Những “học sinh tuyệt mật” tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ

GD&TĐ - Nhiều người bạn trung học của cô sinh viên năm thứ nhất Summer (tên đã thay đổi vì lý do an ninh) nghi ngờ em đang kiểm tra điện thoại và nghe lén những cuộc trò chuyện của họ. Họ đồn đoán những việc khác thường Summer làm và nói đùa em đang chuẩn bị làm… điệp viên trong lĩnh vực an ninh tình báo! “Các bạn em có vẻ thích thú với ý tưởng này, dù chỉ là giả định!” - Summer nói.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Tiếp cận với công việc tình báo từ lúc còn đi học

Chỉ có điều họ không biết là mình… đã đúng. Summer 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, không tham dự bất cứ lớp chuẩn bị đại học nào mà đến tập sự tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (National Security Agency-NSA) ở Fort Meade thuộc bang Maryland.

Giống như nhiều thực tập sinh khác, khi có ai hỏi đang làm gì cho NSA, em nói: “Bí mật, nhưng có liên quan đến mật mã”.

NSA là cơ quan lớn nhất của nước Mỹ chuyên về giải mã và thu thập tin tình báo từ các tín hiệu điện tử phát đi của kẻ thù và những quốc gia thù địch với nước Mỹ.

Hai học sinh Brianna và Simon cũng là thực tập sinh tại NSA giống như Summer. Các em cho biết nhiệm vụ chính của mình trong thời gian thực tập là dịch thuật và tham gia an ninh mạng. Họ tên thật của các em không được tiết lộ.

Trong những năm gần đây, tình báo Mỹ thường cảnh báo là Trung Quốc đang sử dụng sinh viên du học tại Mỹ hoặc có thẻ xanh, có quốc tịch Mỹ vào hoạt động ăn cắp các bí mật của nước Mỹ.

Bộ ba Simmer, Brianna và Simon đều 18 tuổi và vừa tốt nghiệp trung học tại bang Maryland. Cùng với hơn 150 học sinh trung học khác, các em làm việc cho một chương trình nghiên cứu của NSA.

Những thực tập sinh của chương trình này được phép tiếp cận với một số thông tin nhạy cảm nhất và những kế hoạch bí mật nhất của nước Mỹ với điều kiện phải tuyệt đối giữ bí mật.

Để được tuyển dụng các em phải qua được cuộc kiểm tra an ninh gắt gao gọi là TS/SCI (Top Secret Security Clearance) để bảo đảm có đủ những “phẩm chất” quan trọng của một nhân viên tình báo tương lai.

Có thể xem Jared Kushner, con rể của Tổng thống Mỹ là điển hình của thế hệ nhân viên an ninh trẻ này. Yêu cầu cao nhất đối với các em là phải có trách nhiệm với đồng nghiệp, cơ quan và có khả năng giữ bí mật, không tiết lộ với ai công việc mình làm, kể cả những người thân nhất.

Summer nói: “Khi mới được NSA tuyển dụng bạn vẫn chưa hiểu hết công việc của mình. Chỉ đến lúc nhận nhiệm vụ bạn mới biết được phép tham gia đến đâu vào hệ thống an ninh của nước Mỹ. Nhưng nói chung, trách nhiệm là rất lớn. Thậm chí, có lúc những gì bạn thấy sẽ làm cho bạn sợ”.

Cân bằng giữa việc học lên đại học và công việc tại NSA không hề dễ dàng đối với Simon. Thường thì em chỉ học 2 tiết buổi sáng và buổi chiều dành cho NSA. Là người yêu thích những công việc bí mật, Simon xem việc qua được khâu sát hạch an ninh cá nhân của NSA là “chìa khoá vàng để mở vào tương lai”.

“Trách nhiệm đi kèm sự kiêu hãnh đến ngay vào lúc chiếc chìa khóa nằm trong tay bạn" - Simon bộc bạch:  "Thật là hạnh phúc khi được tin cậy dù bạn mới vừa bước qua ngưỡng cửa trung học. Rất nhiều học sinh Mỹ mơ có được một tương lai như thế. Đây là cơ hội lớn, một công việc thời thượng và là giấc mơ của nhiều học sinh”.

Những thực tập sinh tại NSA (những cơ quan tình báo Mỹ khác như CIA cũng có chương trình tuyển học sinh tương tự) hiểu rõ rằng nơi tuyển họ muốn có trong tay những tài năng trẻ thông minh, năng động, nổi trội về STEM (Science, Technology, Engineering and Math - Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán). Đây là những tài năng mà cái nôi công nghệ Mỹ Silicon Valley cũng đang ra sức “vơ vét”.

NSA biết rằng vơ vét sớm, tuyển dụng sớm khi học sinh vừa tốt nghiệp trung học là cách tốt nhất.

