Thí sinh Xuân Linh, thí sinh tự do, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú nhận xét: "Với đề thi của 2 môn Hóa và Sinh, thí sinh phải tập trung thời gian làm bài tối đa mới có thể làm được hết các câu hỏi. 20 câu đầu, mỗi câu em chỉ làm trong khoảng 30 giây để chọn đáp án. Tuy nhiên, với 10 câu hỏi cuối, em mất khá nhiều thời gian để giải".
Với học lực khá, thí sinh Quốc Cường (dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) cho biết môn Hóa em tự tin làm được khoảng 8 điểm, “những câu khó thì quá khó nên em chọn đáp án theo kiểu loại trừ. Đề thi môn Vật lý có khó hơn nhưng em làm bài chắc được tầm 6-7 điểm. Môn Sinh học cũng tương tự. So với đề thi thử và đề thi năm 2021 thì em thấy độ khó tương đương, riêng môn Sinh có một vài câu hỏi khá lạ so với các dạng bài tập trong sách giáo khoa. Đề năm nay khó để đạt điểm cao” – Cường nhận xét.
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi được tình nguyện viên gửi nước uống sau buổi thi môn tổ hợp |
Nguyễn Thành Hiếu (dự thi tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh) cho rằng đề thi cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh đều có mức độ khó hơn đề thi năm 2021. Luyện thi khối A nên Hiếu làm khá tốt môn Lý, Hóa với mức điểm 8. Phần câu hỏi khó của môn Hóa tập trung ở hóa vô cơ, điện phân và thủy luyện. “Các câu khó ở môn Hóa và Lý theo em thí sinh nào luyện nhiều dạng đề mới làm tốt được. Đề thi môn Lý dữ liệu khá dài; trong khi môn Hóa thì dạng bài “lạ” so với đề thi năm trước và ít khi gặp trong chương trình ôn tập”, Hiếu nói.
Theo Xuân Linh, so với đề thi năm 2021 thì đề thi môn Sinh năm nay có nhiều câu hỏi lạ. Chẳng hạn như dạng bài biểu đồ sinh thái, gen tuy không phải mới nhưng cách xây dựng câu hỏi không theo mô típ quen thuộc của những năm trước đó. Nếu bạn nào mới đọc qua, thấy đề dài mà đã lúng túng, không gạch chân các cụm từ cần lưu ý trong đề để nhận diện dạng bài tập đúng thì rất dễ áp dụng nhầm công thức.
Thí sinh Minh Đức - Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền nhận xét đề thi môn Lịch sử không quá dài và khó, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Minh Đức dự thi để lấy điểm xét tốt nghiệp nên em chỉ tập trung làm bài ở mức điểm 5-6. Tuy nhiên, thí sinh Ly Na, dự thi tại điểm thi Trường THPT Phạm Phú Thứ thì cho rằng đề thi môn Lịch sử có nhiều câu hỏi khó, buộc thí sinh phải biết so sánh, phân tích và xâu chuỗi các dữ kiện mới có thể làm tốt bài thi.
Riêng đề thi môn Địa lý, theo nhận xét của Ly Na, nếu chỉ sử dụng Atlat thì thí sinh đã có thể đạt được khoảng từ 4-5 điểm. Các câu hỏi vận dụng chủ yếu tập trung ở vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Một số câu hỏi, thí sinh phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và cập nhật thông tin mới về xã hội mới có thể làm tốt.
Nhiều thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học xã hội có chung nhận xét các câu hỏi bài tập ở đề thi Giáo dục công dân đều đưa ra tình huống ngắn gọn, không quá rối và đánh đố thí sinh. Có những câu hỏi rất dễ dàng lấy điểm.
Em Ngô Huỳnh Gia Hân (Trường Tiểu học, THCS và THPT Sky-Line Đà Nẵng) cho biết, dù thi chỉ để xét tốt nghiệp nhưng em nỗ lực hoàn thành bài thi tổ hợp môn khoa học xã hội. Theo Gia Hân, mỗi bài trong tổ hợp có 40 câu, không mức quá khó. Với đề thi này, đa phần thí sinh chắc chắn đạt tầm 5 - 7 điểm. Độ khó của các môn thi nằm từ câu 35-40, những câu này thuộc dạng phân hóa, chủ yếu dành cho học sinh giỏi.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, buổi thi sáng 8/7, Đà Nẵng không có thí sinh F0 dự thi và không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
Bài thi Khoa học Tự nhiên, môn Vật lí: 5.310 thí sinh dự thi/5.342 thí sinh đăng kí dự thi (99,40%), vắng 32; môn Hóa học: 5.340 thí sinh dự thi/5.373 thí sinh đăng kí dự thi (99,39%), vắng 33; môn Sinh học: 5.270 thí sinh dự thi/5.293 thí sinh đăng kí dự thi (99,57%), vắng 23.
Bài thi khoa học xã hội, môn Lịch sử: 7.104 thí sinh dự thi/7.186 thí sinh đăng kí dự thi (98,86%), vắng 82; môn Địa lí: 7.041 thí sinh dự thi/7.129 thí sinh đăng kí dự thi (98,77%), vắng 83; môn Giáo dục công dân: 5.974 thí sinh dự thi/6.036 thí sinh đăng kí dự thi (98,97%), vắng 62.