Học sinh xin rút khỏi chương trình
Năm học 2015-2016, Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật và Trường THCS Trần Quý Cáp (quận Cẩm Lệ) được chọn triển khai Dự án giảng dạy tiếng Đức của Ủy ban giáo dục phổ thông Cộng hòa Liên bang Đức tại nước ngoài (ZfA). Theo đó, mỗi trường sẽ tuyển sinh một lớp với 30 HS, dạy 4 tiết/tuần.
Thầy Ngô Xe – Hiệu trưởng trường THCS Trần Quý Cáp cho biết: “Năm đầu tiên, chương trình học có nhiều lợi ích khác biệt so với các lớp tuyển sinh đại trà nên phụ huynh đăng ký nhiều. Chỉ tuyển 30 HS nhưng hồ sơ nộp vào lên đến vài trăm, trường phải tổ chức xét duyệt. Nhưng rồi về sau, số HS xin ra khỏi lớp tiếng Đức ngày càng nhiều".
Hiện nhà trường chỉ còn duy trì dạy tiếng Đức cho HS lớp 9 và lớp 8 với sĩ số lần lượt là 12 và 17 em/lớp.
Cô Huỳnh Thị Kim Anh – Hiệu trường trường THCS Nguyễn Thiện Thuật thông tin, gần như năm học nào nhà trường cũng phải giải quyết đơn xin chuyển thôi không học tiếng Đức để chuyển sang chương trình bình thường. Đến nay, trường còn 13 em theo học tiếng Đức ở lớp 9, lớp 18 còn 19 HS. 31 HS tiếng Đức đầu tiên được tuyển thẳng vào Trường THPT Hòa Vang vào năm học 2019 – 2021 hiện cũng đã chuyển sang học chương trình thường vì lực học không theo nổi.
Trường THCS Nguyễn Văn Linh và Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương được chọn để thực hiện dự án dạy tiếng Hàn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Cũng như lớp tiếng Đức, số HS theo học tiếng Hàn giảm dần qua từng năm học. Năm học 2020-2021, có 8 HS lớp 5 học lớp tiếng Hàn tại trường Tiểu học Hoàng Dư Khương đăng ký học tiếng Hàn lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh trong tổng số 40 HS. Thế nhưng, thực tế vào đầu năm học không có học sinh nào tham gia. Vì vậy, Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương và THCS Nguyễn Văn Linh đã ngừng tuyển sinh chương trình ngoại ngữ tiếng Hàn lớp 5 và lớp 6.
Chương trình nặng, động cơ học tập không có
Theo như thầy Ngô Xe phân tích, thì ngoài nguyên nhân chương trình nặng và khó, lý do để HS xin rút khỏi lớp ngoại ngữ tiếng Đức là do Sở GD&ĐT Đà Nẵng có thay đổi trong quy chế tuyển sinh. Trước đây, HS học ngoại ngữ 2 là tiếng Đức được tuyển thẳng vào lớp 10 trường THPT Hòa Vang mà không phải tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vốn có tính cạnh tranh rất cao. Thế nhưng, khi không còn được ưu tiên tuyển thẳng nữa mà phải tham gia thi tuyển thì nhiều phụ huynh và HS không còn mặn mà theo học và xin rút khỏi chương trình.
Sau khi Sở GD&ĐT Đà Nẵng công bố quy chế tuyển sinh lớp 10 THTP công lập năm học 2021 - 2022. Trong đó, HS học ngoại ngữ tiếng Đức và tiếng Hàn phải tham gia xét tuyển sinh; chỉ tiêu tiếng Hàn vào Trường THPT. Đây cũng là nguyên nhân thưa vắng HS theo học với chương trình ngoại ngữ tiếng Hàn.
Sau khi có thông tin tuyển sinh năm học 2021-2022 và chỉ tiêu tiếng Hàn vào Trường THPT Hòa Vang chỉ có 10 học sinh thì số lượng học tiếng Hàn lớp 9 của nhà trường từ 25 em rút xuống còn 10 em. Giáo viên là người Hàn Quốc về nước và chưa thể sang lại do Covid-19 nên việc dạy - học tiếng Hàn tạm thời bị gián đoạn.
Theo như nhận xét của cô Kim Anh thì chương trình học tiếng Đức khá nặng và được kiểm định theo chuẩn quốc tế nên yêu cầu về kiến thức, kỹ năng rất cao. Đề kiểm tra học kỳ được chuyển từ Đức sang. Trong giờ kiểm tra có sự tham gia của giám sát viên. Bài làm của HS được chuyển sang Đức để chấm rồi gửi kết quả về Việt Nam.
“Dù đầu vào của những lớp tiếng Đức đều có kiểm tra đầu vào, được lựa chọn từ những HS giỏi nhưng chương trình quá nặng, nhiều HS lại không có sự đầu tư, không có phương pháp học phù hợp nên không thể theo đến cùng được. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chỉ có 1 HS đạt được yêu cầu đề ra của dự án. Em HS này được gia đình cho đi học thêm tiếng Đức ở ngoài. Bản thân em cũng xác định học tốt tiếng Đức để chọn theo con đường du học Đức nên có sự đầu tư về thời gian và phương pháp học” – cô Kim Anh cho biết.
Trường THCS Trần Quý Cáp cũng chỉ có 1 HS đạt chứng chỉ tiếng Đức dành cho học sinh phổ thông nâng cao (DSD1) trong thời gian tham gia dự án.