“Lúc các thực tập sinh làm việc tại NSA thì sự hứng thú và hãnh diện sẽ giữ chân các em lại. Các em không còn muốn làm việc tại những nơi khác, kể cả các tập đoàn công nghệ lớn" - Courtney Browned - thuộc nhóm chịu trách nhiệm tuyển thực tập sinh cho NSA, nói: Tuyển sớm, giữ chân các em và làm các em yêu công việc mình làm là chiến thuật tìm kiếm nhân tài của chúng tôi. Silicon Valley có sức hấp dẫn đặc biệt, nhưng NSA cũng có cách tuyển dụng của riêng mình”.

Giấc mơ của nhiều học sinh Mỹ

Đối với Summer, ấn tượng nhất là được tham gia nhóm nghiên cứu thực hiện một “sản phẩm mới” để các chuyên viên đánh giá.

“Silicon Valley là cục nam châm hút tài năng nhưng em muốn thử thách tại NSA vì nó cho những trải nghiệm rất khác. Em biết là mình không chỉ lo cho cuộc sống mà còn đóng góp vào sự an toàn hơn cho nước Mỹ. Giấc mơ được làm việc tại một cơ quan nổi tiếng như NSA đã có trong em từ năm 11-12 tuổi” - em nói.

Courtney Brown

Để có được những nhân viên tương lai xuất sắc, NSA tổ chức tuyển dụng trên web, trên mạng xã hội và cả tại các hội chợ nghề nghiệp.

NSA không cho người đến trường trung học mà đề nghị ứng viên hãy vào trang web intelligencecareers.gov để nộp đơn dự tuyển, trong đó có rất nhiều thông tin phải điền vào. Tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối.

“Đa số học sinh chúng tôi cần là những em xuất sắc về STEM để làm việc cho những chương trình tập trung vào các lĩnh vực này” - Courtney nói.

Những người phỏng vấn tuyển dụng cũng chú ý đến những gì các thực tập sinh đang tham gia ngoài đời, như câu lạc bộ robotics và các dự án, các khóa học có liên quan đến STEM.

“Bảng tiêu chuẩn phỏng vấn tuyển dụng được NSA bổ sung thường xuyên mỗi năm cho thích nghi với tình hình thế giới, tức là những gì nước Mỹ cần phải làm để bảo vệ mình. Sau khi được tuyển, mỗi mùa hè bộ ba trên sẽ đến Fort Meade để tiếp tục công việc với mức lương hưởng nguyên năm và bảo đảm sẽ trở thành nhân viên chính thức tại NSA sau khi tốt nghiệp.

“Điều quan trọng nhất là bạn phải được sự tin tưởng của những người sử dụng mình rồi mới đến niềm tự hào là mình đã trở thành một thành viên của đội ngũ bảo vệ nước Mỹ với nhiệm vụ cụ thể là giữ các thông tin được an toàn và thu thập tin tình báo” - em Brianna nói.

Dĩ nhiên, không giống đi làm thêm mùa hè tại các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ hay phòng mạch bác sĩ, Brianna không thể tiết lộ công việc đang làm của mình với bạn bè, người thân. Phải cách ly khỏi cha mẹ vào mùa hè là điều khó với Summer dù cha mẹ em ủng hộ công việc của con gái. Summer đã có một người chị là thực tập sinh tại NSA trước em.

“Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học thường thích đi đây đó và ấp ủ những ý tưởng mới trong đầu chờ thực hiện. Vì vậy, làm sao để cho các em biết là thực tập tại NSA cũng có nhiều thứ hấp dẫn là thách thức lớn. Tuyển dụng và giữ các em ở lại làm việc lâu dài là hai yêu cầu khác nhau. May mắn, hầu như toàn bộ thực tập sinh đều hài lòng và hãnh diện với công việc đang làm là góp phần bảo vệ nước Mỹ” - một quan chức NSA nói.

Courtney bổ sung: “Sau khi tốt nghiệp đại học các em đều trở thành nhân viên chính thức và được trải nghiệm những công việc không giống với nơi khác. Số thực tập sinh nghỉ việc do cả chủ quan lẫn khách quan rất ít. Các em hiểu rằng, được NSA chọn là điều không dễ, và số người đáp ứng được các tiêu chuẩn của cơ quan rất ít”.

Summer, Brianna và Simon đều chưa tốt nghiệp đại học nên chỉ thực tập tại NSA vào mỗi dịp hè. Thời gian còn lại các em đi học bình thường. Các em chưa biết mình sẽ được giao công việc gì nhưng tất cả đều muốn tiếp tục làm việc lâu dài với NSA.

“Em nôn nao chờ ngày được chính thức tham gia hoạt động truy tìm và phát hiện những kẻ xấu làm hại cho an ninh của nước Mỹ” - Summer nói.

Theo The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...