>>Thí điểm dạy tiếng Anh tiểu học tại 18 tỉnh, thành
>>Dạy tiếng Anh tiểu học: chú trọng kỹ năng nghe, nói
Hội nghị triển khai thí điểm tiếng Anh tiểu học diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: gdtd.vn |
Trường, Sở đều đồng lòng
Năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT tổ chức dạy thí điểm chương trình tiếng Anh Tiểu học theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Theo đó, chương trình tiếng Anh tiểu học được áp dụng từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần theo các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh; quan tâm đến 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, trong đó ưu tiên phát triển 2 kỹ năng nghe và nói.
Mục tiêu chương trình đặt ra là kết thúc cấp tiểu học, học sinh sẽ đạt trình độ A1.3, tương đương trình độ Movers của Cambridge ESOL.
Những địa phương không nằm trong danh sách thí điểm của Bộ GD&ĐT, nếu có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có thể tự tổ chức dạy thí điểm tiếng Anh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. |
Để thực hiện chương trình này, các trọng trách mà Sở và Phòng GD&ĐT được giao là lựa chọn trường tiểu học đủ điều kiện, đăng ký danh sách trường, giáo viên tham gia thí điểm, thực hiện công tác chỉ đạo, bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường tham gia thí điểm.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới các trường tiểu học, THCS, THPT tham gia thí điểm và áp dụng đại trà chương trình tiếng Anh mới vào năm sau, đảm bảo số trường, số học sinh tham gia ngày càng nhiều, học sinh được học liên tục chương trình mới từ tiểu học lên đến THCS và THPT. Tổ chức các tổ chuyên môn tiếng Anh theo trường hoặc cụm trường để các giáo viên có thể liên kết, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Chỉ đạo các giáo viên tham gia giảng dạy thí điểm tự bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm đạt chuẩn TOEFL 550 / IELTS 6.0 vào cuối năm học 2010-2011.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình tiếng Anh tiểu học quy định mục tiêu đầu ra và chỉ dẫn mục tiêu cụ thể từng giai đoạn. Bộ GD&ĐT đã xây dựng bộ tài liệu dạy học tiếng Anh và hướng dẫn thực hiện chương trình. Giáo viên sử dụng bộ tài liệu do Bộ GD&ĐT hướng dẫn và thực hiện theo phân phối chương trình của Bộ để thiết kế và triển khai giảng dạy. Giáo viên có thể sử dụng các loại tài liệu tiếng Anh đã dạy có kết quả ở địa phương để thiết kế và triển khai bài dạy với điều kiện phải đảm bảo được các mục tiêu của chương trình tiếng Anh tiểu học và chất lượng của học sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương với cấp độ A1 của khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ. Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình.
Tại Hội nghị, các trường tham gia thí điểm cũng đã được cấp miễn phí sách giáo khoa và tài liệu bổ trợ phục vụ giảng dạy.
Băn khoăn giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số
Theo quy định, Trường được tham gia thí điểm chương trình này phải dạy 2 buổi/ngày; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc tiếng Anh có hiệu quả; giáo viên thí điểm có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên và đạt yêu cầu trong đợt khảo sát năng lực tiếng Anh do Bộ GD&ĐT tổ chức (ngày 27/8 vừa qua) hoặc có chứng chỉ TOEFL 550 / IELTS 6.0.
Tuy nhiên, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất cũng chính là nỗi băn khoăn của nhiều địa phương, trường khi tham gia thí điểm chương trình này.
Trong số 147 giáo viên được khảo sát chỉ có 28 người đạt được 550 TOEFL; 88 người đạt trên 400 TOEFL. Mặc dù theo quy định, để đủ điều kiện tham gia thí điểm, giáo viên cần có chứng chỉ TOEFL 550,
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm nay sẽ tạm chấp nhận những giáo viên đạt từ 400 điểm TOEFL.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm. Ảnh: gdtd.vn |
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Hiệu trưởng trường tiểu học Phả Lại 2 (thị xã Chí Linh – Hải Dương) bên cạnh niềm vui khi trường mình được chọn thí điểm cho chương trình tiếng Anh tiểu học cũng không dấu nỗi lo lắng. Nỗi lo lớn nhất là về cơ sở vật chất.
