Nhóm Houthi tại Yemen đang tăng cường các cuộc tập kích tàu hàng mà họ cho rằng có liên quan đến Israel trên Biển Đỏ, buộc Mỹ phải lập một liên minh gồm 10 nước để ứng phó với mối đe dọa mới nổi lên này.
Trong một hành động mới nhất, ngày 19/12, nhóm Houthi tuyên bố tấn công 2 tàu hàng gồm M/V Swan Atlantic và MSC Clara vì cho rằng chúng đang hướng đến Israel. Lực lượng này tập kích các tàu dân sự bằng máy bay không người lái (UAV) và cảnh báo sẽ tiếp tục thực hiện hành động này đối với bất cứ tàu nào họ cho rằng có liên hệ với Israel.
Đây là hành động của nhóm vũ trang Yemen nhằm ủng hộ lực lượng Hamas đang giao tranh với quân đội Israel tại Dải Gaza. Houthi khẳng định sẽ chỉ dừng lại khi có thêm lương thực và thuốc men được viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza cho người Palestine.
Tuy nhiên, một số tàu bị tấn công khẳng định không liên quan đến Israel, ví dụ như tàu Swan Atlantic được công ty sở hữu là Inventor Chemical Tankers tại Na Uy cho biết đang chở nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học từ Pháp đến đảo Reunion.
Trong hai vụ tấn công mới nhất, các tàu hàng chỉ bị hư hại nhẹ và không có thương vong do chỉ bị tập kích bằng UAV. Trước đó, kể từ khi cuộc xung đột tại Dải Gaza bùng nổ, lực lượng Houthi đã thường xuyên tập kích cả tàu chiến Mỹ và tàu hàng quốc tế tại Biển Đỏ bằng tên lửa và máy bay trực thăng.
Mối đe dọa này khiến 5 hãng vận tải biển chủ chốt của thế giới gồm 2 doanh nghiệp vận tải hàng hải lớn nhất hành tinh đã phải thông báo tạm ngừng cho tàu đi qua Biển Đỏ vì vấn đề an ninh.
Trong khi đó, quân đội Mỹ vẫn chưa thực sự mở chiến dịch đáp trả lực lượng Houthi vì nhiều lý do, trong đó có câu hỏi về lợi ích thật sự của hoạt động này. Hành động mạnh mẽ nhất của Mỹ đến nay là việc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 18/12 thông báo lập một liên minh 10 nước gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha, nhằm ứng phó các cuộc tập kích của Houthi vào tàu hàng qua Biển Đỏ.
Liên minh trên sẽ thực hiện Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng, dựa trên nguồn lực là nhóm chuyên trách Biển Đỏ thuộc Hạm đội 5 của Mỹ đóng tại Bahrain. Đây là bước đi được coi là kiềm chế của Mỹ trước Houthi và mang tính đa phương, thay vì mở một chiến dịch đáp trả quy mô lớn được dự báo tiềm ẩn rất nhiều thách thức cho Washington.
Trước đây, Mỹ từng tham gia hỗ trợ Ả-rập Xê-út trong cuộc chiến chống lực lượng Houthi như phóng tên lửa hành trình từ chiến hạm, không kích quy mô lớn và cả tấn công trên bộ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bối cảnh nhạy cảm và phức tạp tại Trung Đông hiện nay do cuộc xung đột tại Dải Gaza tạo ra đã khiến Mỹ phải kiềm chế trong việc đáp trả lực lượng Houthi.
Các nhà phân tích nhận định, việc Mỹ mở chiến dịch tấn công vào Houthi lúc này có thể sẽ tạo hiệu ứng như một mồi lửa thổi bùng một cuộc xung đột khác bên ngoài Dải Gaza, điều mà nhiều lực lượng ủng hộ Hamas đang mong muốn.
Hơn nữa, dù đã sở hữu kho vũ khí tầm xa khổng lồ nhưng Houthi chưa thể trở thành lực lượng có thể thách thức Israel hay các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực, ngoại trừ việc có thể đe dọa các tàu dân sự trên Biển Đỏ.
Đây được coi là lý do chính khiến lực lượng Houthi hiện nay vẫn tương đối “thoải mái” trong các hành động gây chú ý trên Biển Đỏ mà chưa thực sự phải hứng chịu đòn trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh.