Thể thao Việt Nam chạy đà đến… Paris

GD&TĐ - Sau năm 2022 thành công với điểm nhấn SEA Games 31, thể thao Việt Nam bước vào năm 2023 với rất nhiều thách thức.

Phạm Thị Hồng Thanh xuất sắc đoạt trọn bộ 3 Huy chương Vàng hạng cân 64kg nữ ở giải cử tạ vô địch châu Á 2022.
Phạm Thị Hồng Thanh xuất sắc đoạt trọn bộ 3 Huy chương Vàng hạng cân 64kg nữ ở giải cử tạ vô địch châu Á 2022.

Trong đó, trọng tâm sẽ là SEA Games 32 tại Campuchia, ASIAD 19 tại Trung Quốc, những giải đấu được coi là thước đo quan trọng trong kế hoạch hướng đến Olympic Paris năm 2024.

Phấn đấu có vàng châu lục

Năm 2023, thể thao Việt Nam được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động 893 tỉ đồng. Khoản tiền 893 tỉ đồng nằm trong khoản vốn chi thường xuyên của Nhà nước cho sự nghiệp thể dục thể thao. Năm 2019, thể thao Việt Nam được chi gần 600 tỉ đồng, năm 2020 là gần 800 tỉ đồng và năm 2021 là gần 860 tỉ đồng. Ngoài khoản 893 tỉ đồng chi cho sự nghiệp thể dục thể thao, Nhà nước còn chi gần 10 tỉ đồng cho sự nghiệp y tế của thể thao (đơn vị được cấp kinh phí là Bệnh viện Thể thao Việt Nam); chi gần 10 tỉ đồng cho sự nghiệp khoa học của thể thao (đơn vị được cấp tiền là Viện Khoa học TDTT).

Thể thao Việt Nam đã tạo được nhiều dấu ấn trong năm 2022. Nổi bật hơn cả vẫn là việc Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vào tháng 5.

Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới nhiều giải đấu thể thao lớn nhỏ trên khắp thế giới, SEA Games 31 vẫn diễn ra an toàn với những màn so tài hấp dẫn và bầu không khí cuồng nhiệt của người hâm mộ chủ nhà.

Việt Nam không chỉ hoàn thành một kỳ SEA Games 31 thành công về mặt tổ chức, mà còn nâng tầm giải đấu khu vực bằng chương trình thi đấu tiệm cận châu lục và thế giới, và những cuộc tranh tài trung thực, sòng phẳng.

Đặc biệt, Đoàn Thể thao Việt Nam đoạt 205 Huy chương Vàng, chiếm 39% tổng số Huy chương Vàng của cả đại hội, bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai tới 113 Huy chương Vàng, đồng thời vượt qua kỷ lục của Indonesia cách đây 25 năm để lập kỷ lục về số Huy chương Vàng mà một quốc gia giành được tại một kỳ SEA Games.

Nhìn ở các môn Olympic, Việt Nam giành tới 115 Huy chương Vàng, vượt xa tổng số Huy chương Vàng của Thái Lan. Theo ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, tất cả là kết quả của quá trình tích lũy, đầu tư bài bản, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành thể thao.

Điền kinh là ví dụ điển hình. Trước đây, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh ở một vài nội dung nhưng hiện tại đã đủ sức chơi sòng phẳng ở tất cả nội dung, qua đó vượt mặt Thái Lan trở thành cường quốc điền kinh số 1 khu vực.

Sau khi phải tạm hoãn vì Covid-19, ASIAD 19 dự kiến diễn ra từ 23/9 – 8/10 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và Á vận hội là đấu trường mà Việt Nam có cơ hội cạnh tranh Huy chương Vàng.

Tại ASIAD 2018, Đoàn Thể thao Việt Nam tham gia với 352 vận động viên, giành 5 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 18 Huy chương Đồng. Trong đó, đáng chú ý, đội tuyển điền kinh xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng và ở môn bơi, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đoạt 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.

