Thí sinh có thể xác nhận nhập học bằng mã vạch

GD&TĐ - Chiều 19/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo tuyển sinh trình độ cao đẳng sư phạm và đại học năm 2021.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp.

Có phương án xét tuyển cho thí sinh tự do

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng của Covid-19 nên nhiều thí sinh chưa nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT. Do đó, các em chưa thể xác nhận nhập học vào các cơ sở giáo dục đại học.

GS.TS Hà Thanh Toàn đề xuất, nên chăng cho phép thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến. Cụ thể: Thí sinh có thể chụp lại Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT kèm theo mã vạch, rồi gửi về trường đại học đã trúng tuyển để xác nhận nhập học.

Sau đó, nhà trường sẽ cập nhật mã vạch của thí sinh vào hệ thống tuyển sinh chung để tiến hành lọc ảo. Đến khi hết giãn cách xã hội, thí sinh sẽ có trách nhiệm nộp bản gốc cho cơ sở giáo dục đại học.

“Nếu giải pháp này được chấp thuận, đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn để các trường có căn cứ thực hiện, đồng thời phục vụ cho công tác kiểm tra sau này” - GS.TS Hà Thanh Toàn phát biểu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề nghị, các Sở GD&ĐT gửi bản chụp Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh qua Zalo hoặc hòm thư điện tử.

Sau đó, thí sinh dùng ảnh này gửi đến cơ sở giáo dục đại học để xác nhận nhập học. Đồng thời, thí sinh phải gửi kèm theo bản cam đoan có chữ ký của mình về việc chỉ xác nhận nhập học vào một cơ sở giáo dục đại học.

Sau khi hết giãn cách xã hội, thí sinh nộp bản chính Giấy chứng nhận và bản cam đoan về trường. Hội đồng tuyển sinh sẽ đối chiếu, nếu sai thí sinh sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Phương án này vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đồng thời gắn trách nhiệm cho các em. Mặt khác, góp phần giảm tỉ lệ thí sinh ảo cho các trường.

Đặt vấn đề, có nên yều cầu các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh tự do, hay chỉ cần Bộ có văn bản hướng dẫn để các trường chủ động? GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi, nên chăng Bộ có gợi ý trong công văn hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh tự do; trên cơ sở đó các trường sẽ linh động và chủ động phương án xét tuyển với những thí sinh này.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, ngoài những thí sinh thuộc diện đặc cách, đề nghị các cơ sở giáo dục đại học xem xét, chấp nhận thí sinh tự do đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường.

Hiện, có khoảng hơn 16 nghìn thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không thể dự thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, miền Bắc gần 1.800 và miền Nam 14.800 thí sinh, trong đó có hơn 2.000 thí sinh tự do. Với thí sinh tự do, nếu các em đã thi thì hầu hết sẽ có nguyện vọng xét tuyển đại học.

Tuy nhiên, với tỉ lệ nhỏ (chiếm khoảng 0,2%), chúng ta không phải dành chỉ tiêu riêng cho thí sinh tự do, mà nên nằm trong chỉ tiêu các trường để lại cho thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT.

Về hình thức xét tuyển đối với thí sinh tự do, Thứ trưởng gợi ý: Các trường có thể dựa vào kết quả học bạ THPT của các em, hoặc dựa vào điểm dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực do hai ĐH Quốc gia tổ chức, hoặc cũng có thể dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 của các em.

Cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Thí sinh phải cam đoan chỉ xác nhận nhập học vào 1 trường

Trao đổi về phương án nhập học đối với thí sinh chưa có bản chính Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng chia sẻ: Bộ sẽ có ý kiến với các Sở GD&ĐT để đẩy nhanh việc gửi Giấy chứng nhận cho thí sinh; đồng thời dự kiến một số phương án: Đề nghị các trường lùi thời hạn xác nhận nhập học của thí sinh, chậm nhất đến 26/9. Theo đó, các trường phải thông báo thật rõ để thí sinh yên tâm.

Đối với thí sinh đã nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, nhưng không thể gửi được về trường để xác nhận nhập học do ảnh hưởng của dịch bệnh (kể cả trong thời gian này, hoặc trong thời gian đã lùi thời hạn xác nhận nhập học), đề nghị Vụ Giáo dục Đại học trao đổi với các cơ sở giáo dục đại học thống nhất phương án: Thí sinh có thể gửi mã vạch về trường để xác nhận nhập học.

Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, các trường phải thông báo rõ ràng, công khai các điều kiện để thí sinh đã gửi mã vạch xác nhận nhập học vào trường này rồi, sẽ không gửi xác nhận nhập học vào trường khác nữa. Sau đó, các trường sẽ cập nhật lên hệ thống tuyển sinh. Khi thí sinh đã xác nhận nhập học bằng phương án trên thì sẽ không còn quyền để xác nhận nhập học vào trường khác nữa.

Đối với thí sinh chưa nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT (Kể cả sau khi cơ sở giáo dục đại học đã kéo dài thời gian xác nhận nhập học) các trường cần chủ động để có phương án xét tuyển. Trước mắt, tạm thời xác nhận danh sách cho thí sinh trúng tuyển vào trường (nếu các em đủ điều kiện trúng tuyển). Sau khi thí sinh nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp và tiến hành nhập học, nhà trường yêu cầu các em nộp Giấy chứng nhận bản chính để đối chiếu và hoàn chỉnh hồ sơ.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, công tác tuyển sinh năm nay được thực hiện cơ bản như năm trước. Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục đại học đã và đang xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau; trong đó phương án chính là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn điều chỉnh lịch tuyển sinh đại học, cao đẳng với phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (cả hai đợt) và hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho thí sinh sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT 2021, đảm bảo đúng Quy chế và phù hợp với điều kiện thực tế khách quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.