Sinh năm 1986, tròn 34 tuổi nhưng hiếm có nghệ sĩ thị giác nào của Việt Nam sớm nổi tiếng như Bảo Châu. Nữ tính nhưng gai góc, nhí nhảnh nhưng sắc sảo, đôi tay quá khéo và con mắt sắc lẹm khiến cho ánh sáng tưởng tượng của Bảo Châu như có thần lực.
Tất cả, thể hiện rõ trong loạt triển lãm gây tiếng vang lừng lẫy khiến giới nghệ thuật mộ phục.
Trông thì khác nhưng nhìn phải giống!
“Trông thật khác, nhìn thực giống” là tên triển lãm cá nhân của Ngô Đình Bảo Châu, được khai mạc hôm nay (14/8) tại Galerie Quynh (TPHCM).
Triển lãm trưng bày các tác phẩm tham vọng nhất từ trước tới nay của nữ nghệ sĩ. Đồng thời, đánh dấu chặng đường kéo dài 5 năm suy tư, nghiên cứu về sự sao chép - lặp lại biểu tượng hình ảnh, nơi giao điểm giữa cái chung và cái riêng, và cách chúng ảnh hưởng tới ký ức tập thể.
Theo Bảo Châu, triển lãm này tìm hiểu cách mà không gian công cộng len lỏi vào chốn riêng tư. Bộ tác phẩm sắp đặt tạo dựng theo những món đồ nội thất trong nhà làm xáo trộn tính đối ngẫu giữa cái công khai biểu lộ và cái kín đáo bên trong. Như Gaston Bachelard chiêm nghiệm trong “Thi học Không gian”, rằng “bên ngoài và bên trong đều gần gũi”.
Khi đặt những khái niệm về tượng đài vào ngôi nhà, rồi chế tác căn nhà đó trong phòng tranh, tác phẩm của Bảo Châu phân bố tự do trong không gian vừa thầm kín vừa cởi mở. Khi nghệ sĩ hình thể hóa không gian mơ hồ này, cô cũng đang hồi tưởng về những ký ức thơ ấu lớn lên cùng các thói quen và nghi thức gắn liền với sự hiện hữu lấn át.
Trong tác phẩm “Sĩ số 40”, chiếc bóng của cậu học sinh đang chào cờ được in khắc gỗ lặp lại nhiều lần trên các miếng giấy dán tường. Nghi thức chào cờ trang nghiêm, mà đối với cậu học sinh cũng thường nhật như việc làm bài về nhà.
Cũng vậy, trong “Ngôi sao sa”, tác phẩm nhựa resin gợi lại hình ảnh phố phường tràn ngập đèn ông sao vào dịp Trung thu. Hình tượng ngôi sao quen thuộc được lặp lại, làm mờ đi vẫn tiềm tàng sức biểu đạt. Khẩu hiệu, biểu ngữ, cột cờ và tượng đài, dù phổ biến khắp nơi song trở nên vô hình vì đã ăn sâu vào tiềm thức, làm thay đổi ký ức và tiếp tế cho trí tưởng tượng.
Bộ tác phẩm được trưng bày tại triển lãm dày đặc chi tiết, phản ánh sự bất định khi nhớ lại quá khứ. Trong khi một số hình ảnh đã trở nên mờ nhạt và trừu tượng, những chi tiết khác được bổ sung một cách vô thức, rồi trong guồng quay trùng lặp của trí nhớ càng trở nên rõ nét hơn.
Di chuyển trong không gian triển lãm, nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật đưa người xem khám phá thứ mà Bachelard gọi là “những hành lang tâm trí - mảng khuất trong tiềm thức” được phô bày lộ liễu, như một giấc mơ có thật đang hiện ra trước mắt.
Nghệ thuật phải vì con người
Từ lúc bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật, Bảo Châu đã làm việc với nhiều chất liệu từ chiếu, thép, bê tông, tới trúc chỉ - một vật liệu giấy mới lạ được làm từ bột nhuyễn của tre, bắp hoặc bèo. Thực hành của cô xoay quanh các nghiên cứu về cuộc sống đương đại Việt Nam, tái định vị nhiều vật phẩm và hình ảnh với mục đích khai thác tính đối ngẫu trong xã hội.
Năm 2019, Bảo Châu cùng 9 nghệ sĩ khác thực hiện triển lãm “Cục im lặng” gây tiếng vang lớn, và được giới nghệ thuật mong chờ bởi sự choáng ngợp mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, nữ nghệ sĩ nói rằng: “Tôi nghĩ mình vẫn đang trên con đường tìm kiếm một phong cách nào đó. Và tôi ước gì mình không tìm thấy. Vì nếu thấy thì thật chán!”.
Trong triển lãm “Chị tôi” (tên triển lãm được đặt theo bài hát cùng tên của nhạc sĩ Trần Tiến) cách đây vài năm, Bảo Châu sử dụng các chất liệu tự nhiên như cát, cỏ, muối, nước cho tác phẩm “Ai mà đếm tình yêu”. Các chất liệu được sử dụng là những thứ giản dị nhưng khó thể hiện. Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ mà nữ nghệ sĩ đã chọn vật liệu để truyền tải nội dung tác phẩm.
“Tôi được đào tạo hội họa (sơn mài), nhưng đa phần các tác phẩm của tôi lại thiên về hình khối trong không gian. Tôi quan tâm và sử dụng cả ba loại hình hội họa, điêu khắc, sắp đặt trong sáng tạo. Hãy tưởng tượng tôi có một cái tủ - đó là tác phẩm điêu khắc, tôi khảm trai lên - lại liên quan đến hội họa, và sau đó tôi quyết định đặt ở đâu và như thế nào - ở đây là loại hình sắp đặt”, nghệ sĩ Bảo Châu chia sẻ.
Giới chuyên gia nghệ thuật đánh giá, đặc trưng tác phẩm của Ngô Đình Bảo Châu là lấy cảm hứng từ các khối hình học. Nữ nghệ sĩ thì cho rằng, bắt buộc phải là một hình gì đó khi cô bắt đầu hình dung về tác phẩm. Bởi con người sống trên Trái đất cũng là một hình dạng cụ thể. Khi bắt đầu một bức tranh, họa sĩ cũng nghĩ về hình dạng khả thi mà trên đó các hình ảnh sẽ hiển thị.
Bằng trí tưởng tượng đi đôi với truy lùng bản chất, sáng tác của nữ nghệ sĩ Bảo Châu bao giờ cũng sử dụng ý nghĩa và hình thức cá tính. Cô chọn lọc mọi chi tiết để tạo ra tác phẩm mang tính biểu tượng cao nhất. Thông qua sự kỹ tính quá mức, Bảo Châu muốn khám phá ý nghĩa tồn tại của mọi thứ, đặc biệt là sự tồn tại của con người.
“Suy cho cùng, nghệ thuật phải vì con người, mà con người phải có hình dạng. Nghệ thuật dù cao siêu, khó hiểu đến đâu cũng luôn hướng về con người. Dù tôi làm tác phẩm có hình dạng một cục đá thì cũng muốn nói điều gì đó về con người”, nghệ sĩ Bảo Châu cho hay.