Để tăng khả năng đua tranh huy chương ở ASIAD 19, thể thao Việt Nam vẫn dành sự ưu tiên đầu tư đặc biệt cho các tài năng ở các môn mũi nhọn. Đó là lý do mà Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Quang Thuấn, Trần Hưng Nguyên ở môn bơi được tạo điều kiện tập huấn quốc tế liên tục trong thời gian qua.

Các môn khác như điền kinh, cử tạ, xe đạp, đua thuyền rowing… cũng duy trì trạng thái tập trung dài hạn phối hợp thi đấu quốc tế. ASIAD 19 sẽ có thêm một số môn mà thể thao Việt Nam có thể tranh chấp Huy chương Vàng như cờ tướng, cờ vua.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết: “Năm 2023, thể thao Việt Nam còn nhiều thách thức. Với các giải đấu thành tích cao, có 2 đại hội quan trọng nhất là SEA Games 32 và ASIAD 19. Chúng tôi vẫn hướng tới mục tiêu nằm trong top 3 quốc gia dẫn đầu số Huy chương Vàng tại SEA Games 32 ở Campuchia và giành từ 3 - 5 Huy chương Vàng ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, thể thao Việt Nam đang đứng trước thử thách rất khó. Ở mỗi kỳ ASIAD gần đây, thể thao Việt Nam có thể giành được nhiều Huy chương Bạc và Huy chương Đồng nhưng để đổi màu thành Vàng là cả vấn đề nan giải.

Những băn khoăn của lãnh đạo ngành thể thao đang phản ánh thực tế, chúng ta đã khẳng định vững chắc vị thế ở Đông Nam Á. Ngay cả khi tại SEA Games 32, chủ nhà Campuchia điều chỉnh số lượng môn cũng như phân môn và một số môn thể thao thế mạnh của Việt Nam đã bị loại bỏ thì vị trí trong top 3 dẫn đầu đại hội khó thoát khỏi tay Đoàn Thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc đua giành Huy chương Vàng châu lục sẽ khó khăn và khốc liệt hơn rất nhiều. 205 Huy chương Vàng ở SEA Games 31 không phải là sự bảo đảm thể thao Việt Nam chắc chắn có 3 - 5 Huy chương Vàng tại ASIAD 19.

Kình ngư Huy Hoàng từng giành Huy chương Bạc ASIAD 2018.

Kình ngư Huy Hoàng từng giành Huy chương Bạc ASIAD 2018.

Đau đáu giấc mơ huy chương Olympic

Thể thao Việt Nam đầu tư tập trung cho khoảng 30 vận động viên để giành thành tích tại ASIAD 19 và Olympic 2024. Tuy nhiên, chúng ta chưa khoanh vùng để tập trung đầu tư đầy đủ, bài bản cho ASIAD theo cách quốc tế làm. Số vận động viên Việt Nam có thể giành Huy chương Vàng châu lục rất ít, đến Olympic lại càng khó khăn. Phải có chiến lược bài bản để đầu tư cho các vận động viên, các nội dung ở một số môn thi có khả năng giành Huy chương Vàng ASIAD, huy chương Olympic. Với thực lực hiện nay thì 20 năm nữa bơi lội, điền kinh Việt Nam cũng không có huy chương Olympic - Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT).

Thể thao Việt Nam có 18 vận động viên tham dự Olympic 2020, nhưng đó là kỳ Thế vận hội mà thể thao Việt Nam không đạt chỉ tiêu đề ra khi không có được tấm huy chương nào.

Thách thức càng lớn với Việt Nam bởi những gương mặt kỳ cựu như nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, còn tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh cũng bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng chưa có người thay thế xứng tầm.

Nhiệm vụ của thể thao Việt Nam trong năm 2023 là cố gắng càng có nhiều suất tham dự Thế vận hội tại Pháp càng tốt và đồng thời cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản, để đào tạo những vận động viên tài năng, đủ sức cạnh tranh huy chương.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo Tổng cục TDTT, ngành thể thao phấn đấu có khoảng 18 - 20 suất dự Olympic. So với kỳ Thế vận hội trước, chúng ta không đặt chỉ tiêu cao về số lượng vận động viên, mà thay vào đó là sự chủ động trong các môn thế mạnh, không phụ thuộc vào suất mời, vé vớt.

