Thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Rắn xuất hiện không chỉ ở vùng nông thôn mà còn ở cả thành phố, số người bị rắn cắn cũng tăng khiến người dân hoang mang.
Theo số liệu tổng hợp của khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, trong tháng 10 và 11/2014, khoa đã tiếp nhận, điều trị cho 37 bệnh nhân bị rắn cắn. Chỉ trong vòng nửa tháng, từ ngày 1/12 đến 14/12, có thêm 20 ca nhập viện điều trị tại khoa do rắn cắn. Trong đó, phần nhiều là bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Nạn nhân mới nhất bị rắn lục đuôi đỏ cắn là chị Đào Thị Thừa (45 tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn). Sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở tay trái sáng 13/12, chị Thừa được đưa đến khoa Nội Tổng hợp- Bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu.
Theo các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp, phần lớn bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đã vào viện sớm, được truyền huyết thanh kháng nọc rắn để chống độc. Nhờ được chữa trị kịp thời nên không có trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng.
Trong khi đó, tại khoa Nội Tổng hợp- Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), 2 tháng qua số ca bệnh nhận nhập viện tăng cao so với các thời điểm khác. Bác sĩ Phan Long Nhơn, Trưởng khoa, cho biết: “Số ca nhập viện do rắn cắn chủ yếu là dân ở các huyện miền núi An Lão và Hoài Ân. Trong số những nạn nhân được đưa đến đây điều trị, nhiều ca bị nặng có hiện tượng xuất huyết toàn thân, thậm chí tiểu ra máu”.
Theo “chuyên gia” săn rắn Nguyễn Văn Điểu (54 tuổi, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn): “Rắn lục đuôi đỏ thường ở những bụi rậm um tùm như bụi tre, hàng rào, nhiều nhất là vùng nông thôn. Nếu vô tình dẫm phải nó là bị nó cắn ngay. Trước đây, rắn lục đuôi đỏ cũng có nhưng ít chứ không nhiều như bây giờ. Thời gian qua, có đêm tôi bắt cả 4-5 con. Rắn lục đuôi đỏ được bán cho những người bị bệnh phong ngứa làm thịt ăn trị bệnh”.