Tiếng ồn trẻ em làm nóng nghị trường

GD&TĐ - Mới đây một sân chơi trong khuôn viên trường nằm sát khu dân cư tại Hà Lan đã bị tạm phong tỏa đối với trẻ em vì chúng thường xuyên gây tiếng ồn quá mức cho phép.

Tiếng ồn trẻ em làm nóng nghị trường

Từ tiếng ồn trong sân chơi trẻ em

Chính quyền thành phố Nijmegen, nằm gần biên giới Đức, đã xác nhận tin này và cho biết tiếng ồn đạt đến 88 decibels, vượt giới hạn 70 decibels cho phép tại khu dân cư. Đến cuối tháng 7, trường phải tuân thủ yêu cầu của chính quyền thành phố hoặc sẽ bị phạt 10.000 euros (11.250 USD). “Quyết định này chưa từng xảy ra tại trường học nào khác nên có thể xem là “kỳ lạ” và không công bằng đối với trẻ em - Janneke Colsen, giám đốc Trường Tiểu học De Buut bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, nhận định với tờ báo ngày Volkskrant - Chúng tôi đang làm việc với đại diện các cư dân địa phương để tìm giải pháp dung hòa thì họ gửi đơn kiến nghị lên chính quyền!”.

Trên tài khoản của nhóm Facebook phàn nàn về sân chơi có 4.600 thành viên tham gia, một cư dân viết: “Mỗi 7 giờ sáng tôi thích ngồi trên hàng hiên vui hưởng bữa ăn nhưng lại bị phá đám bằng tiếng chó sủa, và đặc biệt là tiếng la hét trong sân chơi của ngôi trường gần đó với âm lượng tối đa. Bạn bị tra tấn bởi âm thanh bên ngoài trước khi tiếp tục chịu đựng những âm tranh tại nơi làm việc. Tôi đồng ý là trẻ em phải được chơi nhưng không có nghĩa là người già, người lớn tuổi và người bệnh không có quyền yên tĩnh. Trẻ em lớn lên sẽ biết cách tự kiếm chế các cảm xúc quá đà nhưng gia đình và nhà trường cũng cần hướng dẫn cho các em biết tôn trọng người khác khi còn bé”.

Theo Trung tâm Thông tin và Thính lực (Center for Hearing and Communication) tại New York (Mỹ), 88 decibels là mức ngang bằng với máy xay thực phẩm, xe kéo hay một cuộc tranh cãi to tiếng. “Giải quyết vấn đề này rất khó khăn. Một bên là quyền chơi đùa của các trẻ em, một bên là quyền được yên tĩnh của người dân - Nghị viên Noel Vergunst thuộc đảng Xanh Green Party tuyên bố tại phiên họp hội đồng thành phố - Nhưng tiếng ồn tại De Buut đã vượt quá mức cho phép nên chúng ta phải làm gì đó”. Nhiều người khác cũng bảo vệ lệnh cấm. Chống lại họ là một đơn kiến nghị nhận được hơn 4.000 chữ ký đề nghị hội đồng thành phố không nên cấm trẻ em chơi đùa. Một số cư dân dựng biển ủng hộ quyền vui chơi của trẻ em.

Nghị viên Nick De Graaf thuộc đảng trung hữu VVD lên mạng xã hội phản đối lệnh cấm nhiều lần và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vận động cơ thể đối với trẻ em. Những người ủng hộ mở lại sân chơi trương cả khẩu hiệu “Orange Lionesses have to start somewhere” ám chỉ thành tích “Á quân World Cup bóng đá thế giới 2019” của đội tuyển nữ Hà Lan.

Vụ tranh cãi về tiếng ồn trẻ em lên đến tận Quốc hội Hà Lan. Một số nghị sĩ đã nêu vấn đề với Bộ trưởng Giáo dục Ingrid van Engelshoven. “Nếu những người sống gần một sân vận động, nơi học sinh tập thể thao và đá bóng cứ phàn nàn về tiếng ồn thì quyền lợi của trẻ em sẽ bị tước đoạt. Đó là quyền được vui chơi và giải trí - nghị sĩ Rudmer Heerema thuộc VVD viết trên Twitter - Chúng ta phải tìm ra giải pháp tốt nhất có lợi cho cả trẻ em lẫn cộng đồng”.

 

Đến tiếng ồn trong các khu dân cư

Một câu hỏi khác được đặt ra là có nên cấm tiếng ồn trẻ em trong các khu dân cư, nhất là trong mùa hè khi trẻ em thường chơi chung với nhau tại nơi chúng sinh sống, thay cho sân chơi ở trường.

Một mối bận tâm của các bà mẹ trong thời gian này là vừa làm sao cho con cái được vui vẻ và an toàn trong mùa nghỉ vừa phải bảo đảm chúng không làm hàng xóm bực mình. Theo lời khuyên của các nhà giáo dục, cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con cái về “tác phong và hành vi đúng đắn” tại nơi công cộng. Ví dụ không được làm ồn trên xe buýt, trong thư viện, nhà ga, viện bảo tàng, chỗ đông người; không bạo hành chân tay và tuyệt đối tránh chọc ghẹo người già, người khuyết tật.

Sân chơi công cộng thường được thiết kế sao cho an toàn tối đa đối với trẻ em nhưng đồng thời đó cũng là nơi phát sinh ra nhiều tiếng ồn nhất nếu trẻ không biết kiềm chế hay được nhắc nhở. Đưa trẻ vào sân chơi cha mẹ không phải canh chừng tiếng ồn do con cái tạo ra với điều kiện sân chơi không quá gần khu dân cư. Có nhiều sân chơi được đặt máy kiểm tra tiếng ồn.

Theo Bệnh viện Nhi Royal Children’s Hospital ở Melbourne, Úc, nhiều cha mẹ đã ý thức được nguy hiểm của nạn béo phì, ít vận động và ngồi nhiều trước màn hình đối với trẻ em. Họ cũng biết sân chơi là nơi tốt nhất để loại bỏ các yếu tố tiêu cực này. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ do quá bận rộn công việc, ngại đưa con đi chơi vì sợ ùn tắc giao thông và là… con nghiện mạng xã hội nên họ ít đưa con đến sân chơi.

Ngại va chạm với xóm giềng vì tiếng ồn nhiều người theo dõi sát việc chơi đùa của con trong nhà. Những gia đình sống tại chung cư đô thị không có khoảng sân chơi trước nhà nên trẻ thường biến hành lang hay cầu thang bộ thành sân chơi, dẫn đến than phiền của người khác.

Thống kê ở Úc cho thấy, nhà đô thị ngày ngày càng ít diện tích dành cho trẻ em vui chơi. Từ bình quân diện tích nhà 802m2 trong năm 1993 - 1994 đã giảm xuống còn 407m2 trong năm 2016. Diện tích cư trú chật hẹp đồng nghĩa với việc trẻ em có ít sân chơi trong nhà hơn trước. Lúc đó công viên trở thành chỗ duy nhất để trẻ có thể chơi đùa thoải mái. Nhiều sân chơi nằm trong hay gần khu dân cư nên tiếng ồn phát ra đã trở thành vấn đề mới, nhất là khi thế giới ngày càng có nhiều người già cần yên tĩnh. Không có người lớn nào thích tiếng ồn như trong trò chơi “Who Can Scream The Loudest” khá phổ biến tại một số công viên ở Úc. Người lớn nào cũng cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và hồi tưởng.

Theo The Washington Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...