Giải pháp phân loại, bồi dưỡng học sinh học lực yếu được nhà trường, giáo viên đặc biệt quan tâm.
Rèn kiến thức, kỹ năng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sớm hơn các năm trước nên công tác ôn tập cũng được thầy, trò lớp 12 khẩn trương thực hiện. Từ đầu tháng 4, việc ôn tập bắt đầu để đảm bảo đủ 10 tuần ôn thi theo kế hoạch. Tùy vào tình hình thực tế, các trường linh hoạt phân chia giai đoạn ôn thi phù hợp. Nhiều trường chia thành 3 giai đoạn: 4 tuần đầu củng cố kiến thức; 4 tuần tiếp theo luyện đề; sau đó sẽ tổ chức thi thử; 2 tuần còn lại để củng cố, bổ sung những phần kiến thức còn thiếu, yếu sau kỳ thi thử.
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức thi thử lần 1 cấp cụm trường. Tham gia thi thử, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 6.024 học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm GDTX - hướng nghiệp tỉnh, trung tâm GD nghề nghiệp - GDTX huyện, thị xã. Trong đó có 5.695 học sinh hệ GD phổ thông và 329 học viên hệ GDTX.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bạc Liêu, tổ chức thi thử giúp học sinh làm quen với không khí trường thi. Qua đó thầy, trò rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức còn thiếu trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Thi thử còn giúp các trường tập dượt công tác tổ chức; kịp thời điều chỉnh, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót khi tổ chức kỳ thi chính thức.
Đảm bảo công tác ôn thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả, Phòng Giáo dục Trung học - GDTX (Sở GD&ĐT Bến Tre) đã khảo sát chuyên môn cấp THCS, THPT và kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Qua khảo sát, một số đơn vị đã chủ động bố trí cho học sinh học 2 buổi/ngày để tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức theo năng lực.
Tại Trường THPT Đoàn Thị Điểm (huyện Thạnh Phú, Bến Tre), sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường xây dựng kế hoạch tăng tiết ôn tập. Theo thầy Hiệu trưởng Phan Văn Phúc, trong quá trình ôn tập thi tốt nghiệp THPT, trường chú trọng rà soát, phân chia học sinh yếu, kém để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm theo dõi, động viên, hỗ trợ kịp thời khi học trò gặp khó khăn.
Tùy theo đặc trưng của từng môn học, nhà trường, giáo viên đưa ra chiến lược ôn tập cho phù hợp, trong đó chú trọng bám sát tài liệu sách giáo khoa lớp 11, 12. Với các môn Khoa học xã hội, phương pháp ôn tập chủ đạo là tái hiện, nắm chắc kiến thức căn bản, vận dụng, liên hệ thực tiễn để giải quyết vấn đề đặt ra trong bài thi. Với các môn Khoa học tự nhiên, học sinh cần nắm lý thuyết, vận dụng công thức giải các bài tập…
Thầy Chung Phước Trực, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết: Khi ôn tập, giáo viên và học sinh cùng nhau hệ thống lại lý thuyết căn bản bằng sơ đồ tư duy cũng như bảng biểu ở từng chương, bài học. Từ những kiến thức ôn tập, học sinh vận dụng làm bài tập trắc nghiệm từ dạng cơ bản tới nâng cao. Bên cạnh đó, các em được luyện dạng đề tổng hợp để rèn kỹ năng làm bài, phân bố thời gian hợp lý…
Cô trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) trong giờ ôn tập môn Ngữ văn. |
Quan tâm học sinh yếu
Củng cố, bổ sung những phần kiến thức còn thiếu, yếu cho học sinh là công việc quan trọng trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, sở và các cơ sở giáo dục phổ thông đang linh hoạt, nỗ lực hết mình, quyết tâm nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Đặc biệt, các trường chú ý quan tâm, xây dựng kế hoạch giúp đỡ học sinh lớp 12 có học lực yếu, kém để các em có đủ kiến thức, tự tin tham gia kỳ thi. Bên cạnh công tác ôn tập, nhà trường dành thời gian trao đổi, chia sẻ, giải đáp thắc mắc, đặc biệt là nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng để kịp thời tháo gỡ với phương châm không để học sinh nào phải chịu thiệt thòi, không thể tham dự kỳ thi. Việc tổ chức, sắp xếp thời gian ôn tập cho học sinh khoa học, phù hợp, tránh gây quá tải, áp lực để đạt hiệu quả tốt nhất…
Thông qua kỳ kiểm tra giữa học kỳ II, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã lọc ra những học sinh hổng kiến thức, tiếp thu chậm để theo sát và tăng cường ôn tập. Theo thống kê của Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang), toàn trường có 114 học sinh lớp 12.
Qua khảo sát bước đầu có khoảng 4% học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT. Theo cô Cao Châu Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, với em học sinh học lực trung bình, yếu kém, khi dạy học và ôn tập, giáo viên đặc biệt quan tâm xem hổng kiến thức chỗ nào, hoặc chưa làm được bài nào. Từ đó dành thời gian để giảng lại kiến thức, hướng dẫn các em làm bài tập phù hợp năng lực, để có thể thi đỗ tốt nghiệp THPT.
Trường THPT Tư thục Ấp Bắc (Tiền Giang) đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ học sinh học lực yếu kém ôn thi tốt nghiệp THPT. Qua thống kê, toàn trường có 122 học sinh lớp 12, số học sinh đỗ tốt nghiệp khoảng 50% đến 70%; còn lại phải đặc biệt quan tâm chăm lo, giúp đỡ, bồi dưỡng kiến thức. Về giải pháp, theo lãnh đạo nhà trường, ngay từ đầu năm học, trường đã bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán các bộ môn để ôn tập cho học sinh, tập trung truy bài; tăng cường kết hợp giữa nhà trường và gia đình, hướng đến mục tiêu giúp các em có kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.