Bổ sung các trường hợp đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Nghị định số 61/2020/NĐ-CP bổ sung các điều kiện và điều khoản thi hành chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, bổ sung 3 trường hợp được coi là người đang đóng BHTN gồm:
Người lao động (NLĐ) đã đóng BHTN của tháng chấm dứt HĐLĐ/HĐLV và được xác nhận trên sổ BHXH;
NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ/HĐLV việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng và được xác nhận trên sổ BHXH;
NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ/HĐLV hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ/HĐLV mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị (không bắt buộc phải hưởng trợ cấp BHXH).
Ngoài ra, bổ sung quy định về thời gian đóng BHTN được cơ quan BHXH xác nhận bổ sung trường hợp NLĐ đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), sau khi chấm dứt hưởng TCTN mới được cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHTN thì thời gian này được xác định là thời gian đóng nhưng chưa hưởng TCTN.
Sửa đổi, bổ sung số lao động cắt giảm để đáp ứng điều kiện được hỗ trợ:
Từ 30 LĐ trở lên đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có sử dụng dưới 200 LĐ;
Từ 50 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng từ 200 - 1000 LĐ; Từ 100 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng trên 1000 LĐ.
Không kể LĐ giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 01 tháng.
Bổ sung trường hợp được coi là bất khả kháng để được hỗ trợ: Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh.
Bỏ quy định về thời hạn chuyển nơi hưởng TCTN: NLĐ đang trong thời gian hưởng TCTN mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng TCTN thì được chuyển hưởng TCTN.
Hỗ trợ học nghề
Nghị định 61/2020/NĐ-CP bổ sung trường hợp NLĐ đang hưởng TCTN mà có nhu cầu học nghề tại địa phương không phải nơi đang hưởng TCTN thì vẫn được hỗ trợ học nghề
Bổ sung trường hợp khóa đào tạo nghề đã khai giảng trước thời điểm ban hành quyết định về việc HTHN nhưng tối đa không quá 1 tháng kể từ ngày ban hành quyết định thì NLĐ vẫn được hỗ trợ khi tham gia khóa học nghề đó nếu cơ sở đào tạo nghề nghiệp đảm bảo dạy bù đầy đủ kiến thức của khoảng thời gian trước khi NLĐ tham gia học nghề.
Sửa đổi, bổ sung thời hạn ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề: từ 15 ngày làm việc nâng lên 20 ngày làm việc. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xác định cụ thể nghề, thời gian hỗ trợ học nghề, thời điểm bắt đầu học nghề, mức hỗ trợ học nghề, cơ sở đào tạo nghề nghiệp để trình Giám đốc Sở LĐ-TB&XH quyết định việc hỗ trợ học nghề cho NLĐ.
Thời điểm bắt đầu học nghề của NLĐ là thời điểm sau khi ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề nhưng không quá 3 tháng kể từ ngày ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề đối với trường hợp không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và không quá 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nghị định 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020.