Bàn giao hồ sơ cho các trường sáng 5/5. Ảnh: N.N |
Hồ sơ ĐKDT giảm mạnh
Một trong những con số giảm ấn tượng là của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Đại diện sở này cho biết, năm nay, lượng HSĐKDT nhận được là 25.000 HSĐKDT, giảm đến 30% so với năm 2009.
Những sở thường có lượng HSĐKDT lớn như Hà Nội, Thanh Hóa, lượng hồ sơ giảm lên đến con số hàng chục nghìn. Bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm nay, tổng số HSĐKDT Hà Nội nhận được là 159.660 hồ sơ (năm 2009 là 192.816 hồ sơ), giảm 33.156 hồ sơ, tương đương 17,2%. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng tiết lộ con số giảm vào khoảng 14.000 hồ sơ so với năm 2009 (tổng số HSĐKDT của Thanh Hóa năm 2010 là 92.037). Với tổng số hồ sơ nhận được là 57.439, Nam Định cũng giảm hơn 10.000 HSĐKDT so với năm trước.
Hàng loạt các tỉnh khác lượng HSĐKDT đều giảm mạnh như: Ninh Bình nhận được 21.934 hồ sơ, giảm hơn 4000 so với năm 2009; Bắc Giang: 37.480, giảm khoảng 8000; Hải Phòng: 44.368, giảm khoảng 7000; Hưng Yên: 30.782, giảm 8000; Thái Bình: 53.508, giảm khoảng 8000; Hà Nam: 22.000, giảm khoảng 5000; Tuyên Quang: 9689, giảm 2000; Bắc Kạn: 4531, giảm 762...
Duy có Sơn La là tỉnh hiếm hoi số lượng HSĐKDT tăng hơn so với năm trước. Số lượng hồ sơ sở này nhận được năm nay là 14.470, so với tổng số 13.000 HS năm 2009 thì đã tăng thêm trên 1 nghìn bộ.
Giảm HSĐKDT, vấn nạn hồ sơ ảo, nỗi lo lớn của các trường tổ chức thi tuyển dường như đã giảm bớt đáng kể. Biện pháp thu gộp cả lệ phí thi khi ĐKDT cùng với việc tăng lệ phí tuyển sinh của Bộ GD&ĐT dường như đã phát huy tác dụng. Hầu hết đại diện các sở khi được hỏi đều cho rằng, chính việc tăng lệ phí, thu gộp là một nguyên nhân quan trọng khiến thí sinh phải cấn nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi làm hồ sơ, dẫn đến giảm hồ sơ ảo.
Trường top giữa lên ngôi
Những con số sơ bộ cũng cho thấy, các trường top trên dường như không có biến động nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, dòng hồ sơ nghiêng hẳn về phía các trường có điểm chuẩn vừa phải, đặc biệt là những trường có cả 3 hệ trung cấp, cao đẳng và đại học liên thông vì khi đăng ký thi các trường này, học sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn. Một số trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nổi bật như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Thương mại; CĐ Giao thông vận tải... Riêng Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, số lượng hồ sơ đăng ký vào các ĐH, CĐ DL tỉnh này giảm hẳn so với năm trước.
Theo ghi nhận của Sở GD&ĐT Nam Định, trường có số lượng hồ sơ nhiều nhất sở thu nhận được vẫn là những trường có lượng hồ sơ đứng trong tốp đầu của năm 2009. Đó là: CĐ Giao thông vận tải với 3.706 hồ sơ; ĐH Công nghiệp Hà Nội: 3301 hồ sơ; ĐH Nông nghiệp Hà Nội: 2.953 hồ sơ; ĐH Thương mại: 2463 hồ sơ.
Không chỉ ở Nam Định mà nhiều tỉnh thành khác ở khu vực phía Bắc, các trường có tên trên cũng làm mưa làm gió trong mùa tuyển sinh năm nay. Đơn cử như cả tỉnh Thanh, trong khi trường top đầu như ĐH Ngoại thương ở cả 2 cơ sở chỉ có hơn 300 hồ sơ thì trường ĐH Công nghiệp Hà Nội con số này lên tới 5223 bộ; ĐH nông nghiệp Hà Nội (khối A, B) là 3573 bộ; CĐ Giao thông vận tải kém chút ít với 2733 bộ; ĐH Thương mại: 2913 bộ.
Tại Bắc Giang, những trường trên cũng nằm trong số không nhiều trường có lượng hồ sơ trên 1 nghìn: ĐH Công nghiệp HN (3833); CĐ giao thông vận tải (1450); ĐH Nông nghiệp Hà Nội (1581).
Ở Ninh Bình, ĐH Nông nghiệp, ĐH Công nghiệp Hà Nội, CĐ Giao thông vận tải cũng là 3 trường có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất với con số hồ sơ lần lượt là: 1259 – 1712 – 1000 hồ sơ. Tương tự, ở Hưng Yên, ĐH Nông nghiệp Hà Nội đứng đầu với 3538 hồ sơ; ĐH Công nghiệp Hà Nội: 2459 hồ sơ; ĐH Thương mại: 1514. Trong khi đó, không ít trường ảm đạm với duy nhất 1 HSĐKDT thi ĐH Nha trang (CSII), ĐH Kiến trúc TP.HCM. CĐ Công nghiệp Cẩm Phả...
Ở Vĩnh Phúc, ĐH Nông nghiệp cũng một trong những trường nhận được nhiều hồ sơ nhất với 1493 bộ.
Trường “nhà” vẫn hút thí sinh
Cũng theo ghi nhận tại một số sở GD&ĐT, các trường địa phương năm nay trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều thí sinh. Đặc biệt, ở Hải Phòng, trường địa phương chính là những trường có lượng hồ sơ đăng ký cao nhất mà đứng đầu là ĐH Hải Phòng với trên 12.000 hồ sơ; ĐH Hàng hải trên 6000; ĐH Y Hải Phòng, trên 3000; ĐHDL Hải Phòng trên 2000. Vĩnh Phúc cũng tương tự Hải Phòng với sự lên ngôi của các trường tỉnh nhà (CĐ SP Vĩnh Phúc: 2561 hồ sơ; ĐH Hùng Vương: 1232 bộ; ĐHSP II: 2090 bộ).
Trường CĐ KT Y tế Hải Dương năm nay cũng thu hút được 1018 hồ sơ từ các thí sinh tỉnh Hưng Yên; ĐH Hồng Đức có 4159 tỉnh nhà đăng ký dự thi; ĐH Thái Nguyên đứng đầu số hồ sơ ĐKDT của tỉnh Bắc Kạn với 2419 bộ; ĐH Tây Bắc nhận được trên 3000 hồ sơ trong tổng số trên 14 nghìn hồ sơ của Sơn La...
Hiếu Nguyễn