Đây là thời điểm mà Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHNT) phát huy vai trò “giảm sốc” của mình đối với thị trường lao động nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.
Đào tạo tại doanh nghiệp gắn với trường nghề
Quỹ BHTN đặc biệt hiệu quả trong vai trò hỗ trợ người lao động thất nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động. Phương thức thực hiện sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo lại bao gồm: Doanh nghiệp đã đóng đủ BHTN từ 12 tháng trở lên; Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và có nguy cơ phải cắt giảm lao động; Không đủ kinh phí tổ chức đào tạo; Có phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, được Sở LĐ-TB&XH phê duyệt. Dự kiến thời gian hỗ trợ là 3 tháng, ước tính sẽ có từ 35 - 70 nghìn doanh nghiệp, 500 nghìn - 1 triệu lao động được hỗ trợ đào tạo.
Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề, thì phải nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề của người lao động để xác định cụ thể nghề, thời gian học nghề, thời điểm bắt đầu học nghề, mức hỗ trợ học nghề, cơ sở đào tạo nghề để trình Giám đốc Sở LĐ-TB&XH quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động.
Vai trò “giảm sốc “ cho thị trường lao động
Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học, nhưng không quá 6 tháng.
Trong thời điểm hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động, thì Quỹ BHTN được sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lại cho người lao động.
Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Quỹ BHTN là thể chế giúp thị trường lao động “giảm sốc” khi gặp rủi ro. Đây chính là giá đỡ mà tất cả các thị trường lao động hiện đại trên thế giới đều quan tâm xây dựng. BHTN chính là bảo hiểm việc làm, gắn liền với thị trường lao động và gắn với quản lý Nhà nước về lao động. Các chính sách BHTN nhằm trợ cấp thất nghiệp, thay thế một phần thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, BHTN hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, người thất nghiệp… hỗ trợ tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, để họ có thể tiếp tục quay lại thị trường lao động, tìm việc làm mới.
Sau hơn 11 năm thực hiện, nhất là sau khi chính sách BHTN được thực hiện theo Luật Việc làm, BHTN đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nếu như năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHNT thì đến năm 2019, cả nước có 13,4 triệu người tham gia BHNT, chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Gần 6 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 190 nghìn người được hỗ trợ học nghề.