![]() |
Mô hình khách sạn SV thuộc ĐH DL Hải Phòng |
Nhu cầu rất lớn
Theo ông Ngô Văn Minh, Trưởng phòng Hành chính Công tác sinh viên - Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội: Nhu cầu của sinh viên được ở KTX là rất lớn và nhà trường cũng mong muốn như vậy để tiện trong việc quản lý, tạo điều kiện tốt hơn cho các em tham gia các sinh hoạt tập thể, học tập. Tuy nhiên đến nay với KTX Mễ Trì và KTX Đại học Ngoại ngữ cũng chỉ đáp ứng tối đa vào khoảng 35% nhu cầu ở cho sinh viên. Năm nay KTX Mễ Trì đã dành 500 phòng cho sinh viên hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học KHXH&NV, con số này không đáng kể vì nhu cầu ở KTX của các em lớn hơn thế nhiều. Thế nên chúng tôi chỉ dành những xuất ở này cho sinh viên là con em gia đình chính sách, con thương binh liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hay con em đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa.
Còn ở Đại học Bách khoa Hà Nội, năm học 2009 – 2010 này với 3.700 chỉ tiêu tuyển sinh mới, thì có 2.700 sinh viên ngoại tỉnh, đa số các em đều có nhu cầu ở trọ. Dù đã cố gắng hết sức nhưng KTX của trường cũng chỉ dành tối đa được 100 phòng cho 930 sinh viên khoá mới. Tuy nhiên có một điểm khác biệt là do Đại học Bách khoa Hà Nội có ít sinh viên nữ nên nhà trường cũng có chế độ ưu tiên dành cho toàn bộ nữ sinh nếu có nhu cầu ở KTX đều được giải quyết (không nhất thiết phải là sinh viên thuộc diện ưu tiên). Như vậy, số chỗ ở trong KTX cũng chỉ đáp ứng được vào khoảng 20% nhu cầu, số còn lại không có cách gì khác là phải ra ngoài thuê phòng trọ. Nếu gia đình em nào nhanh chân thì có thể thuê được địa điểm gần trường, nhưng số phòng này cũng hiếm và các sinh viên cũ, sinh viên các trường khác trong khu vực cũng có nhu cầu thuê lớn, thế nên nếu gia đình nào mà không lo sớm thì đành phải để con thuê nơi trọ học khá xa vào năm học đầu tiên. Điều này không phải ai cũng có kinh nghiệm để mà lo trước.
Một trong những lý do để áp lực KTX của các trường trong khu vực phía Nam giảm nhiệt hơn phía Bắc chính là việc hình thành các KTX của các tỉnh cho sinh viên học tại thành phố như KTX của tỉnh Đồng Nai, KTX của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên các KTX này cũng vẫn chỉ ưu tiên giải quyết cho sinh viên thuộc các đối tượng chính sách. Để phần nào giải toả nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, năm học này Trung tâm Quản lý KTX phối hợp với Công ty Hưng Á đưa vào sử dụng khoảng 1.000 chỗ ở tại khu KTX xã hội hóa. Đây được coi là cách làm hợp lý trong thời điểm này, khi mà Nhà nước chưa đáp ứng được thì việc xã hội hoá sẽ góp phần giải quyết thêm nhiều chỗ ở cho sinh viên hiện nay.
Nỗ lực từ địa phương
Mới đây UBND Thành phố Hà Nội đã thông báo tiến hành một số dự án nhằm giải quyết triệt để vấn đề về nhà ở cho sinh viên. Cụ thể là ngày 26/8, UBND Thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với các trường đại học trên địa bàn Hà Nội về việc xây nhà ở cho sinh viên theo Nghị quyết 18/NQ - CP của Chính phủ. Và đã có 10 trường đại học đăng kí tham gia là Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thuỷ lợi, Đại học Bách khoa, Đại học Điện lực, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Đại học Dược và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia. Theo đó, có những trường sẽ trình dự án xây KTX ở ngay trong khuôn viên của trường như Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại thương, Đại học Dược Hà Nội… Như Đại học Bách khoa Hà Nội đang triển khai dự án xây 2 toà nhà có sức chứa 7.000 - 8.000 sinh viên. Còn Trường Đại học Ngoại thương cũng đang tích cực thực hiện một dự án xây kí túc cho sinh viên.
