Thêm diễn viên Lê Bê La cổ xúy dùng địa long chữa Covid-19, chuyên gia phản ứng gay gắt

GD&TĐ - Sau Angela Phương Trinh, trong nhiều bài viết đăng tải trên trang cá nhân, Lê Bê La đã có những chia sẻ liên quan đến việc địa long (giun đất) có tác dụng chữa được Covid-19.

Gần đây, những thông tin cho rằng địa long (giun đất) có tác dụng chữa khỏi Covid-19 đã được nhiều người chia sẻ, đặc biệt trong số đó còn có những người nổi tiếng như Angela Phương Trinh và mới đây là diễn viên Lê Bê La.

Lê Bê La là nữ diễn viên được nhiều người biết tới qua các bộ phim như Cổng mặt trời, Ở lại thế gian, Hoa nắng, Người tình bí ẩn...

Trong nhiều bài viết trên trang cá nhân của cô gần đây đã có những chia sẻ liên quan đến việc địa long (giun đất) có tác dụng chữa được Covid-19.

Nữ diễn viên Lê Bê La.

Nữ diễn viên Lê Bê La.

Theo đó, facebook diễn viên Lê Bê La chia sẻ: “Dùng địa long đều thì xét nghiệm luôn âm tính với Covid-19, nếu đã nhiễm virus rồi thì dùng địa long sẽ âm tính nhanh trong vài ngày, ngăn không cho phát bệnh tử vong".

Ngoài ra, nữ diễn viên còn thông tin rằng, dùng địa long trước khi tiêm vắc xin thì sẽ an toàn không bị sốc hay rủi ro tính mạng. "Nên khuyên bảo nhau hiểu và dùng địa long để bảo vệ an toàn tính mạng trong dịch bệnh khốc liệt này, nhất là chủng Covid Delta đang đánh bại cả thế giới. Nên nuôi nhiều địa long trong nhà để làm thuốc, làm thực phẩm cứu đói và phóng sinh địa long về với thiên nhiên".

Nữ diễn viên này cho rằng, có những người không tin, nhưng có những người nghe cả nhiều phía họ sẽ tự tìm hiểu, thấy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn họ sẽ tin; quan trọng nhất là những người trong cơn nguy khốn, bế tắc khi bệnh viện quá tải như hiện nay, họ “có bệnh thì vái tứ phương”, chỉ cần một tia hy vọng họ cũng muốn thử, thì việc nói họ biết rất cần thiết. Trăm nghìn người chửi mà có 1 người được cứu cũng hạnh phúc lắm rồi".

Thêm diễn viên Lê Bê La cổ xúy dùng địa long chữa Covid-19, chuyên gia phản ứng gay gắt ảnh 2

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam – Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, địa long là giun đất, trong nông nghiệp là một sản phẩm được chế biến làm thức ăn cho chăn nuôi. Trong Đông y, giun đất được chế biến làm thuốc được gọi với tên là Địa long.

Tác dụng chính của địa long là phòng chống co giật, hạ sốt, điều trị khó thở trong các trường hợp hen phế quản, trị co giật trong bệnh động kinh, giúp huyết lưu thông tốt hơn, giảm đau nhức…

Hiện nay các thầy thuốc Đông y sử dụng địa long trong điều trị, nhưng không dùng đơn thuần một vị thuốc địa long mà tùy theo thể bệnh, tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, giai đoạn bệnh mà chúng tôi kết hợp vị thuốc địa long với các vị thuốc khác để điều trị.

Về tác dụng của địa long đối với Covid-19, hiện nay chưa có bất kỳ một nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng của địa long trong điều trị Covid-19.

Thực tế lâm sàng điều trị, các thầy thuốc Đông y thường hay dùng địa long điều trị khó thở trong hen suyễn. Địa long có trong thành phần bài thuốc điều trị hen. Ngoài địa long, còn dùng thêm các vị thuốc khác như cam thảo, cát cánh, trần bì, bán hạ… để điều trị hen.

Về bản chất, địa long có tác dụng đối với cơ trơn phế quản, làm giảm co thắt cơ trơn phế quản. Trong khi bệnh lý Covid-19, bệnh nhân bị viêm phổi, các phế nang cùng tiểu phế quản bị viêm, gây đông đặc phổi, làm phổi mất chức năng, dẫn đến khó thở và giảm bão hòa oxy máu chứ không phải chỉ là bệnh lý co thắt phế quản như trong hen suyễn.

Do vậy bản chất hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Vì vậy không nên tùy tiện sử dụng, mà cần có những nghiên cứu và đánh giá bài bản về tác dụng của địa long đối với bệnh Covid-19.

Trao đổi trên Báo Sức khỏe&Đời sống về tác dụng chữa Covid-19 của địa long, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh, vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt sức khỏe của người dân trong dịch bệnh Covid-19 là vô cùng quan trọng. Vì vậy những thông tin liên quan đến sức khỏe của cộng đồng rất nhạy cảm nên cần phải hết sức thận trọng. 

Những người nói về cách chăm sóc sức khỏe của  người dân phải là những người có chuyên môn, có trách nhiệm, thẩm quyền... Những người không có chuyên môn về y tế, y học cổ truyền mà đưa những thông tin về điều trị bệnh là không nên.

Do không có chuyên môn nên những thông tin của họ đưa ra sẽ không đầy đủ, đôi lúc phiến diện, không có cơ sở khoa học khiến người dân hiểu không chính xác, gây hoang mang, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.

Hơn nữa, nếu người dân tin tưởng vào những thông tin không chính thống này và làm theo sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết trên thị trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