Tìm giải pháp cho Belarus

GD&TĐ - Biểu tình chống chính phủ và đòi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ chức đã bước sang tuần thứ ba. Nga lên tiếng cảnh báo rằng, kịch bản Ukraina có thể lặp lại tại Belarus với bạo lực và chiến tranh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Người biểu tình cáo buộc Tổng thống Lukashenko thao túng bầu cử hôm 9/8, giành chiến thắng áp đảo với hơn 80% số phiếu để tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ sáu. Trước sức ép của người biểu tình, ông Lukashenko tuyên bố sẵn sàng chia sẻ quyền lực và thay đổi nội dung hiến pháp, song ông khẳng định sẽ không tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới. Vì vậy Belarus vẫn chìm trong làn sóng biểu tình và phương Tây đã lên tiếng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông theo dõi sát “những sự kiện tồi tệ” ở Belarus. Một quan chức Nhà Trắng nói Belarus không thể làm ngơ yêu cầu cải cách dân chủ của người dân và Nga không được can thiệp nội bộ. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun hôm 24/8 đã gặp lãnh đạo phe đối lập Svetlana Tsikhanovskaya tại Litva. Ông Biegun khẳng định cam kết của Mỹ với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Belarus, cũng như quyền chủ quyền của người dân Belarus để chọn ra các lãnh đạo và tự xác định tương lai của mình. 

Còn ở châu Âu, AFP cho biết, NATO đang theo dõi tình hình Belarus. Ông Lukashenko cáo buộc NATO điều máy bay, xe tăng đến những khu vực chỉ cách biên giới Belarus 15 phút di chuyển, nhưng NATO khẳng định không triển khai quân chống lại nước này. 

Tuy nhiên, trong khi yêu cầu Nga không can thiệp nội bộ của Belarus, thì chính Mỹ và NATO, với những hành động trên, lại làm ngược lại tuyên bố của họ. Khi đã gặp lực lượng đối lập nghĩa là họ đứng về phía phe đối lập, coi những gì xảy ra ở Belarus cũng là chuyện của phương Tây. 

Belarus nằm giữa Nga và ba nước NATO Latvia, Litva, Ba Lan, là vùng đệm chiến lược và vì thế các bên đều muốn gây ảnh hưởng với nước này. Nhưng Belarus có mối quan hệ truyền thống mật thiết với Nga, đến giờ Nga vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Belarus, chiếm gần 50% kim ngạch ngoại thương của nước này. Nga cũng là nhà cung cấp năng lượng lớn cho Belarus, và người dân hai nước có mối quan hệ mật thiết. Nga  muốn thiết lập một căn cứ quân sự ở Belarus, NATO cũng muốn lôi kéo Belarus tham gia tập trận chung, nhưng đứng về bên nào cũng là quân bài mà ông Lukashenko muốn sử dụng để tạo ra cân bằng tùy thời giữa hai bên. 

Từ phía Nga, lên tiếng về tình hình Belarus, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: “Người Belarus sẽ tự quyết định để thoát khỏi tình hình này” – ông nói, và thêm rằng, có những dấu hiệu cho thấy tình hình Belarus “đang dần trở nên ổn định”. “Đồng thời, tôi biết rằng không phải ai cũng thích điều này, và có những người muốn xu hướng bình thường, hòa bình trong các sự kiện ở Belarus trở nên bạo lực, đổ máu và biến nó thành một kịch bản ở Ukraina” - ông Lavrov nói thẳng.

Ông cũng cho rằng, một số người trong phe đối lập Belarus, kể cả ứng cử viên lưu vong cho chức tổng thống - bà Svetlana Tikhanovskaya có vẻ đang quan tâm đến việc thu hút công chúng phương Tây hơn là công chúng trong nước.

Cho đến giờ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Biegun đã thừa nhận rằng, Washington không phát hiện dấu hiệu nào về các kế hoạch can thiệp quân sự của Nga vào Belarus. Chắc chắn bài học Ukraina vẫn còn nguyên và không bên nào muốn đẩy tình hình ở Belarus tới bờ vực chiến tranh. Trước đây đã có những lần người dân phản đối Belarus xuống đường phản đối ông Lukashenko trong các lần bầu cử trước và lần này cũng lặp lại kịch bản như vậy, chứ không hẳn họ muốn chọn giữa phương Tây hay Nga. Vì thế, một giải pháp chính trị ở Belarus có thể là điều mà cả hai bên muốn hướng tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.