tư vấn cho học sinh nên chọn lựa ngành học, trường nào sao cho phù hợp với năng lực của học sinh. Hơn ai hết, chính giáo viên bộ môn hiểu lực học của từng em đến đâu, việc tư vấn chắc chắn sẽ giúp các em xác định được mình nên đăng ký xét tuyển trường, ngành nào sao cho khả năng trúng tuyển tốt nhất.

Nhiều giáo viên, học sinh ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho rằng nhìn vào mức độ các câu hỏi tại đề thi tham khảo năm nay về cơ bản có khó hơn so với đề thi năm 2017. Nội dung kiến thức không chỉ nằm trong chương trình lớp 12 như năm trước, mà có thêm phần kiến thức của chương trình lớp 11. Việc mở rộng phạm vi đề thi, được các thầy, cô giáo, học sinh đón nhận và có sự chuẩn bị tâm lý tốt, đòi hỏi các em học sinh phải ôn luyện khối kiến thức sâu, rộng và đa dạng hơn. Nhìn vào đề minh h?a bước đầu thấy rằng đề thi được phân hóa cao, hạn chế điểm tuyệt đối vì để đạt mức này học sinh phải có lực học thật giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.