Thêm bước tiến tích cực

GD&TĐ - Ở vòng đàm phán thứ hai về vấn đề hạt nhân, Mỹ và Iran đã tiếp được đà tiến triển gây dựng được ở vòng đàm phán trước đó.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cả diễn biến lẫn kết quả của vòng đàm phán này đều cho thấy hai bên hài lòng và lạc quan để tiến xa hơn ở những vòng đàm phán tiếp theo.

Sau vòng đàm phán thứ hai diễn ra tại thủ đô Roma của Italy vẫn với vai trò trung gian của Bộ trưởng Ngoại giao Oman, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi thỏa thuận sẽ gặp lại nhau vào ngày 26/4 tới tại Oman. Trước đó, họ tiến hành các cuộc gặp cấp kỹ thuật để soạn thảo khuôn khổ một thỏa thuận liên quan giữa hai bên.

Phía Mỹ đánh giá diễn biến và kết quả vòng thương thảo kéo dài 4 giờ giữa hai bên ở Roma là “tiến triển rất tốt đẹp”. Còn phía Iran cho biết, hai bên đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn và thống nhất về một số nguyên tắc, mục tiêu cho thỏa thuận mà hai bên đang hướng tới. Sau bao nhiêu năm đối địch quyết liệt mà chỉ qua có 2 vòng đàm phán vừa gián tiếp vừa trực tiếp đã đạt được kết quả như trên thì không gây bất ngờ làm sao được!

Điều đáng được chú ý đến ở diễn biến, kết quả vòng đàm phán thứ hai là Mỹ và Iran đều tỏ ra kiên định thiện chí và quyết tâm chính trị đạt được thỏa thuận mới về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Mục đích của họ rõ ràng không phải là khôi phục hoàn toàn hiệu lực của thỏa thuận đã được Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran ký kết vào mùa Hè năm 2015, mà là một thỏa thuận hoàn toàn mới, có thể dựa trên thỏa thuận trước.

Năm 2018, ông Trump đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận ký hồi năm 2015. Vì thế, bây giờ, chắc chắn phía Iran sẽ yêu cầu trong thỏa thuận mới với Mỹ phải có những quy định cụ thể để đảm bảo là thay đổi chính quyền ở nước này không hủy hoại thỏa thuận sẽ đạt được giữa Mỹ và Iran. Tức là không để cho Mỹ lặp lại việc đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận như ông Trump đã hành xử hồi năm 2018.

Những điều kiện tiên quyết của Iran là quốc gia này vẫn có quyền theo đuổi chương trình hạt nhân phục vụ mục đích dân sự hòa bình và Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn mọi biện pháp chính sách bao vây, cấm vận, trừng phạt họ. Qua vòng đàm phán thứ hai vừa qua có thể thấy dường như phía Mỹ đã thuận về nguyên tắc đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi này của phía Iran.

Đổi lại, phía Iran có vẻ như đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Mỹ là không chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân; giảm đáng kể mức độ làm giàu Uranium từ khoảng 60% xuống 3,67% như đã quy định trong thỏa thuận năm 2015; chấp nhập quy trình, cơ chế giám sát và thanh tra ngặt nghèo hơn của bên ngoài.

Những gì mà Mỹ và Iran đã đạt được trong đàm phán đến nay rất đáng khích lệ đối với cả hai bên cho dù vẫn còn chưa đầy đủ, bền vững và cơ bản để không bị đảo ngược trong những vòng đàm phán tới. Hai bên đã tạo nên được sự khởi đầu thuận lợi và đà tiến triển quan trọng. Nếu kiên định thiện chí và quyết tâm thì việc đạt được thỏa thuận mới có được triển vọng rất thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