Thể thơ độc đáo và những câu thơ tinh tế của tác giả Quản Minh Cường

GD&TĐ - Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu cùng độc giả chùm thơ của tác giả Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai theo thể Haiku, một thể thơ độc đáo, tinh tế có nguồn gốc từ đất nước hoa anh đào...

Thể thơ haiku được ra đời vào thế kỉ 17 và phát triển mạnh vào thời kì Edo (1603 - 1867) khi đã dần mất đi sắc thái trào phúng mà mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền tông.

Thiền sư thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho được thừa nhận là người khai sinh ra haiku và Yosa Buson, Masaoka Shiki đã hoàn thiện nó dưới diện mạo và tên gọi như chúng ta thấy ngày nay. 

Đây có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới bởi mỗi bài haiku, mặc dù đôi khi ta vẫn thấy có những hình thức khác, nhưng thường chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 (17 âm tiết tiếng Nhật có khi chỉ vài ba từ ít ỏi, 3 câu trong cú pháp haiku cũng thường được viết thành một dòng). 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chẳng hạn bài thơ Con Ếch nổi tiếng sau đây của Matsuo Basho trong tập Xuân nhật (Haru no hi, 1686) viết chung với đồ đệ, có cú pháp 5+7+5 âm tiết. 

Về nội dung có luật cơ bản sau: không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diễn tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. 

Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc. 

Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh.

Trong thơ bắt buộc phải có "Kigo" (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa (không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng, tuyết trắng... để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường). 

Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.

Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên. 

Báo Giáo dục và Thời đại xin gửi tới quý độc giả chùm thơ giàu cảm xúc theo thể thơ độc lạ này của tác giả Quản Minh Cường:

Bài 1: Bão tràn đầu làng tôi 

gió tranh nhau cùng thổi, tắt nắng 

chẳng thấy em tôi đâu? 

Bài 2: Con hổ xổng chuồng

mọi người chạy ra xem 

ôi năm Dần đã tới!

Bài 3: Ban nở trắng khắp rừng

con chim Én run rẩy trên cây

mùa non ập đến. 

Bài 4: Phan xi phăng tuyết trắng 

gió lùa dưới khe 

cô gái Mông xuống núi. 

Bài 5: Cá lội tung tăng 

chão chuộc kêu “í uộc” 

đứa trẻ tắm truồng quanh sân. 

                                       Quản Minh Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