Bí quyết để chinh phục hội đồng phỏng vấn
Trương Thị Hà Lê - cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) là một trong 2.000 thí sinh trúng tuyển thuộc diện xét tuyển tài năng, Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay.
Có mẹ là giáo viên, Hà Lê sớm từ bé được chứng kiến mẹ giảng dạy, tần tảo truyền kiến thức cho học trò của mình. Từ việc quan sát công việc thường ngày của mẹ, Hà Lê cảm thấy thích thú và luôn ấp ủ ước mơ sau này lớn lên có thể cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho ngành Giáo dục nước nhà.
Lên bậc THCS, cô nữ sinh Hà Lê ngày càng nhận rõ đam mê của bản thân và luôn chủ động tìm kiếm các hoạt động, dự án có liên quan đến giáo dục để có cơ hội trải nghiệm, khám phá năng lực bản thân.
Ngoài việc học, Hà Lê dành thời gian tham gia các dự án của trường về giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em ở làng trẻ SOS; cùng đoàn thanh niên tình nguyện của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giảng dạy cho học sinh ở miền núi huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An).
Hà Lê chia sẻ: “Những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn luôn khát khao được học để thay đổi cuộc đời, số phận của mình. Em cũng mong muốn mình có thể hỗ trợ, tiếp thêm một phần dù chỉ là rất nhỏ trong hành trình đó của các bạn. Sau này, các bạn chính là người trở về xây dựng quê hương, cống hiến cho đất nước trong tương lai”.
Đam mê cống hiến, khát khao góp sức lực nhỏ bé trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà nên bài luận của Hà Lê gửi đến Hội đồng tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về ngành học mình dự định trong tương lai, những khó khăn, thách thức mà ngành Giáo dục của Việt Nam đã và đang vượt qua...
Bên cạnh đó, Hà Lê cũng chỉ ra những bước phát triển, thay đổi của giáo dục nước nhà để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời đại công nghiệp hiện đại hoá. Bài luận cùng sự tự tin, bản lĩnh giúp nữ sinh quê Nghệ An Trương Hà Lê trở thành thí sinh có điểm xét tuyển tài năng cao nhất khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hà Lê chia sẻ: “Một trong những thuận lợi nữa của em có được ngoài thành tích học tập tốt, em có thêm chứng chỉ IELTS 7.5, SAT cùng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vì thế quá trình phỏng vấn em rất tự tin nên điểm phỏng vấn của em khá cao (106 điểm)”.
Với kinh nghiệm mình đã trải qua, Hà Lê cho rằng thí sinh xét tuyển tài năng quá trình phỏng vấn cần phải tự tin, thể hiện tốt những hiểu biết của mình về ngành học, định hướng tương lai thì sẽ tạo được ấn tượng cho hội đồng phỏng vấn.
Đam mê cống hiến cho giáo dục từ khi học THCS
Theo PGS. TS Lê Hiếu Học, Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội: "Trong số những thí sinh trúng tuyển diện tài năng của khoa, Trương Hà Lê (đạt 106 điểm, thí sinh có điểm cao nhất trúng tuyển tài năng của khoa) khiến tôi ấn tượng bởi trong thư chia sẻ về lý do chọn ngành, bạn có một suy nghĩ sâu sắc về quan điểm, suy nghĩ ngành học và tại sao lại thích ngành Quản lý Giáo dục. Bạn ấy bày tỏ việc được học không chỉ tốt cho mình mà có thể giúp cho nhiều người khác thông qua hoạt động giáo dục” – PGS.TS Lê Hiếu Học chia sẻ.
Năm nay Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội có khoảng hơn 30 thí sinh trúng tuyển diện xét tuyển tài năng vào hai ngành Công nghệ Giáo dục, Quản lý Giáo dục.
Một tín hiệu đáng mừng, số lượng thí sinh xét tuyển tài năng vào khoa nhiều hơn hẳn so với năm trước.
PGS.TS Lê Hiếu Học thông tin thêm, một trong những điều chỉnh nổi bật trong phương án xét tuyển tài năng năm nay là việc sử dụng thêm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS cộng điểm học bạ phổ thông và hồ sơ năng lực; điều chỉnh này căn cứ vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
“Đặc biệt năm nay chúng tôi có thêm những thí sinh sở hữu chứng chỉ SAT 1.380 đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ giáo dục. Điều này chứng tỏ, sự cần thiết của ngành Công nghệ giáo dục đối với xã hội. Sự cần thiết này đã được lan tỏa, được các phụ huynh, học sinh quan tâm, tìm hiểu và đây cũng là cách các em quan tâm đến ứng dụng công nghệ trong hoạt động giáo dục” – PGS.TS Lê Hiếu Học nói và khẳng định, khi học sinh đăng ký vào ngành học của khoa, đội ngũ giảng viên sẽ có trách nhiệm, năng lực chuyên môn để đáp ứng được kỳ vọng, đồng hành và cải cách chương trình đào tạo. Từ đó, giúp các em sinh viên được trang bị kỹ năng, kiến thức, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động trong tương lai.