Tại các nước Đông Nam Á, dịch vụ giao nhận đồ ăn GrabFood được vận chuyển bằng xe máy, ngoại trừ Singapore dùng xe đạp là phương tiện vận chuyển. Ở Việt Nam, sau 3 tháng triển khai ứng dụng này tại TP.HCM, số lượng đơn hàng giao nhận đồ ăn GrabFood tăng 2 - 3 lần.
Tại Hà Nội, tính đến đầu tháng 10, số lượng đối tác kinh doanh của dịch vụ giao nhận thức ăn này cũng tăng 8 lần. Lợi thế lớn nhất của GrabFood là lực lượng đông đảo với hàng nghìn đối tác lái xe GrabBike.
Ông Jerry Lim - Tổng Giám đốc Grab Việt Nam - nói: "Đối với khách hàng, tốc độ giao hàng là một yếu tố rất quan trọng. Còn đối với các nhà hàng, quán ăn, chúng tôi cung cấp cho họ một công cụ quảng cáo hiệu quả, giúp đưa thương hiệu của mình tiếp cận với lượng khách hàng đông đảo sẵn có đang sử dụng ứng dụng Grab".
Lalamove - một startup vận chuyển giao nhận hàng hoá đến từ Hong Kong (Trung Quốc) - đã đặt mục tiêu có 10.000 đối tác tài xế giao hàng thường xuyên tại Việt Nam.
Hiện dịch vụ giao nhận đồ ăn bằng xe máy đang chiếm hơn 60% các đơn hàng của ứng dụng này. Sự khác biệt lớn nhất của ứng dụng là việc cung cấp giải pháp "giao nhận hàng siêu tốc" cho các nhà hàng, quán ăn và đảm bảo được chất lượng khi giao nhận.
Ông Nguyễn Đức Lợi - Giám đốc Điều hành Lalamove Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi sẽ đưa ra những tiện ích tốt nhất của tài xế và các thùng giữ nhiệt để đảm bảo giữ nhiệt đồ ăn được 2 tiếng đồng hồ".
Không chỉ có các tên tuổi từ nước ngoài, mà VietNammm, FoodPanda.vn hay DeliveryNow cũng đang là những cái tên từ các ứng dụng Việt được nhắc đến nhiều tại thị trường gọi đồ ăn.
Tuy nhiên, cuộc đua giữa các hãng giao hàng công nghệ với các doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực này rất có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới giống như cuộc đua của các hãng gọi xe công nghệ. Và người tiêu dùng sẽ là những người được hưởng lợi lớn nhất trong cuộc đua này.