Thí sinh quan tâm nhiều hơn đến “đầu ra”

GD&TĐ - Thị trường lao động đã tác động lớn đến xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh và phần lớn thí sinh khi quyết định chọn một trường ĐH, CĐ để theo học không còn là chọn theo phong trào.

Thí sinh trúng tuyến theo hình thức xét tuyển học bạ làm thủ tục nhập học tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.
Thí sinh trúng tuyến theo hình thức xét tuyển học bạ làm thủ tục nhập học tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.

Tốt nghiệp THPT năm 2018, Võ Văn Tài (quê ở H. Tuy An – Phú Yên) quyết định vào TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ một năm để kiếm tiền trang trải chi phí học tập cho những năm học sắp tới.

“Mỗi ngày tiền công phụ hồ của em được 300.000 đồng, sau khi trừ đi khoản tiền ăn uống, ở trọ, em để dành được hơn 20 triệu, đủ đóng tiền học phí trong năm học đầu tiên và sinh hoạt phí cho khoảng 3-4 tháng đầu khi là SV, phòng trường hợp không xin được việc làm thêm” – Tài kể.

Chọn theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng), Tài cho biết, em được các anh SV cùng quê của khóa trước tư vấn là theo học ngành này vừa đảm bảo đầu ra, vừa có thể đi làm sớm để kiếm thêm thu nhập.

“Mẹ em mất sớm, điều kiện kinh tế gia đình cũng rất khó khăn nên em xác định mình phải tự lập trong suốt quá trình học. Kẹt lắm thì mới nghĩ đến giải pháp vay vốn SV nên với em, trường nào có học phí ổn định, đầu ra tốt thì em sẽ ưu tiên lựa chọn. Theo như em tìm hiểu thì thời gian học thực hành nhiều hơn, dễ dàng đáp ứng yêu cầu về tay nghề khi tuyển dụng lao động” – Võ Văn Tài chia sẻ.

Sử dụng hình thức xét tuyển theo học bạ, Trần Lê Đức Anh (quê ở Bình Định) đăng ký nhập học ngành Công nghệ điều khiển tự động hóa của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng sau khi đã tham khảo tư vấn của người anh họ vốn là SV cũ của trường.

“Anh em học ngành Cơ khí, ngay sau khi tốt nghiệp ra trường thì trúng tuyển vào một nhà máy nhựa ở TP Hồ Chí Minh với mức lương hiện nay là 10 triệu/tháng sau một năm làm việc” – Đức Anh chia sẻ.

Có một yếu tố trong tư vấn tuyển sinh mà các trường chưa mấy khi để ý đến, đó là “khóa trước mách nước cho khóa sau”: Nếu những SV khóa trước sớm có việc làm, tỉ lệ có việc làm cao thì việc tuyển sinh của những khóa sau rất thuận lợi. Thị trường lao động đã tác động rất lớn đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Một cán bộ quản lý của ĐH Đà Nẵng cho biết, thị trường lao động đã có tác động lớn đến việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh và thông qua đó sẽ tác động đến công tác đào tạo của trường. Những năm gần đây, các ngành như cơ khí, công nghệ ô tô… rất được thí sinh chọn lựa.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho biết: “Nhà trường rất chú trọng phân tích tình hình, tự tìm hiểu thông tin về dự báo nguồn nhân lực để có những điều chỉnh trong chương trình đào tạo cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Với hình thức tuyển sinh xét tuyển học bạ, chúng tôi có 1456 hồ sơ đăng ký xét tuyển so với 476 chỉ tiêu.

Ngoài kết hợp với doanh nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh như là một cam kết về việc làm và chất lượng đào tạo đối với người học, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật còn tăng cường công tác thực tập, kiến tập doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế. Các cuộc thi kỹ năng thực hành, thí nghiệm cũng được nhà trường tổ chức thường xuyên như là một cách để gắn kết lý thuyết với thực hành, ứng dụng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.