Như ở Olympic Tokyo 2020, bắn súng Việt Nam đã không có suất chính thức và chỉ được dự bằng 1 vé mời từ ban tổ chức. Bây giờ, đội tuyển bắn súng Việt Nam và Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã có nhiều thay đổi ở đội ngũ nhân sự quản lý, tất cả đều muốn có nhiều vé đến Pháp.

Hà Minh Thành, Phí Thanh Thảo, Trịnh Thu Vinh, Phan Xuân Chuyên, Phạm Quang Huy đều có cơ hội tranh chấp tấm vé Olympic 2024 như nhau. Bắn súng Việt Nam tự tin sẽ không phập phồng âu lo đến phút cuối để chờ vé vớt như ở kỳ Thế vận hội vừa qua.

Đội tuyển cử tạ Việt Nam giành được những tấm Huy chương Vàng quan trọng trong 2 hạng cân 61kg nam, 59kg nữ tại giải vô địch châu Á 2022. Đây là 2 nội dung chúng ta đặt nhiều kỳ vọng sẽ giành được suất trực tiếp dự Olympic Paris 2024.

Đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam cũng đang trong thời gian tích cực chuẩn bị cho những sự kiện lớn trong năm. Đội đang có những gương mặt triển vọng như Khánh Phong, Phương Thành, Khánh Vân, Quỳnh Nam hay Như Phương. Đội tuyển bơi, điền kinh cũng đang ấp ủ những kế hoạch táo bạo trong cuộc đua giành vé đến Pháp vào năm tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thể thao Việt Nam nhiều khả năng sẽ có khoảng 20 vận động viên giành vé tham dự Olympic 2024, nhưng chưa thể nghĩ đến mục tiêu huy chương.

Ông Đặng Hà Việt nêu quan điểm, việc giành những tấm huy chương Olympic 2024 là rất khó với thể thao Việt Nam. Chúng ta phải có sự chuẩn bị “chân đế” vững chắc, lâu dài chứ không thể nóng vội, sớm. Thể thao Việt Nam cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong tập huấn, huấn luyện thể thao.

“Ngành thể thao có sự rà soát chuyên môn về con người và nội dung thi đấu. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là giành huy chương Olympic với thể thao Việt Nam lúc này là không dễ. Thể thao là sự vận động, chúng ta có những gương mặt triển vọng nhưng phải có sự tập trung tổng thể tốt nhất.

Tuyển thủ cầu lông Nguyễn Thùy Linh thi đấu tại Olympic Tokyo 2020.

Tuyển thủ cầu lông Nguyễn Thùy Linh thi đấu tại Olympic Tokyo 2020.

Không phải cứ dồn sức cho một con người là có nghĩa sẽ giành được huy chương Olympic và thành công, bởi thể thao cần chiến lược và đầu tư bài bản, khoa học, áp dụng các phương tiện kỹ thuật”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ.

Một vấn đề mang tầm vĩ mô của thể thao đang tắc ở khâu quản lý. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, quá trình chuẩn bị lực lượng để tham gia các sự kiện lớn như SEA Games, ASIAD và đặc biệt là Olympic là một hệ thống huấn luyện nhiều năm và có quan hệ liên thông chặt chẽ với nhau.

Hiện, cơ quan quản lý vẫn chưa có được một văn bản tổng thể để chuẩn bị cho cả 3 sự kiện lớn này. Được biết, Tổng cục TDTT đang xây dựng Đề án Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022 - 2045…

Điều đó có nghĩa rất nhiều vấn đề mang tính sống còn, sự phát triển của thể thao Việt Nam vẫn đang nằm trên giấy, chờ hoàn thiện đề án và phê duyệt cũng như cả những nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh từ thực tế khi được triển khai.

Thể thao Việt Nam tuy đã đứng vững ở khu vực Đông Nam Á, song để đoạt Huy chương Vàng châu lục cũng như từng bước thu hẹp khoảng cách với sân chơi đỉnh cao như Olympic vẫn là thách thức rất lớn trong năm 2023 này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...