Theo sương khói, ông lại trở về

GD&TĐ - Khi ông rời cõi tạm, có một người thân ở xa không thể về tiễn ông được, đã ngửa mặt lên trời mà than: “Thế là, sương khói đã bay về trời!”. 

Theo sương khói, ông lại trở về
Theo sương khói, ông lại trở về ảnh 1Theo sương khói, ông lại trở về ảnh 2Theo sương khói, ông lại trở về ảnh 3Theo sương khói, ông lại trở về ảnh 4Theo sương khói, ông lại trở về ảnh 5Theo sương khói, ông lại trở về ảnh 6Theo sương khói, ông lại trở về ảnh 7

Vâng, cái ông người còm, tóc trắng, dáng liêu xiêu, mỏng mảnh như sương như khói, ấy vậy mà cứ phần phật phăm phăm lao vào vẽ một đề tài không dễ dàng chút nào: Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Bởi, ông yêu và thủy chung với sự lựa chọn suốt từ thời trai trẻ của mình, cho đến tận lúc gần trút hơi thở cuối cùng. Ông là họa sĩ quân đội Phạm Ngọc Liệu.

Tôi từng được nghe bà quả phụ của họa sĩ  Phạm Ngọc Liệu kể lại: “Anh bị ung thư phổi di căn, đến lúc vào tủy sống thì anh nằm liệt luôn 49 ngày rồi ra đi. 

Một ngày trước cái ngày oan nghiệt đó, thứ Bảy, 15/3/2014, anh nhận được thông báo của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, về việc gửi tranh tham gia hai cuộc triển lãm lớn với đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” trong năm 2014: Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Chị giở thông báo ra, anh còn hỏi “Sao dài thế?”. Chị đọc tóm tắt cho anh nghe và hỏi anh định gửi tranh nào tham gia 2 cuộc triển lãm ấy. Anh lưỡng lự, rồi được vợ động viên, anh đồng ý gửi 2 bức tranh sơn dầu: “Từ Điện Biên đến Hà Nội” và “Đặc khu Rừng Sác”.

Sáng Chủ nhật, 16/3, vừa tỉnh dậy, anh đã hỏi chị: “Em đã chọn xong tranh chưa?”. Chị cười: “Ồ, em chọn ngay hôm qua rồi, như ý anh ấy”. Anh gật đầu mãn nguyện.

Cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, 22 giờ 59 phút ngày Chủ nhật, 16/3/2014, anh không dặn dò gì nữa, yên tâm, nhẹ nhàng, thanh thản ra đi”.

Tôi biết, bà sẽ thực hiện đúng ước nguyện cuối cùng của ông.

Khi tôi đến hỏi chuyện bà để viết về ông, bà ngào nghẹn kể: “Triển lãm sắp diễn ra rồi, lại một lần nữa anh từ trên trời trở về đấy, hiện diện trong tác phẩm của mình. Anh cùng đồng đội đã ngã xuống của anh, về với đồng đội, đồng nghiệp của anh.Đây là lần thứ hai trong năm nay.

Lần đầu cũng thế. Mà cái lần đầu thì lạ lắm, em à. Chị cứ đinh ninh triển lãm 60 năm Điện Biên Phủ thì sẽ khai mạc vào dịp 7/5, tuy nhiên, không nhớ ngày phải nộp tranh. 

Ngày 8/4, không hiểu có phải anh nhắc nhở không mà lúc 14 giờ , chị bấm máy gọi cho họa sĩ Bùi Anh Hùng ở Bảo tàng Lịch sử quân sự VN – người bạn vong niên mà anh Liệu tin tưởng gửi gắm ý tưởng. Hùng tá hỏa: “Chết rồi, cháu quên mất, chiều nay là hạn cuối nộp tranh cô ạ. Cô mang ngay lên 16 Ngô Quyền giúp cháu nhé. Cháu xin lỗi”.

Chị vội vàng hạ tranh, dán nhãn, rồi gọi ô tô chở đi. May mà còn kịp, nếu không, hai cô cháu sẽ ân hận với anh biết nhường nào. Và bức tranh này, sau triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đề nghị được lưu giữ trong bộ sưu tập tranh của Hội”.

