VNUR được xem là “thang đo” để các trường tham khảo, đồng thời giúp học sinh phổ thông, phụ huynh cũng như công chúng có thêm thông tin về các trường đại học tại Việt Nam.
“Thang đo” để định vị
ThS Nguyễn Vinh San - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), thành viên chủ chốt của VNUR thông tin: 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Việc xếp hạng thực hiện thông qua chỉ số gồm: 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn.
Các tiêu chuẩn, tiêu chí này phản ánh khá toàn diện chức năng hoạt động cơ bản của cơ sở giáo dục đại học như: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Qua đó, đảm bảo độ tin cậy đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, sinh viên đại học, cũng như trường đại học.
Mỗi trường trong top 100 đều kèm theo bản giới thiệu tóm tắt về thành tựu nổi bật. Những thông tin về xếp hạng còn được phân loại theo loại hình công lập và tư thục, tỉnh/thành, vùng kinh tế, nhóm ngành đào tạo và các tiêu chuẩn xếp hạng.
“Nhiều người đặt vấn đề, có nên xếp hạng hay không nhưng tôi cho rằng, việc xếp hạng có ý nghĩa nhất định. Dù không phải là toàn diện nhưng VNUR có thể giúp cơ sở giáo dục đại học biết mình đang ở đâu trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam. VNUR cũng có thể là thang đo để nhà trường đánh giá mức độ cạnh tranh của mình với trường khác. Từ đó đưa ra quyết định quản lý phù hợp để cải thiện toàn diện tính cạnh tranh của trường” - ThS Nguyễn Vinh San trao đổi.
Bên cạnh đó là các dữ liệu về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation), định hạng (rating) vào năm 2022 của Bộ GD&ĐT, QS, THE… QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018 - 2022); dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên trang web có liên quan.
Thêm kênh tham khảo
Ở góc độ người học, ThS Nguyễn Vinh San cho rằng, VNUR giúp sinh viên, học viên có thông tin để cân nhắc việc điều chỉnh ngành nghề học tập. Nếu cần có thể lựa chọn lại trường cho phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân.
Hiện có nhiều bảng xếp hạng khác nhau. Trước VNUR, ở trong nước cũng có một số bảng xếp hạng. Mỗi bảng xếp hạng có tiêu chí, tiêu chuẩn và được quy thành tổng điểm. Chẳng hạn, các tiêu chuẩn của VNUR ưu tiên hơn các tiêu chuẩn về xếp hạng/kiểm định, dạy học và tiêu chuẩn khác phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
Top 15 cơ sở giáo dục đại học theo VNUR. Ảnh chụp màn hình |
Do đó, sự thay đổi về thứ hạng của trường đại học giữa VNUR và QS ASIA là dễ hiểu vì sự khác nhau giữa hai bộ tiêu chuẩn đánh giá cũng như các trọng số tương ứng. “Theo tôi, VNUR có thể là công cụ giúp các nhà quản lý giáo dục đại học Việt Nam đánh giá, định hướng phát triển cho hệ thống này” - ThS Nguyễn Vinh San nhìn nhận.
Cho rằng, VNUR phản ánh khá phù hợp với bức tranh toàn cảnh các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, TS Trần Nhật Tân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nhìn nhận, mặc dù nhóm xếp hạng chưa công bố chi tiết về dữ liệu thu thập cũng như phương pháp tính điểm chi tiết cho một số tiêu chí nhưng kết quả xếp hạng của VNUR khá tin cậy.
Các cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng hoặc chưa được xếp hạng sẽ có cái nhìn tổng thể về vị trí tương đối của mình so với trường khác. Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển để khẳng định vị trí của nhà trường trong tương lai.
Theo TS Trần Nhật Tân, thách thức lớn nhất đối với các đơn vị làm xếp hạng có lẽ là việc tiếp cận/sở hữu nguồn dữ liệu đủ độ tin cậy và có giá trị, phản ánh được nhu cầu của các bên liên quan. Do đó, không dễ để có nhiều đơn vị thực hiện được việc đó.
“Chúng ta không quá lo về việc có nhiều đơn vị đứng ra làm xếp hạng. Thay vào đó, điều cần quan tâm là đơn vị nào có đủ nguồn lực và uy tín để xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu có độ tin cậy và khách quan. Sự chấp nhận của phần lớn các bên liên quan cũng là thước đo phản ánh độ tin cậy của các bảng xếp hạng” - TS Trần Nhật Tân nêu quan điểm.
Lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân mong muốn, nhóm làm xếp hạng VNUR tiếp tục cải thiện các tiêu chí đánh giá, xây dựng được cơ sở dữ liệu đủ độ tin cậy, khách quan; phối hợp với các đơn vị có khả năng thực hiện các khảo sát liên quan đến chất lượng người tốt nghiệp như: Đánh giá của người sử dụng lao động đối với sinh viên; mức lương trung bình của người tốt nghiệp, mức độ thăng tiến của người học sau khi ra trường… Đồng thời, bổ sung các bảng xếp hạng theo lĩnh vực đào tạo.
Theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, xếp hạng đại học nhằm xác định vị trí một trường đại học trong hệ thống các trường đại học ở phạm vi quốc gia, khu vực hay toàn cầu. Trên thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng, với các tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau. VNUR có động cơ tốt và có thể tham khảo. Không nên coi kết của VNUR là yếu tố quyết định “số phận” cho một trường đại học nào.
Theo ThS Nguyễn Vinh San, VNUR cũng là kênh thông tin giúp học sinh phổ thông, phụ huynh tham khảo. Từ đó có thể chọn trường phù hợp để theo học. Đây cũng là một trong những công cụ đánh giá mà các doanh nghiệp, trường đại học trong và ngoài nước có thể sử dụng để lựa chọn trường liên kết và hợp tác.