WHO khuyến nghị thuốc trị Covid-19, chính sách “chưa tiêm chủng, không đi xe” ở Philippines

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới đã có 320.529.259 ca mắc Covid-19, gồm 3.040.631 ca mới. Tổng số ca tử vong là 5.538.162 ca, gồm 6.959 ca mới. Tổng số ca hồi phục là gần 264 triệu.

Hiện mới có một nửa dân số Philippines được tiêm vắc xin.
Hiện mới có một nửa dân số Philippines được tiêm vắc xin.

Một hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị sử dụng 2 loại thuốc của hãng Eli Lilly và thuốc do GlaxoSmithKline kết hợp với Vir Biotechnology (GSK-Vir) phát triển cho bệnh nhân Covid-19. Động thái này đã tăng thêm các lựa chọn điều trị trong bối cảnh biến thể Omicron lan nhanh và né vắc xin.

Dữ liệu của WHO cho thấy Omicron đang trốn tránh nhiều loại vắc xin và các phương pháp điều trị. Nó đang nhanh chóng thay thế Delta để trở thành biến thể thống trị ở một số quốc gia, buộc các chính phủ và nhà khoa học phải tăng cường khả năng phòng thủ bằng xét nghiệm, tiêm chủng và các phương pháp điều trị.

Hội đồng của WHO khuyến nghị thuốc baricitinib của hãng Lilly, được bán dưới thương hiệu Olumiant cho những bệnh nhân bị Covid-19 nặng kết hợp với corticosteroid. Bên cạnh đó có thể cung cấp có điều kiện liệu pháp kháng thể GSK-Vir cho bệnh nhân không nặng nhưng có nguy cơ nhập viện cao nhất.

Cho đến nay, liệu pháp kháng thể đơn dòng của GSK-Vir là liệu pháp duy nhất cho thấy hiệu quả chống lại Omicron trong các thử nghiệm của phòng thí nghiệm. Trong khi đó, các phương pháp điều trị của Eli Lilly và Co & Regeneron Pharmaceuticals cung cấp khả năng bảo vệ thấp hơn trong các thử nghiệm như vậy.

Các chuyên gia WHO lưu ý rằng hiệu quả của phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng chống lại các biến thể mới như Omicron vẫn chưa chắc chắn. Họ cho biết hướng dẫn cho nhóm thuốc này sẽ được cập nhật khi có thêm dữ liệu.

Hôm qua, Giám đốc Etleva Kadilli của Bộ phận cung ứng của UNICEF cho biết, trong tháng 12, các quốc gia nghèo hơn đã phải từ chối hơn 100 triệu liều vắc xin Covid-19 do chương trình toàn cầu COVAX phân phối, chủ yếu là do chúng hết hạn nhanh chóng.

Con số trên cho thấy những khó khăn trong việc tiêm chủng trên thế giới mặc dù nguồn cung vắc xin ngày càng tăng. COVAX đang gần cung cấp được 1 tỷ liều cho tổng số 150 quốc gia.

Bà cho biết lý do của việc trên là việc cung cấp các liều thuốc có thời hạn sử dụng ngắn. Các quốc gia nghèo hơn cũng buộc phải trì hoãn nguồn cung vì họ không có đủ phương tiện bảo quản, bao gồm cả việc thiếu tủ lạnh cho vắc xin.

Tại Mỹ, Nhà trắng cho biết sẽ có thêm 1.000 nhân viên y tế được triển khai tới 6 bang để giúp các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân Covid-19 mắc biến thể Omicron.

Số ca nhập viện vì Covid-19 của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong tuần này sau khi tăng đều đặn kể từ cuối tháng 12. Trong khi đó biến thể Omicron đã vượt qua biến thể Delta để trở thành biến thể thống trị.

Philippines hôm qua đã bảo vệ một lệnh cấm gây tranh cãi đối với người chưa tiêm vắc xin sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở thủ đô Manila – nơi Omicron đang khiến số ca mắc tăng kỷ lục.

Quy định được Bộ Giao thông Vận tải công bố trong tuần này và dự kiến có hiệu lực vào đầu tuần sau được đưa ra sau khi Tổng thống Duterte dọa sẽ bắt người không tiêm vắc xin nhưng không ở nhà.

Theo đó, từ tuần sau hành khách sẽ phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng trước khi lên xe buýt, tàu hỏa, thuyền, máy bay ở Manila.

Hiện chỉ có khoảng 1 nửa dân số Philippines được tiêm đầy đủ, mặc dù tỷ lệ này ở thủ đô cao hơn nhiều.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết chính sách tạm thời “không tiêm chủng, không đi xe” được đưa ra để bảo vệ mọi người và tránh cho hệ thống giao thông công cộng phải ngừng hoạt động, gây thiệt hại về kinh tế.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.