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về Triển lãm tranh đầu tiên của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu tổ chức ở Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền năm 2000, tôi thấy có những dòng đáng lưu ý: “Phạm Ngọc Liệu là một trong số rất ít họa sĩ thuộc các quân binh chủng còn tồn tại và đi đến cùng với nghệ thuật.Anh có một vốn sống phong phú, nhất là mảng ghi chép về đề tài chiến tranh và cách mạng. Có thể nói đấy là một kho quý” (Họa sĩ Trần Lưu Hậu).

Họa sĩ Lê Huy Trấp cảm tác bằng mấy câu thơ lục bát:

“Xem tranh đủ biết nhau rồi
Cái chân, cái thiện sáng ngời tâm tư
Phải đâu toán học cộng trừ
Phải đâu cờ bạc lập lờ trắng đen”.
Đạo diễn điện ảnh Trần Vũ thì chỉ có mấy chữ thôi nhưng chứa đựng đầy sự chia sẻ: “Vui rồi Liệu ơi! Ước là được đấy!”.Nhưng có lẽ không mấy ai biết, con đường dấn thân vào hội họa của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu không được mấy thuận lợi, dễ dàng. Tiến sĩ sử học, Đại tá Nguyễn Văn Khoan – người đã có công đầu tạo ra cả một đội ngũ lính văn nghệ của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thông tin, thủ trưởng trực tiếp của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu - kể:“Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngay khi còn là sinh viên mỹ thuật mặc áo lính, anh đã từng vào Quân khu 4 ở Vĩnh Linh, trên Đường 9, sống và vẽ ngay tại các trận địa. 

Là lớp họa sĩ của cuộc kháng chiến lần thứ hai, cùng với các anh Nguyễn Cương, Xuân Hạnh, Thế Dân, Đức Hậu, Trường Lưu… và các chị Nguyễn Thị Sang, Dương Mỹ Bình, Nguyễn Thị Chải, anh đã góp sức dựng nên một triển lãm “Chiến sĩ thông tin vẽ” vào tháng 10/1968. Đây là một sinh hoạt hội họa đầu tiên ở nước ta, của các chiến sĩ thông tin quân đội, mở đầu cho một phong trào vẽ trong toàn quân. 

Lớp họa sĩ - chiến sĩ năm ấy đã hình thành nên “ba thứ quân hội họa” mà các anh chính là lực lượng của “quân địa phương”. Lịch sử ngành mỹ thuật Việt Nam chắc phải ghi nhận cống hiến này của các anh, các chị ấy. Riêng anh Liệu, tấm lòng của anh với bút, với màu thật là chung thủy, trọn vẹn. Cái duyên, cái nợ của anh với hội họa như một số phận rồi…”.

Đó là ở triển lãm năm 2000 của ông. Còn đến Triển lãm “Ký họa thời chiến” vào tháng 4/2009, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới thật sự là một “quả bom thông tấn”, bởi nó là triển lãm cá nhân đầu tiên với chuyên đề này. 

Cái ông người gày còm tóc trắng ấy thực sự bị “bao vây” bởi các nhà báo, cả già, cả trẻ; cả báo viết, báo nói, báo hình. Hơn 50 tờ báo, đài phát thanh, truyền hình có tin bài về triển lãm. Một nhà báo bạn tôi còn mách: Cứ mở google ra mà search “họa sĩ Phạm Ngọc Liệu” sẽ ra cả dãy dài các bài viết. 

Hậu triển lãm, Đài PT-TH Quảng Trị còn kết nối được với các nhân vật trong ký họa 38 năm trước của ông hiện đang sống ở Quảng Trị. Và ông bà đã có một chuyến đi lịch sử để gặp lại những nguyên mẫu ấy, xúc động, chân tình. Kết quả là hai bộ phim tài liệu về ông ra mắt khán giả truyền hình cả nước: “Sắc màu ký ức” của đạo diễn Trần Đăng Mậu – Đài PT-TH Quảng Trị; “Tìm lại người xưa” của đạo diễn Lương Xuân Trường – VTV1. 

