Sinh viên Trung Quốc ở Australia: Lao đao bởi nCoV

Sinh viên Trung Quốc ở Australia: Lao đao bởi nCoV

Cấm người học đến từ Trung Quốc

Bộ trưởng GD Australia, ông Dan Tehan tuyên bố, chính phủ nước này đã áp dụng biện pháp cấm người học đến từ Trung Quốc kể từ ngày 1/2. Động thái này được đưa ra sau khi Ủy ban Khủng hoảng Sức khỏe Cộng đồng Australia khuyến cáo, chính phủ nên ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do virus Corona gây ra trong khuôn viên trường.

Cũng theo Bộ trưởng Dan Tehan, ông đã có cuộc gặp với hội đồng của Các trường ĐH Australia vào ngày 3/2, nhằm thảo luận về việc “giảm thiểu tác động đối với các nhà cung cấp GD quốc tế của Australia”. “Tôi đánh giá cao sự sẵn lòng của các tổ chức GD trong việc hợp tác với chính phủ để quản lý vấn đề sức khỏe khẩn cấp này”, ông Tehan nhấn mạnh.

Trước bối cảnh này, các trường ĐH đã lên kế hoạch đưa ra một số biện pháp như tăng cường các dịch vụ GD từ xa và cho phép SV Trung Quốc nghỉ một học kỳ không mất phí. Giám đốc điều hành của Các trường ĐH Australia - bà Catriona Jackson cho biết, các tổ chức GDĐH sẽ cố gắng linh hoạt nhất có thể đối với người học quốc tế, bao gồm việc học trực tuyến và hoãn ngày đến trường.

Bà Jackson nhấn mạnh, các trường ĐH sẽ tuân thủ một cách nghiêm túc lời khuyến cáo của các cơ quan y tế và nhập cư, trong khi vẫn chịu trách nhiệm những rủi ro mà SV phải đối mặt. “Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mọi người trong cộng đồng trường ĐH, cũng như giảm thiểu mọi sự gián đoạn trong học tập, thi cử và đánh giá”, bà Jackson tuyên bố.

Giám đốc điều hành Hiệp hội GD Quốc tế Australia - ông Phil Honeywood cho biết đã được thông báo rằng, quyết định cấm nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc là biện pháp cần thiết. Ông Honeywood cho hay, chính quyền Australia đã thông tin cho các SV về lệnh cấm thông qua mạng xã hội Weibo và các kênh truyền thông khác. Sân bay và các hãng hàng không tại nước này cũng được thông báo.

Không ít chuyên gia lo ngại rằng, Australia có thể là quốc gia gặp nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus Corona so với các điểm đến GD quốc tế lớn khác. Không giống với nhiều tổ chức GD trên thế giới, các trường ĐH Australia thường cho phép SV nghỉ khoảng 3 tháng vào cuối năm. Trong thời gian này, nhiều người học quốc tế đều trở về quê nhà và chỉ tới Australia khi học kỳ mới sắp bắt đầu.

Theo ông Honeywood, không ít nhà lãnh đạo ĐH đã liên hệ với ông, nhằm khẳng định họ sẵn lòng đưa ra nhiều nhất có thể các phương án giảng dạy và học tập dành cho SV Trung Quốc. Chia sẻ với truyền thông, Giám đốc Honeywood nhận định, các ngành GD khác tại Australia - đặc biệt là các trường trung học - đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những tổ chức GDĐH.

Ông Honeywood lý giải, hầu hết trường trung học Australia đã hoạt động bình thường trở lại và có tới hơn 1/2 số SV của những tổ chức GD này là người Trung Quốc. “Các trường tư thục và một số trường công lập của Australia phụ thuộc rất nhiều vào nhóm HS Trung Quốc”, ông Honeywood nói.

Nỗ lực giúp đỡ người học

Các chuyên gia nhận định, phần lớn trường ĐH Australia có thể sẽ trải qua thời gian khó khăn về mặt tài chính, khi các tổ chức GD này phụ thuộc nhiều vào học phí từ SV Trung Quốc. Một báo cáo được công bố vào năm 2019 bởi nhà xã hội học Salvatore Babones của Trường ĐH Sydney, cho thấy, có khoảng 13% - 23% thu nhập của nhà trường đến từ SV Trung Quốc trong năm 2017. Kể từ đó, số lượng thị thực được cấp cho người học Trung Quốc đã tăng khoảng 6%.

Báo cáo cũng cho thấy, hai tổ chức GD tại Australia có nhiều SV Trung Quốc theo học nhất là Trường ĐH Sydney và UNSW Sydney, với doanh thu lần lượt là 26% và 27% từ người học Trung Quốc vào năm 2018.

Phó Hiệu trưởng UNSW - ông Ian Jacobs từng phát biểu trong năm 2019 rằng, trường ĐH của ông đã thành lập một quỹ dự phòng để “mua... một vài tháng nữa” trong trường hợp đột ngột mất lượng người học từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Jacobs khẳng định sẽ nhanh chóng giảm mức lương cho nhân viên cũng như mức chi tiêu cơ sở hạ tầng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài.

Trong một cuộc họp báo ngày 4/2, Bộ trưởng Dan Tehan khẳng định, chính phủ và các trường ĐH cam kết sẽ “linh hoạt hết mức có thể” trong việc giúp đỡ những SV Trung Quốc chưa thể tới nước này. Tuy nhiên, ông Tehan đã từ chối trả lời những câu hỏi về việc liệu SV Trung Quốc có được hoàn tiền nếu họ không thể học tập tại Australia hay không và liệu, chính phủ có xem xét tới việc giúp các trường ĐH ứng phó với hậu quả “thiếu hụt” hay không.

“Hãy chờ đợi và xem tác động của virus Corona đối với Australia trong 2 tuần tới, tháng tới, quý tới, trước khi chúng ta bắt đầu cân nhắc tới những việc trên. Hãy đối phó với khó khăn bằng phương án học trực tuyến, học từ xa. Chúng tôi chắc chắn sẽ giúp đỡ tất cả SV từng học tại Australia, cũng như bảo đảm phúc lợi của họ”, Bộ trưởng GD Tehan khẳng định.

Ông Tehan cũng từ chối ước tính chi phí của cuộc khủng hoảng, trong khi thừa nhận rằng, GD quốc tế là một hoạt động “xuất khẩu quan trọng” đối với Australia. “Chúng ta phải chờ xem phạm vi lây lan của virus Corona trước khi có thể đưa ra dữ liệu về vấn đề này”, Bộ trưởng GD Australia nói.

Thống kê mới đây cho thấy, gần 2/3 SV người Trung Quốc tại các trường ĐH Australia đang ở nước ngoài. Con số này được cho là dấu hiệu của sự khó khăn về tài chính của “xứ sở kangaroo”, trước bối cảnh lây lan chóng mặt của virus Corona.
Bộ trưởng Dan Tehan đã công bố số liệu thống kê cho thấy, khoảng 157.000 người Trung Quốc tại nước này là SVĐH trong số gần 190.000 người học có thị thực hợp lệ tới Australia vào ngày 1/2. Trong đó, 62% SV đang ở nước ngoài và phải chờ ít nhất 2 tuần hoặc lâu hơn để có thể tới Australia.

Theo Times Higher Education

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.