Thi đua, khen thưởng phải đóng góp vào sự chuyển mình của đất nước

GD&TĐ - Ngày 18/1, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 2017 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Hội đồng, năm 2017, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng, Chủ tịch nước khen thưởng cho 74.872 trường hợp. Trong đó, khen thưởng đột xuất, chuyên đề cho 8.610 trường hợp, khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5.816 trường hợp (chiếm 7,77%).

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong năm 2017, Hội đồng đã hoạt động tích cực. Nhiều phong trào của Mặt trận, đoàn thể, từng bộ, ngành, địa phương được phát động, thực hiện, có sức lôi cuốn. Công tác truyền thông, thông tin về người tốt, việc tốt được đẩy mạnh. Hội đồng đã nghiêm túc trong khen thưởng khi để lại 42 trường hợp do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận vẫn còn bệnh hình thức khi triển khai một số phong trào thi đua, chưa huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Công tác thi đua, khen thưởng phải đóng góp vào sự chuyển mình của đất nước để đưa đất nước tiến lên. Do đó, thi đua phải hướng vào người dân, vào cơ sở.

Phải đẩy mạnh hơn nữa về công tác tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước; đồng thời, tiếp tục biểu dương, tuyên truyền, tôn vinh tập thể cá nhân tiêu biểu, các mô hình mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập, công tác của chúng ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Ngay từ đầu năm, cần tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt, đồng loạt ra quân triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 của từng bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với 242 nhiệm vụ cụ thể thì các bộ, ngành, địa phương đều phải có kế hoạch cụ thể triển khai. Thường xuyên phát hiện kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới và phải làm mạnh mẽ hơn, kể cả 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khen thưởng với tinh thần kịp thời, đúng quy định. Lấy kết quả kết thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện công tác chuyên môn làm thước đo khen thưởng.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan truyền thông dành nhiều thời lượng hơn để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, những tấm gương quý trong xã hội. Trước khi khen thưởng, phải có nhiều kênh để truyền thông, lấy ý kiến nhân dân xem đối tượng khen thưởng có xứng đáng không.

Các địa phương phải tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trong khen thưởng kháng chiến, phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện thi đua.

Về việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc trong năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tạo khí thế mới trong quần chúng nhân dân.

Năm 2018, Hội đồng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua ngay từ những ngày đầu, tháng đầu gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2018 cũng là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như lễ kỷ niệm cấp nhà nước, cầu truyền hình tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam); gặp mặt, giao lưu giữa một số Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động với thế hệ trẻ, phát động thi viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến toàn quốc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.