Nhấn mạnh về quyết tâm triển khai các chương trình xây nhà ở cho sinh viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Phí Thái Bình cho biết: Chính phủ dự kiến bố trí trên 600 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ năm 2009 cho Hà Nội xây nhà ở cho sinh viên. Đây sẽ là nguồn vốn chung cho các dự án nhà ở sinh viên do UBND thành phố thực hiện và các dự án do các trường thực hiện. Như vậy, các trường nằm bên ngoài nội thành hoặc có đề án xây dựng cơ sở 2 bên ngoài nội thành như Đại học Nông nghiệp, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thuỷ lợi, Đại học Điện lực… cần phải đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để sớm triển khai hiệu quả. Còn đối với các trường trong nội thành quỹ đất còn có thể xây dựng kí túc xá, Hà Nội đã đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các trường còn xây dựng kí túc xá trong khuôn viên thuộc nội thành. Thành phố sẽ xem xét khuôn viên đó có điều kiện để bố trí kí túc xá hay không và sẽ tạo điều kiện giải quyết các thủ tục về qui hoạch, xây dựng, triển khai dự án… một cách nhanh nhất. Trước hết, nhằm thực hiện giải pháp đẩy KTX ra 4 hướng, thuộc các khu vực vành đai 3, vành đai 4. Hà Nội đã cho xây dựng các dự án KTX tại Pháp Vân - Tứ Hiệp (3,7ha đáp ứng 22.000 sinh viên), Mỹ Đình 2 (1,7ha, đáp ứng 8000 sinh viên), Xuân Đỉnh - Cổ Nhuế (trên 2ha, đáp ứng trên dưới 10. 000 sinh viên) và Đồng Mai (dự án lớn nhất, lên tới 40 - 50ha). Ngoài ra, thành phố dự kiến tìm thêm đất ở Từ Liêm, Hoài Đức, Bắc sông Hồng để triển khai những dự án khác. Theo như thông báo, các dự án tại Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình 2, Xuân Đỉnh - Cổ Nhuế dự kiến sẽ khởi công trong tháng 9 này, việc xây dựng sẽ được tiến hành dồn dập để có thể bắt đầu bàn giao vào tháng 6/2011. Song song với đó, hệ thống giao thông cũng sẽ được xây dựng với các tuyến tàu điện, xe buýt sẽ được bố trí trên các trục giao thông để giúp cho sinh viên có thể di chuyển thuận lợi.
Còn tại Thái Nguyên là địa phương tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, THCN và dạy nghề, chỉ đứng sau Hà Nội và Tp.HCM. Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho sinh viên, Thái Nguyên sẽ tập trung triển khai các dự án nhà ở xã hội dành cho sinh viên theo hai giai đoạn, 2009 - 2010 và 2011 - 2015. Trong đó, ngay giai đoạn 1, các cơ sở đào tạo của tỉnh đã được đầu tư khoảng 600 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác huy động từ địa phương. Thời điểm này Dự án cụm nhà ở sinh viên Đại học Thái Nguyên cũng đang được triển khai. Theo đó, sẽ có 15 khối nhà ở 5 tầng, với tổng diện tích xây dựng gần 35.000m2, với số vốn đầu tư 230 tỉ đồng. Năm học này, Đại học Thái Nguyên có 19 đơn vị thành viên với khoảng 70 nghìn sinh viên. Trong khi đó, số ký túc xá hiện nay của trường chỉ đáp ứng được khoảng 17-18% và đều có tuổi thọ trên 20-30 năm, số sinh viên còn lại đều phải ra ngoài thuê, không bảo đảm điều kiện học tập. Khi cụm công trình này được đưa vào sử dụng, sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng trên 5.000 học sinh - sinh viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Bắc Hà