Thí sinh Hà Nội chọn trường xa để chắc suất vào công lập

GD&TĐ - Để chắc suất vào trường THPT công lập, hàng nghìn học sinh tại Hà Nội đã đăng ký vào trường có điểm chuẩn thấp ở xa nơi cư trú.

Học sinh Hà Nội dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh: TG
Học sinh Hà Nội dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh: TG

Lựa chọn để chắc đỗ

Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đối với các trường công lập ở Hà Nội luôn áp lực đối với thí sinh, nhất là khu vực nội thành nơi tỷ lệ đăng ký dự thi cao hơn nhiều so với chỉ tiêu. Do đó, nhiều phụ huynh và học sinh đã lựa chọn một trường khu vực ngoại thành để “chắc suất”.

Có con học lớp 9 tại trường THCS trên địa bàn quận Đống Đa, anh Nguyễn Thanh Sơn quyết định đăng ký nguyện vọng 2 cho con vào một trường THPT trên địa bàn huyện Quốc Oai, cách nhà khoảng 20km để đề phòng trường hợp không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Anh Sơn cho biết, nếu không đỗ nguyện vọng 1, gia đình đã sẵn sàng chuẩn bị phương án cho con học xa nhà. Học xa nhà sẽ vất vả nhưng là phương án tốt nhất để con được học trong một trường công lập.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, “tỷ lệ chọi” vào lớp 10 tại khu vực nội thành tiếp tục căng thẳng. Nhiều trường có tỷ lệ chọi 1/3, tức là cứ 3 em thi mới có 1 em trúng tuyển. Trong khi đó các trường ở ngoại thành, điểm tuyển sinh đầu vào thấp, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 thậm chí còn thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh.

Ví dụ, Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) tuyển 540 chỉ tiêu cho năm học tới trong khi nguyện vọng 1 chỉ có 342 học sinh đăng ký, tỷ lệ chọi là 1/0,63. Tình trạng tương tự diễn ra tại các trường như: THPT Nguyễn Quốc Trinh (huyện Thanh Trì), THPT Đại Cường (huyện Mỹ Đức), THPT Tự Lập (huyện Mê Linh), THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì), THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng), THPT Lưu Hoàng (huyện Mỹ Đức).

Dù có tỷ lệ chọi thấp nhưng các trường THPT tốp dưới lại lập kỷ lục về học sinh đăng ký nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 trong mùa tuyển sinh năm nay. Dẫn đầu là Trường THPT Tự Lập với 8.582 học sinh, THPT Bắc Lương Sơn 5.407, THPT Lưu Hoàng 5.088, THPT Minh Quang 4.901...

Cô Đinh Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) chia sẻ: Những năm gần đây cùng với việc tăng nhanh dân số cơ học, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, dự thi vào lớp 10 cũng tăng. Cùng đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không cao nên việc thi đỗ vào một trường nào đó trở thành mục tiêu của đại đa số học sinh và phụ huynh.

“Có thể lo lắng, áp lực thi trượt các trường tốp trên thậm chí là trường tốp giữa ở các quận nội đô nên nhiều em tràn về trường ngoại thành đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 như giải pháp an toàn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các trường ngoại thành có số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3 rất nhiều”, cô Hồng nói.

Học sinh Trường THPT Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: TG

Học sinh Trường THPT Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: TG

Bất cập khi học xa nhà

Cô Đinh Thị Hồng Như - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang cho biết, những năm qua, trường có điểm chuẩn thấp nhất thành phố và luôn đón nhận nhiều học sinh từ các quận nội thành về học. Năm học trước, có hơn 3.500 em đăng ký nguyện vọng vào trường, trong đó, nguyện vọng 3 có gần 2.000 em. Các em lựa chọn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đều ở các quận nội thành, chọn nguyện vọng để chống trượt.

“Học sinh ở khu vực lân cận như Mê Linh, Sơn Tây hay cả quận nội thành như Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa..., cách trường gần trăm cây số không đỗ trường công lập gần nhà đành chọn phương án nhập học ở đây. Trong 3 - 5 năm trở lại đây, mỗi năm Trường THPT Minh Quang tuyển được từ 40 - 60 em ở các quận, huyện khác đến học”, cô Như nói.

Trường chỉ có nhà công vụ cho giáo viên, nên học sinh phải thuê trọ ở ngoài hoặc ở nhờ nhà người quen. Những em không tìm được nhà trọ, nhà trường huy động lực lượng Đoàn thanh niên tìm nhà trọ uy tín để giới thiệu. Nhà trường hỗ trợ đăng ký tạm trú để các em được đảm bảo an toàn, an ninh.

“Một số em ban đầu nhắn tin cho cô kêu nhớ nhà, lo lắng kết quả học tập không tốt. Nhà trường đề nghị thầy cô kèm cặp sát sao, động viên tinh thần để các em hòa nhập nhanh nhất. Đa số học sinh sẽ gắn bó với trường hết cấp THPT nhưng cũng có em sau một thời gian xin chuyển vì nhiều lý do”, cô Như chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất) cho biết: Năm học trước, số lượng đăng ký nguyện vọng 2 và 3 rất nhiều, không ít em dù trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học. Do đó, trường đã kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh đợt 4, còn gọi là “nguyện vọng tràn”.

Thầy Dũng cho rằng, trong cuộc đua căng thẳng, cạnh tranh cao để vào lớp 10 công lập, nhiều em cảm thấy trường nội đô khó khăn nên chuyển hướng về trường ngoại thành. Tuy nhiên, sau khi trúng tuyển, nhiều phụ huynh và học sinh lại nhận thấy việc theo học quá xa là không hợp lý nên đã chọn phương án khác.

Nguyễn Minh Đức - học sinh lớp 10C chọn Trường THPT Minh Quang sau khi trượt cả 2 nguyện vọng tại các trường nội thành. Trường cách nhà gần 90km khiến em gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, mất thời gian dài để thích nghi. Tuy nhiên, sống xa nhà cũng giúp em có thêm kỹ năng sống và biết tự lập.

Chị Nguyễn Thị Giang, phụ huynh học sinh Trường THPT Minh Quang chia sẻ, con trượt nguyện vọng 1 nên đành nhập học nguyện vọng 2, cách nhà hơn 50km. Dù thầy cô tâm huyết nhưng gia đình không khỏi lo lắng khi nhà quá xa trường, con phải ở trọ, có nhiều nguy hiểm rình rập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