Bà Tâm cho rằng để dạy chương trình tiếng Anh đạt kết quả cao nhất, phải có phòng nghe nói riêng, nhưng hiện tại, nhà trường dù đã cố gắng nỗ lực rất lớn nhưng đến nay, phòng này vẫn chưa có. Hiện tại, trường cũng có phòng riêng dạy tiếng Anh nhưng chỉ với các điều kiện trang thiết bị tối thiểu nhất là màn hình ti vi plasma 50 ich, 2 cây máy tính để phục vụ cài đặt phần mềm, máy chiếu, bàn ghế.
Về giáo viên, theo bà Tâm, trường Phả Lại 2 có giáo viên tham gia dạy chương trình thí điểm, 1 trong 2 giáo viên này đã đi tập huấn và đạt yêu cầu.
Bà Tâm cho rằng, giáo viên và cơ sở vật chất cũng là khó khăn chung của nhiều trường. Tuy nhiên, không vì khó khăn mà dừng triển khai chương trình sẽ là thiệt thòi rất lớn cho học sinh và khẳng định, nhà trường sẽ cố gắng nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình để triển khai chương trình một cách hiệu quả nhất. Về kinh phí, dù chưa được cấp, nhưng trường cũng sẽ phát huy nội lực và huy động xã hội hóa giáo dục để chương trình được triển khai hiệu quả.
Là hiệu trưởng một trường tiểu học của Hà Nội đã triển khai thí điểm dạy tiếng Anh tiểu học từ nhiều năm qua, nay lại là phó phòng phụ trách tiểu học của quận Hai Bà Trưng, bà Cao Thị Ngân khẳng định: 3 nhân tố quan trọng làm nên hiệu quả của chương trình là chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất trang thiết bị và sĩ số học sinh trên lớp.
Bà Ngân cho rằng, trẻ học ngoại ngữ nhanh, nếu phương pháp của giáo viên chuẩn sẽ đạt hiệu quả rất cao và ngược lại. Nhưng hiện nay, số lượng giáo viên của chúng ta đạt chuẩn một cách nghiêm ngặt rất ít. Bên cạnh đó là điều kiện phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy học.
Quận Hai Bà Trưng hiện nay chưa đạt 100% học 2 buổi trên ngày cũng là khó khăn trong việc triển khai chương trình. Và, một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa bà Ngân nhấn mạnh là sĩ số học sinh trên lớp không được đông quá 35 học sinh. Việc dạy học tiếng Anh sẽ không thể đạt hiệu quả tốt trong 1 lớp qúa đông học sinh. Tuy nhiên, ở những trường điểm của thành phố Hà Nội, yêu cầu sĩ số 35 học sinh/ lớp rất khó khả thi.
Nhấn mạnh đến khăn đội ngũ, bà Nguyễn Minh Tâm, hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Châu ( Hải Dương) cho rằng, hiện nay chúng ta đào tạo là đào tạo giáo viên dạy THCS, THPT, phương pháp chưa phù hợp với giáo viên tiểu học. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng.
Tuy nhiên, khác với đại biểu đến từ các địa phương có điều kiện, đại diện Lào Cai, ông Đặng Văn Bình, trưởng Phòng GD tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) lại rất tự tin. Ông Bình cho biết, Sở đã có sự chuẩn bị tương đối cho việc tham gia thí điểm mà đầu tiên là việc lựa chọn trường và giáo viên. Hiện, Lào Cai chọn 3 điểm để tham gia chương trình là thành phố Lào Cai, trung tâm huyện Sa-pa và huyện Bắc Hà. 3 trường được chọn đều là những trường đã đạt chuẩn quốc gia và học sinh các trường này đã chọn môn học tiếng Anh từ nhiều năm trước đây. Sở cũng đã chọn giáo viên đạt trình độ ĐH sư phạm ngoại ngữ hệ chính quy, tham gia khảo sát của Bộ và được lựa chọn. Về Sở và Phòng GD&ĐT đã có chỉ đạo theo hệ thống, mỗi cấp đều có chuyên viêc phụ trách.
Tại hội nghị, để giải quyết các khó khăn nêu trên, nhiều đại biểu đã đưa ra các đề xuất tập trung vào kinh phí, việc bồi dưỡng, chế độ cho giáo viên tiếng Anh.
Trước những khuyến nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Bộ sẽ có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho đội ngũ giáo viên tham gia, tuy nhiên, giáo viên phải dựa vào việc tự học để nâng cao trình độ là chính.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần bắt đầu xây dựng lộ trình đào tạo giáo viên. Về kinh phí, chương trình này nằm trong chương trình giáo dục quốc gia nên sắp tới, các trường được thí điểm sẽ có kinh phí phục vụ triển khai chương trình.
Hiếu Nguyễn