Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS

Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS

Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến; Yêu cầu đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS - là những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị số: 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ: Để tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nội dung:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Chỉ thị giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Triển khai khung trình độ quốc gia về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng và triển khai chương trình chuyên gia quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

Ban hành các chuẩn về người làm công tác đào tạo nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề tại doanh nghiệp và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo các chuẩn được ban hành; ban hành danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo theo lộ trình để chuẩn hóa lực lượng lao động và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, có giải pháp tăng cường hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng tự động hóa.

Tăng cường hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp; nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề.

Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở; tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức tổng kết, đánh giá các chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đề xuất cho giai đoạn tiếp theo.

Đề xuất ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam”, giải thưởng quốc gia dành cho người học tiêu biểu trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chương trình về đại sứ kỹ năng nghề; có chương trình, kế hoạch cụ thể để tôn vinh, lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề xuất sắc tới giới trẻ và xã hội.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang triển khai khá hiệu quả mô hình đào tạo 9+, theo đó học sinh tốt nghiệp THCS được đào tạo trình độ Trung cấp song song với học chương trình văn hóa THPT, sau 3 năm các em có trình độ trung cấp để tham gia thị trường lao động. Nếu đào tạo trình độ cao đẳng, các em sẽ tiếp tục rút ngắn được thời gian đào tạo, đồng thời vẫn có cơ hội tiếp tục học lên trình độ cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.