Cuốn sách Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế dày 220 trang, có lẽ là cuốn sách nghiên cứu về hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế đầy đủ nhất từ trước đến nay.
Sách đề cập đến các vấn đề: Từ công chúa ở Thăng Long đến Bắc cung hoàng hậu ở Phú Xuân, Giá trị các tác phẩm do bà viết như “Văn tế vua Quang Trung”, “Ai tư vãn” và các tác phẩm khác.
Ngoài ra cuốn sách còn đề cập đến các vấn đề khác như số phận của hai người con là công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức. Đặc biệt sách đưa ra những thông tin hai chiều về cuộc đời của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và những cứ liệu hướng đến “bác bỏ vĩnh viễn” những thông tin sai trái về Lê Ngọc Hân.
Đồng thời cố gắng giải quyết các vấn đề tồn nghi một cách thấu triệt như việc Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân có làm vợ vua Gia Long không? Bà qua đời vào năm nào? Số phận 2 người con của bà…
Một vấn đề hết sức quan trọng là tác giả đã đưa ra nhiều chứng cứ để khẳng định Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân viết tác phẩm “Ai tư vãn” ở chùa Kim Tiên và cũng tại ngôi chùa này bà đã qua đời.
Cuộc đời của Ngọc Hân Công chúa với Nguyễn Huệ-Quang Trung là cả một thiên tình sử đẹp. Vậy nhưng sau này, nàng công chúa trung trinh, tài sắc vẹn toàn của đất Thăng Long đã phải gánh nhiều “nghi án”, chịu nhiều hàm oan của miệng lưỡi thế gian.
“Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế” của Nguyễn Đắc Xuân với những nghiên cứu công phu, những tư liệu tin cậy, những luận giải logic đã góp phần làm sáng tỏ các nghi án và giải tỏa những hàm oan cho Bà.
Năm 2014 này chuẩn bị kỷ niệm tròn 215 năm ngày Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời. “Tôi viết cuốn sách để đặt vấn đề chùa Kim Tiên nên có một bát hương phụng thờ Bà.
Đến mồng 8 tháng 11 âm lịch hàng năm có một mâm cơm cúng giỗ Bà để đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước về thắp hương tưởng nhớ.
Bởi lẽ, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã sống ở Kim Tiên, sinh 2 người con cho vua Quang Trung ở Kim Tiên, viết điếu văn khóc Hoàng đế Quang Trung ở Kim Tiên, sáng tác Ai tư vãn ở Kim Tiên và qua đời cũng tại chùa Kim Tiên.
Trên toàn cõi Việt Nam này, không có một nơi nào liên quan đến cuộc đời Bà, ghi dấu đậm nét, mang tính lịch sử, có ý nghĩa sâu sắc bằng chùa Kim Tiên ở Huế”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định.
Cùng với cuốn “ Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Cuốn sách này thêm một lẫn nữa khẳng định dấu tích cung điện Đan Dương tọa lạc giữa khu vực các chùa Thiền Lâm, Vạn Phước, Diệu Đức, Kim Tiên ở hai bên bờ suối Tiên, thuộc phường Trường An TP. Huế ngày nay.