Thế nào là thần tượng?

GD&TĐ - Bản chất của thần tượng, tùy mức độ thể hiện của mỗi người đối với một đối tượng nào đó có thành tựu nổi bật hoặc sự nổi tiếng...

Ban nhạc Hàn Quốc Black Pink. Ảnh minh họa
Ban nhạc Hàn Quốc Black Pink. Ảnh minh họa

Hoặc có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa mà thể hiện bằng lòng yêu mến, sự ngưỡng mộ cho đến sùng bái, cuồng si…

1.

“Thần tượng” có ở mọi lứa tuổi và thời đại. Đó là một nhu cầu tự nhiên nhưng đồng thời cũng phản ánh khuynh hướng thế hệ. Ở thời đại chúng tôi, bằng nhận thức từ hàm thụ giáo dục nhà trường, gần như mọi đứa trẻ đều thần tượng hình ảnh lãnh tụ và chú bộ đội. Bởi lúc bấy giờ, đó là những hình ảnh rất cao cả và tráng lệ.

Bây giờ, trong những buổi dạy học hoặc sinh hoạt ngoại khóa, tôi vẫn thường hay hỏi sinh viên của mình: Bạn hãy chia sẻ về thần tượng của mình? Câu trả lời nhận được đã phong phú hơn rất nhiều: Là cầu thủ bóng đá, ca sĩ, diễn viên, nhà văn, nhà khoa học… Và khó hơn là khi tôi đặt câu hỏi: Nếu được chọn cho mình chỉ một thần tượng, bạn sẽ chọn ai?

Với giới trẻ nói chung, hiện tượng thần tượng được bộc lộ tự nhiên và “ồn ào” hơn các lứa tuổi khác. Điều này rất dễ hiểu bởi tâm lý tuổi mới lớn thường nhạy cảm với cái mới, bắt nhịp nhanh nhạy với các trào lưu, yêu thích sự trẻ trung, hiện đại. Đó là chưa kể đến sự lây lan tâm lý đám đông, dẫn đến a dua, bắt chước…

Sự kiện ban nhạc Hàn Quốc BlackPink đến Hà Nội cuối tháng 7 vừa rồi là một minh chứng sinh động cho hiện tượng “cuồng thần tượng” của số đông giới trẻ ở mọi tầng lớp. Lòng khao khát được trực tiếp chiêm ngưỡng thần tượng bằng da bằng thịt khiến nhiều bạn trẻ mất ăn mất ngủ, thậm chí sẵn sàng bỏ ra cả tháng lương để đổi lấy một tấm vé. Còn người chưa có thu nhập (học sinh, sinh viên) hẳn cũng sẽ chạy vạy ngược xuôi rất vất vả, trong số đó chắc chắn phải nhờ đến sự “tài trợ” của gia đình.

Thực tế, trong quá khứ, cũng lứa tuổi này không ngại ngần bày tỏ lòng ngưỡng mộ với những thần tượng là “giang hồ mạng” chỉ bởi cảm kích sự giàu có, liều lĩnh hoặc những hành vi chơi trội như… đốt xe, thách thức dư luận. Để thấy rằng, giữa một nhu cầu rất đỗi tự nhiên, bình thường của bạn trẻ và nhận thức về giá trị vẫn còn cả khoảng cách lớn.

2.

Cần phải nhắc lại và nhấn mạnh, thị hiếu và nhu cầu thần tượng là quyền riêng tư của mỗi người. Vì vậy, sẽ là vô lý và khắt khe nếu người lớn quy kết theo quan điểm cá nhân và lăng kính thế hệ mình. Sự khác biệt này thực sự gây ra nhiều xung đột về quan niệm, giá trị. Khi giới trẻ gặp phải sự cấm cản hoặc can thiệp quá đáng của người lớn, chúng sẽ tổn thương và có thể dẫn đến hành vi chống đối. Thiết nghĩ, những lời cảm thán kiểu như “không biết thế hệ này sẽ đi về đâu”; “giá như nó cũng yêu cha mẹ nó như ca sĩ X kia” là không cần thiết...

Thời đại học, tôi được học môn Giáo dục giá trị trong chương trình đại cương. Góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây là môn học cần thiết và bổ ích. Có những thang giá trị được đề cập tới như: Gia đình, hôn nhân, tình yêu, tình bạn, nghề nghiệp, sức khỏe, hạnh phúc, địa vị… Thầy cô không trang bị theo kiểu tuyên ngôn mà thường đưa ra gợi ý, chỉ dẫn, tạo môi trường tranh luận cho người học. Việc lựa chọn và định hướng phụ thuộc vào nhận thức và điều kiện thực tế của mỗi người. Tuy nhiên, có một điểm chung, đó đều là những giá trị tích cực, có ích.

Trở lại với chủ đề thần tượng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Rõ ràng, chúng ta đang sống trong một thời đại đa dạng về giá trị, thậm chí đôi lúc phải loay hoay lựa chọn và tìm hướng đi cho mình. Tuổi mới lớn với những hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm sống, vì thế cần hơn sự định hướng từ người lớn.

Để làm tốt việc này, trước hết chúng ta cần đặt mình vào vị trí lứa tuổi của các em, từ sự đồng cảm mà đề cao tôn trọng thị hiếu riêng tư nếu điều đó không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nói chung cũng như việc học tập, rèn luyện và lối sống, ứng xử nói riêng. Những người gần gũi và có tầm ảnh hưởng như cha mẹ, thầy cô bằng sự dân chủ, chân thành để khéo léo nắm bắt tâm lý và tinh tế trong chia sẻ, khuyên nhủ nhằm trang bị cho trẻ thế giới quan đúng đắn.

3.

Thần tượng là một chủ đề không còn xa lạ và sẽ tiếp tục biến đổi đa dạng trong đời sống xã hội, bộc lộ màu sắc phong phú ở nhiều lứa tuổi và có sự khác biệt nhất định trong nhận thức thế hệ. Việc quy kết và áp đặt đúng - sai, nên - không nên không phải là cách phản ứng hợp lý. Thay vào đó cần một cái nhìn rộng rãi, khách quan hơn trên nền tảng thấu hiểu và cảm thông. Khi biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, chúng ta sẽ có những lý giải thấu đáo, bày tỏ quan điểm tích cực hơn với hiện tượng tâm lý xã hội này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