Samphire: Măng tây của nhà nghèo

GD&TĐ - Từ tháng 6 - 8 hàng năm, samphire (loài cây chịu mặn ven biển) trên khắp Vương quốc Anh đua nhau nảy mầm non mới.

Samphire sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập mặn.
Samphire sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập mặn.

Bề ngoài, mầm samphire khá giống mầm cây măng tây. Nhờ chứa vitamin A, B, C và có một số công hiệu trị bệnh, samphire được người dân miệt biển Anh ưa thích. Hiện, nó giàu tiềm năng trở thành món chính trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng nhất vương quốc này.

Xương rồng biển

Samphire có tên khoa học Salicornia europaea, là cây một năm ưa mặn có hoa, thân mọng nước. Nó sinh trưởng nhiều ở các đầm lầy ngập mặn của Anh, như ở vòng cung cát Vịnh Holkham, Norfolk.

Với cư dân Anh, Norfolk là địa hạt miền biển du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng. Ở đây có nhiều hải sản nổi tiếng như cua Cromer, vẹm Brancaster, sò huyết Stiffkey… Vì địa hình thấp, đất đai Norfolk thường xuyên bị nước biển xâm thực. Song cũng nhờ điều kiện tự nhiên này, samphire phát triển mạnh mẽ.

Samphire có khá nhiều tên gọi như cỏ thủy tinh (thời trung đại, người ta dùng tro của cây samphire sản xuất thủy tinh), măng tây biển, sam-fer… Tuy sống tốt trong môi trường đầm lầy ven biển, bị nước mặn dâng ngập 2 lần/ngày, nó là thực vật thuộc họ… xương rồng.

Đặc tính của samphire là chịu mặn giỏi. Nó yêu thích các bãi bồi thủy triều, bờ cát hoang lẫn bùn, lạch nước biển ăn sâu vào đất liền… Từ tháng 6 - 8 hàng năm, samphire bắt đầu mùa sinh trưởng mới. Chúng nảy mầm từ hạt, khoe những đọt non mọng nước, bụ bẫm như chồi cây măng tây.

Rau mặn hoang dã

Mùa hè, người Anh hái samphire hoang dã thỏa thích.
Mùa hè, người Anh hái samphire hoang dã thỏa thích.

Từ xa xưa, samphire đã được người dân Norfolk xem như rau dại theo mùa. Họ tranh thủ hái khi nó còn non, đem về chế biến thức ăn. Samphire có thể ăn sống, nhưng đa phần được sơ chế bằng cách luộc hoặc nướng trước khi làm món ăn.

Vì sống trong nước mặn, samphire có sẵn vị muối. Nó thậm chí mặn đến nỗi, những ai thích ăn nhạt phải luộc với rất nhiều nước cho phai bớt. Khi luộc chín, samphire xanh mướt như rong biển, giòn và ngon ngọt như măng tây. Bởi vậy, nó mới có biệt danh là “măng tây biển”.

Một số người cho rằng, kết cấu và hương vị của samphire còn giống thân rau bina non hoặc búp atiso. Nó thích hợp làm món ăn kèm cho hầu hết các loại hải sản. Nhờ mọc hoang tràn lan, samphire được người dân miền biển Anh hái ăn miễn phí. Tuy nhiên, việc thu hoạch samphire cũng đòi hỏi khá nhiều kinh nghiệm, từ căn chuẩn thời gian đến hiểu biết về thủy triều.

Thế kỷ XVII, nhà thảo dược lừng danh người Anh - Nicholas Culpeper (1616 – 1654) tuyên bố “samphire là loại cây có đặc tính y học lành nhất, không chứa bất cứ tác dụng phụ nào”. Nó giàu các loại vitamin A, B, C, canxi, vi chất sắt… Người Anh thích đem samphire ngâm chua, vừa làm thức ăn, vừa làm thuốc ngăn ngừa bệnh loãng xương, dành cho các thủy thủ phải đi biển dài ngày.

Ngày nay, samphire được Tập đoàn Phyto (Hàn Quốc) sử dụng công nghệ chiết xuất natri lấy muối thực vật. Họ cho biết, muối samphire tự nhiên có hiệu quả tích cực trong việc điều trị bệnh huyết áp cao và gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, Phyto còn phát triển bột samphire khử muối có chứa polyphenol và antithrombus. Hai chất này giúp điều trị bệnh béo phì, xơ cứng động mạch.

Bảo vệ sinh thái

Rau samphire có kết cấu và hương vị giống như măng tây.
Rau samphire có kết cấu và hương vị giống như măng tây.

Những năm gần đây, hương vị và công dụng của samphire được phổ biến rộng khắp. Tại Anh, các nhà hàng thuộc các thành thị lớn bắt đầu quan tâm đưa nó vào thực đơn. Nhiều đầu bếp nổi tiếng như Hugh Fearnley-Whittingstall, Rick Stein… nhiệt tình quảng bá, khiến thực khách không ngớt hiếu kỳ.

Có điều, đa phần các nhà hàng sang trọng ở Anh đều nhập samphire từ những nơi xa xôi như Israel và Mexico. Trên phạm vi toàn cầu, samphire có mặt ở khá nhiều nơi và mọi châu lục. Tuy nhiên, chưa nhiều nền văn hóa biết loài cây chịu mặn này có thể ăn được.

Ngay cả miền biển biết ăn samphire từ lâu – Norfolk, người dân cũng chỉ dùng nó như “lựa chọn cuối cùng”. Vì thế, samphire mới gắn liền với tên "rau của nhà nghèo”. Nếu đem so sánh, hương vị của samphire ở khắp các nơi cũng na ná nhau.

Nhiều người Anh hy vọng, samphire bản địa sẽ được thay thế samphire ngoại nhập trong bếp các khách sạn, nhà hàng cao cấp. Nếu thành công, nó không chỉ giúp quảng bá thực phẩm địa phương, mà còn góp phần tạo thu nhập cho các miền biển giàu có samphire.

Bên cạnh vai trò rau xanh ngon, samphire còn cực kỳ quan trọng đối với hệ sinh thái ven biển. Sau thời gian mầm chồi, nó phát triển thành bụi cây cứng cáp, cung cấp môi trường sống cho nhiều loài chim và bảo vệ bờ biển khỏi tác động của giông bão, nước biển dâng, xói mòn…

“Samphire có xu hướng mọc thành vạt dày đặc” - chuyên gia thực vật Paul Simons (Anh) cho biết - “Khả năng chắn sóng của vạt samphire mạnh hơn bất cứ đê nhân tạo nào”. Chưa hết, nhờ rễ samphire cắm sâu, bám chắc, nhiều thực vật ven biển khác như cỏ bồng đất mặn (suaeda maritima), thạch thảo biển (tripolium pannonicum)… cũng có cơ hội bám trụ và lớn lên.

Đặc biệt, samphire bẫy bắt CO2 siêu tài tình. Theo ước đoán của các nhà khoa học, rừng samphire hấp thụ và lưu trữ CO2 an toàn, hiệu quả hơn bất cứ rừng cây nào cùng kích thước.

Mùa thu, samphire chuyển màu thành đỏ hoặc tím và trổ bông. Khi thủy triều lên, toàn bộ samphire ngập trong nước, tạo nên khung cảnh mỹ lệ. Sau khi kết quả, samphire dần tàn lụi. Suốt mùa đông – xuân, hạt samphire ngủ yên trong băng, kiên nhẫn chờ hè sang.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.