Tôi nhớ có lần ông tâm sự: “Đất và người Quảng Trị, với mình, sao quá đỗi thân thương”. Nhà giáo ưu tú Đặng Thuyên – anh phụ trách năm xưa của đội viên Phạm Ngọc Liệu - kể về mối “duyên nợ” của Phạm Ngọc Liệu với mảnh đất đau thương này: “Hơn 50 năm trước, tôi đã được xem tranh “Đôi bờ Hiền Lương” của chú thiếu nhi Phạm Ngọc Liệu. Trong hàng trăm tranh của thiếu nhi Thái Bình hồi đó, tranh của Liệu có hồn nhất. Bức tranh có màu đẹp, đường nét đẹp, nội dung nhiều ý nghĩa nhưng đáng nói nhất là cái hồn của tranh.

Hơn 50 năm sau, tôi lại được xem tranh của Liệu, nay đã là họa sĩ - chiến sĩ.Một thời sống lại. Những ngày khói lửa sống lại. Người của một miền quê sống lại…”

Mới đây thôi, ngày 27/7/2013, 40 tác phẩm hội họa về chiến tranh cách mạng của ông đã làm “quân chủ lực” cho một triển lãm “Tranh và Thơ” của cựu chiến binh phường Văn Quán, quận Hà Đông, nơi ông cùng gia đình sinh sống. 

Rồi ông còn miệt mài vẽ một phác thảo sơn mài khổ lớn cho Bộ Tư lệnh Thủ đô với tên gọi “Đại nghĩa thắng hung tàn”. Chưa hết, ông còn tham gia triển lãm “Hội tụ mùa thu” của các học trò họa sĩ Phạm Viết Song để tri ân thầy, dịp 20/11/2013. 

Không thể ngờ, đó là triển lãm cuối cùng mà ông có tranh tham dự và có mặt trong lễ khai mạc. Bước chân không mỏi đi và vẽ của ông đã dừng lại rồi. Chiếc ghế gấp nhỏ xinh luôn theo ông cũng đã vĩnh viễn gấp lại rồi. Sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn có ông trên những nẻo đường đi thực tế sáng tác do Hội Mỹ thuật phối hợp với các quân binh chủng tổ chức nữa rồi. Sương khói đã bay về trời!

Nhưng, với kho tàng đồ sộ các tranh và ký họa mà ông miệt mài sáng tạo trong suốt những năm tháng của đời mình, tôi tin ông sẽ còn tiếp tục theo khói sương mà trở về để tiếp tục góp tranh trong những triển lãm mỹ thuật sau này. Gần nhất là dịp giỗ đầu ông, tháng 3/2015, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ có một “niệm khúc tháng Ba” về “Họa sĩ quân đội Phạm Ngọc Liệu - Sống và vẽ”.

72 năm trên trần thế, họa sĩ - chiến sĩ Phạm Ngọc Liệu đã sống một đời đáng sống, đầy ý nghĩa.

Tôi rất cảm động khi xem phòng tranh của họa sĩ quân đội Phạm Ngọc Liệu tại Phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Điều làm tôi cảm động nhất không phải là số lượng tranh mà trong cuộc chiến không phải lúc nào, ở đâu cũng có máy ảnh ghi lại. Các họa sĩ đã thay cho các phóng viên ảnh, ghi lại bằng những ký họa. 

Chúng ta đã lấy trí tuệ tài năng của con người thay cho các trang bị hiện đại, nhờ vậy ngày nay chúng ta mới có gần như đầy đủ hình ảnh của nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ trên mọi miền của Tổ quốc. Họ sống, chiến đấu gian khổ ác liệt hi sinh như thế nào để góp phần cho chiến thắng cuối cùng.

Phòng tranh ký họa này đã minh họa sinh động cuộc chiến tranh nhân dân vừa qua. Tôi thật lòng trân trọng cảm ơn họa sĩ Phạm Ngọc Liệu có những tác phẩm này cả trong chiến tranh và sáng tác trong thời bình. Xin cảm phục tấm lòng vì sự nghiệp bảo tàng của anh”.

Đại tướng Lê Văn Dũng – Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (cảm tưởng khi xem triển lãm “Ký họa thời chiến” của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu).

Theo Tin tức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