Thêm bê bối rúng động chính trường Hàn Quốc

GD&TĐ - Hai lãnh đạo ngành tình báo Hàn Quốc, từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye, đã bị bắt vì cáo buộc đã điều chuyển trái phép hàng chục ngàn dollar hàng tháng từ ngân sách bí mật của cơ quan này dành cho việc chi tiêu cá nhân của bà Park.  

Thêm bê bối rúng động chính trường Hàn Quốc

Những khoản tiền khổng lồ

Vụ bắt giữ này là kết quả của một chiến dịch do Tổng thống Moon Jae-in, người kế nhiệm bà Park Jae-in, nhằm lôi ra ánh sáng cái mà ông gọi là “sự cấu kết” giữa văn phòng Tổng thống và Cơ quan Tình báo quốc gia. Mối quan hệ này từ lâu đã can thiệp vào chính trị nội bộ nước này.

Các cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Nam Jae-joon và Lee Byung-kee bị cáo buộc là đã trả những khoản tiền từ 45.000 - 91.000 USD mỗi tháng cho bà Park khi họ còn đương chức.

Theo các công tố viên, khoản tiền này được lấy từ “quỹ hoạt động đặc biệt” của cơ quan, với mục đích tài trợ cho những nhiệm vụ bí mật mà nghị viện hoặc các kiểm toán viên không được phép kiểm soát.

Lee Byung-ho, một cựu lãnh đạo ngành tình báo khác, từng phục vụ dưới quyền bà Park, cũng phải đối mặt với những cáo buộc tương tự. Tuy nhiên, một thẩm phán đã không chấp nhận bắt ông này ngay vì cho rằng không có nguy cơ ông Lee trốn chạy khỏi đất nước hoặc cố gắng hủy bỏ bằng chứng.

Các công tố viên đã lập kế hoạch truy tố 3 cựu giám đốc về những hành vi chiếm đoạt tổng cộng 3,6 triệu USD từ ngân sách của Cơ quan Tình báo và hối lộ bà Park trong giai đoạn họ đứng đầu cơ quan này từ đầu năm 2013 đến tháng 9 năm ngoái.

Hai phụ tá của bà Park cũng bị bắt vào ngày 3/11 vì tội đã đứng ra thu các khoản hối lộ hàng tháng bằng tiền mặt trong cặp tài liệu được các nhân viên tình báo gần văn phòng Tổng thống gửi tới.

“Truyền thống” nhơ nhuốc

Kể từ khi dân chúng bắt đầu tập trung ở trung tâm Seoul mùa thu năm ngoái kêu gọi lật đổ bà Park, vị tổng thống này đã trở thành biểu tượng của sự lạm dụng quyền lực. Tháng 12/2016, quốc hội Hàn Quốc đã tuyên án bà Park. Bà chính thức bị đưa khỏi văn phòng tháng 3 vừa qua và bị bắt, bị truy tố với một số tội danh, trong đó có nhận tiền hối lộ và tống tiền.

Bà Park đang được xét xử với cáo buộc đã chiếm dụng hoặc đòi hỏi 52 triệu USD từ công ty Samsung và các doanh nghiệp lớn khác trong thời gian bà đảm nhiệm chức vụ.

Vụ scandal dẫn đến sự sụp đổ của bà khiến công chúng nổi cơn thịnh nộ bởi các mối quan hệ mờ ám lâu năm giữa chính phủ và các tập đoàn. Tháng 8 vừa qua, Giám đốc điều hành Samsung Lee Jae-yong đã bị kết án 5 năm tù vì hối lộ bà Park. Ông Lee Jae-yong vẫn đang kháng cáo.

Ông Moon, cựu lãnh đạo phe đối lập, đã lên nắm quyền tháng 5 vừa qua sau chiến thắng trong cuộc bầu cử được gọi là sơ bộ sau khi bà Park bị buộc tội. Ông vận động tranh cử với lời hứa xóa bỏ sự lạm dụng quyền lực của tổng thống cũng như các hành vi tham nhũng khác.

Các cựu lãnh đạo tình báo bác bỏ cáo buộc hối lộ và tuyên bố họ tin rằng, các khoản chi trả này đều hợp pháp và khoản tiền này sẽ được sử dụng cho các mục đích hợp pháp. Tuy nhiên, các vụ bắt giữ này đã làm danh tiếng của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc hoàn toàn sụp đổ.

Cha của bà Park – nhà độc tài quân sự cuối cùng Park Chung-hee, người lãnh đạo Hàn Quốc từ năm 1961 - 1979, đã thành lập cơ quan này từ năm 1961, với mục tiêu bắt giữ, vô hiệu hóa gián điệp từ Triều Tiên và chống lại ảnh hưởng của Cộng sản. Nhưng cơ quan này cũng đồng thời bắt cóc, tra tấn những người bất đồng chính kiến trong nước và gán cho họ những cáo buộc là gián điệp cho Triều Tiên.

Mọi chính quyền sau đó đều bị buộc tội lạm dụng cơ quan tình báo để tăng cường quyền lực của mình. Một số cựu giám đốc cơ quan này cũng đã bị kết án vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực, bao gồm việc nghe lén bất hợp pháp các cuộc đối thoại của các chính trị gia và những người khác. Cựu Giám đốc Kim Jae-gyu đã bị tử hình vì ám sát ông Park năm 1979.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải