Thi ĐH là bước ngoặt quan trọng nên các thí sinh rất cẩn trọng trong việc lựa chọn trường, Ảnh: N.N |
Chỉ chiếm khoảng 5% tổng số hồ sơ
Ghi nhận chung từ đợt thu nhận hồ sơ các sở GD&ĐT phía Bắc ngày 5/5 vừa qua, số lượng thí sinh đăng ký thi khối C chỉ chiếm khoảng 5%. Đơn cử như Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng hồ sơ khối C chỉ chiếm vỏn vẹn 5,2% trong khi khối A chiếm đến hơn 55% , khối D gần 22%, khối B 13%...
Trong tổng số trên 92 nghìn hồ sơ nhận được năm nay, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, khối C chỉ có 8478 hồ sơ, trong khi số hồ sơ khối A là 52.290 bộ, khối B là 21.120 bộ.
Đại diện Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, số lượng hồ sơ khối C mà Sở nhận được trong mấy năm gần đây có xu hướng giảm. Năm nay, sở chỉ thu nhận được 2421 hồ sơ khối C, chiếm chưa đến 5% tổng số hồ sơ. Tương tự, Hải Phòng chỉ có 1.800 hồ sơ khối C trong tổng số hơn 44.368 đăng ký dự thi
Không chỉ đối với các tỉnh phía Bắc, tình trạng vắng vẻ của các hồ sơ khối C cũng tương tự ở phía Nam. Theo Sở GD&ĐT TPHCM, số hồ sơ đăng ký dự thi khối C mà sở nhận được chỉ có 3.000 trong tổng số trên 140 nghìn bộ, kém gần 30 lần so với số hồ sơ khối A. Trong tổng số 24.000 hồ sơ cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM nhận được cũng chỉ có 1.218 bộ hồ sơ khối C.
Một số trường THPT tại Hà Nội cũng cho biết số hồ sơ năm nay trường nhận được đặc biệt ít, như trường THPT Việt Đức thu nhận gần 2.690 hồ sơ nhưng chỉ có 42 bộ hồ sơ thi vào các ngành khối C; trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng chỉ thu nhận được 6 hồ sơ chiếm tỷ lệ chưa đến 1% (năm ngoái số hồ sơ khối này trường nhận được là 20 bộ).
Đầu vào hạn chế
Đầu vào các trường khối C rất hạn chế, cơ hội xin việc sau khi ra trường khó khăn, mức thu nhập thấp là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các ngành khối C ngày càng ít thí sinh.
Thực tế, số lượng các trường thi khối C không nhiều, tính từ các tỉnh miền Trung trở vào, số lượng trường có thi khối C chưa tới 20 trường. Các ngành khối C cũng ít, hấp dẫn chỉ xoay quanh những ngành như Luật, Báo chí, Sư phạm khiến các thí sinh chọn khối này không có nhiều sự lựa chọn. Mặt khác, chỉ tiêu những ngành này rất hạn chế nên điểm trúng tuyển thường cao.
Nhiều thí sinh khối C mơ ước được học ngành Báo chí, tuy nhiên điểm chuẩn ngành này lại thường cao nhất. Trong 3 năm liên tiếp, ngành Báo chí của Học viện Báo chí Tuyên truyền luôn giữ kỷ lục từ 19-21,5 điểm. Tiếp đến là ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ 19,5-21 điểm; ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP HCM) từ 17,5-20 điểm.
Sau ngành Báo chí, Luật và Sư phạm cũng là 2 ngành có điểm chuẩn tương đối cao. Đặc biệt là trường Luật, điểm đầu vào khối C thường cao hơn nhiều so với khối A (ĐH Luật Hà Nội từ 20,5-21 điểm; ĐH Luật TP HCM từ 16-21 điểm; Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ 19-20,5 điểm)...
ĐH Sư phạm Hà Nội luôn dẫn đầu ngành Sư phạm với điểm chuẩn từ 21-23 điểm. Kế đến là ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) từ 17-19 điểm... Trong ngành này, các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý điểm chuẩn thường cao hơn cả. Điểm đáng lưu ý là, trong các trường ĐH sư phạm, điểm trúng tuyển của khối các ngành đào tạo ngoài sư phạm thường thấp hơn điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo sư phạm.
Trong khi đó, các ngành khối C như Nhân học, Triết học, Xã hội học, Thư viện thông tin, Giáo dục học, Lưu trữ học, Văn hóa học, Việt Nam học, Công tác xã hội… điểm chuẩn không cao, hầu hết đều dao động quanh điểm sàn (14 điểm). Tuy nhiên, đây là những ngành không hấp dẫn với các thí sinh có học lực khá trở lên.
Hiếu Nguyễn