Cuồng thần tượng: Trẻ cần được biết thêm về đời sống thật của những thần tượng ảo

GD&TĐ - Liên tiếp những vụ bê bối liên quan tới các nhân vật được một bộ phận giới trẻ Việt hâm mộ khiến dư luận không khỏi lo lắng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào khi giới trẻ chọn nhầm thần tượng và cách nào để giúp họ không “thần thánh hóa”những mẫu hình chỉ được tiếp xúc qua mạng ảo?.

Sự cuồng mộ thái quá dành cho thần tượng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hành vi của giới trẻ (Ảnh minh họa)
Sự cuồng mộ thái quá dành cho thần tượng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hành vi của giới trẻ (Ảnh minh họa)

Khi thần tượng lệch chuẩn

Khi làn sóng K – pop tràn vào Việt Nam, nhiều người cảm thấy choáng váng trước sự hâm mộ cuồng nhiệt mà giới trẻ dành cho các nghệ sĩ ở xứ sở Kim Chi. Dù không biết tiếng Hàn nhưng nhiều em có thể thuộc lòng những bài hát Hàn Quốc, bắt chước y hệt phong cách thần tượng từ ăn mặc đến sở thích, lối sống…

Thậm chí, có những em cuồng mộ đến mức bỏ nhà ra đi vì không được bố mẹ cho tiền mua vé xem show diễn của thần tượng hay hàng nghìn bạn trẻ xếp hàng trong đêm lạnh tới sáng để hy vọng nhìn thấy ngôi sao trong thoáng chốc, thậm chí có người còn đến hôn lên ghế nơi ca sĩ ấy vừa ngồi…

Những cậu bé, cô bé, cả những bậc phụ huynh sẽ nghĩ sao khi đọc những dòng tin kiểu như: “Sao K-pop Jung Joon Young bị bắt vì phát tán video sex”, “Seungri của Big bang bị điều tra về tội môi giới mại dâm”…

Hẳn là sẽ có cả thất vọng, đau khổ khi thần tượng sụp đổ, nhưng chắc chắn có cả những lo lắng của các bậc phụ huynh dành cho con em mình, liệu rằng con mình đã bị ảnh hưởng như thế nào khi thần tượng của chúng có một lối sống băng hoại về đạo đức như vậy.

Không phải chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, mà sự bùng nổ của mạng internet với vô số công cụ truyền tải nội dung như hiện nay đang khiến bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng trở nên nổi tiếng và trở thành “thần tượng” của giới trẻ.

Có một dạo, dư luận sục sôi chuyện một thanh niên xăm trổ đầy mình, nói ngọng, chửi bậy như hát …với biệt danh “Khá Bảnh” lại sở hữu kênh YouTube với cả triệu lượt người xem. Khi anh này xuất hiện ở đời thực thì được giới trẻ chào đón như ngôi sao, trong đó có không ít những em nhỏ đang trong lứa tuổi học sinh cấp 1, cấp 2 vây kín vì hâm mộ.

Khá Bảnh - đối tượng vi phạm pháp luật nhưng lại là thần tượng của nhiều bạn trẻ
 Khá Bảnh - đối tượng vi phạm pháp luật nhưng lại là thần tượng của nhiều bạn trẻ 

Lợi dụng kẽ hở trong quản lý nội dụng trên các mạng xã hội lớn như YouTube, Khá Bảnh đã tự biến mình thành một “đại ca giang hồ mạng”, thu hút người xem nhờ việc đóng vai giang hồ, có nhiều phát ngôn, hành vi thái quá, thậm chí vi phạm pháp luật.

Anh chàng này còn vẽ ra cho lứa tuổi thiếu niên viễn cảnh, không cần làm gì, học gì, chỉ cần làm những thứ xốc nổi câu view trên mạng là có thể dễ dàng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng…

Tác hại của việc chọn sai thần tượng, nhất là ở lứa tuổi mới lớn có lẽ không cần phải nói nhiều. Những ngôi sao được tô vẽ hào quang bởi truyền thông nhưng có đời sống riêng tư bê bết hay những hiện tượng mạng như Khá Bảnh lại đang mọc lên như nấm sau mưa, muôn hình vạn trạng, tạo ra vô số giá trị lệch chuẩn trong xã hội.

Cách gỡ rối khi con trẻ chọn nhầm thần tượng

Về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương cho rằng: “Có lẽ sẽ có rất nhiều điều cần làm khi con em bạn chọn nhầm thần tượng, nhưng trước tiên, hãy nói với chúng về đời sống thực, về những giá trị ảo và thật xoay quanh một nghệ sĩ, một ngôi sao hay một thần tượng trên mạng xã hội.

Khi chúng biết được cả phía bóng tối, chúng sẽ không bị những ánh sáng hào quang ảo làm cho lóa mắt. Đời sống thật sẽ như một đối trọng cân bằng lại những thứ ngọt ngào được tạo ra nhờ kỹ xảo, kịch bản hay sự tung hô của đám đông.”

Việc trẻ “cuồng” một thần tượng nào đó là cả một quá trình chứ không phải chuyện ngày một ngày hai. Trẻ từ thích rồi tới quan tâm, sưu tầm mọi thứ liên quan đến thần tượng và cứ thế đam mê dần. Vì vậy, các bậc cha mẹ dễ dàng có thể nhận ra và xử lý sớm.

“Khi các em đã có biểu hiện cuồng thần tượng, cha mẹ đừng phê phán, trách mắng mà hãy làm bạn với con, chia sẻ với con về thần tượng của chúng, đồng thời đưa ra thêm các thần tượng khác để cùng con có cơ hội so sánh, bàn luận. Điều này sẽ làm phân tán sự tập trung của trẻ vào một đối tượng nhất định và cho trẻ thấy những mặt khác của thần tượng.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, định hướng từ gia đình là điều cần thiết để trẻ vững vàng về tư tưởng, tinh thần và có nhận thức đúng đắn, tránh xa những hình mẫu lệch chuẩn”, TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...